Cặp đôi cứ 3 năm lại ly hôn rồi lại tái hôn – Lý do là gì?

Cứ 3 năm một lần, cặp vợ chồng ở Hachioji, Tokyo lại nộp đơn ly hôn rồi đăng ký kết hôn lại.

Ly hôn làm gì để rồi lại kết hôn với cùng một người, không phải tốn thời gian và công sức sao? Thế nhưng cái gì cũng có lý do của nó.

Người chồng là một công chức trong khi vợ là nhân viên văn phòng. Hai người vẫn còn nhớ rất rõ những cuộc cãi nhau nảy lửa lúc mới hẹn hò.

Tại một quán cà phê gần ga Shibuya, cô gái châm ngòi trước bằng cách khơi chuyện “Sau khi kết hôn thì họ của chúng ta tính sao đây, em không muốn đổi họ đâu”. Anh chàng hết sức ngạc nhiên “Nhà anh ai cũng thế, không phải bình thường sẽ lấy họ chồng sao”. Cô gái không chịu thua “Tại sao lại quyết định em phải điều chỉnh họ theo anh chứ?”, chàng trai đáp “Thì bởi trước giờ vẫn vậy mà…”

Khi cuộc cãi vã này nổ ra, cả hai vẫn đang là sinh viên đại học, nhưng đã hẹn hò và tính đến chuyện kết hôn. 

Kết cục chàng trai bị sốc đến sững sờ, còn cô gái thì vừa đi về nhà vừa khóc.

Anh chàng trong câu chuyện lớn lên tại một thành phố ở Ibaraki, cha là nhân viên văn phòng còn mẹ là nội trợ toàn thời gian. Chính vì môi trường giáo dục như vậy nên anh chưa từng thấy trường hợp kết hôn nào mà người vợ không đổi sang họ chồng. 

Mặt khác cô gái sinh ra trong một gia đình ở Yokohama, cha mẹ cô cùng nhau làm việc kiếm sống. Từ khi còn học tiểu học cô gái đã ghét việc đổi họ sau khi kết hôn. Có lần một cô bạn cùng lớp đã viết tên mình với họ của người yêu, cô nói rằng lúc đó “dù thấy đáng yêu đấy nhưng không hiểu sao phải làm vậy”.

Ngày hôm sau của “cuộc khẩu chiến”, vì không muốn khó xử trước mặt người kia, hai người quyết định tránh nói về chuyện đổi họ. Dù từ đó trở đi cũng có đôi lần cả hai nhắc về chuyện này, nhưng ý kiến của họ vẫn như “đường thẳng song song”.

Một năm sau khi cả hai tốt nghiệp và đi làm, cuối cùng cũng đến lúc chính thức tính đến chuyện kết hôn. Quan niệm về việc giữ lại họ của cô gái vẫn rất kiên định. Đáp lại sự quyết tâm này của vợ sắp cưới, anh chàng đã có một câu trả lời khiến cô nàng cũng phải bất ngờ.

Cả hai đều sẽ phải đổi họ.

Câu trả lời rằng họ sẽ luân phiên đổi họ của nhau 3 năm một lần. 

Đầu tiên hai người nộp đơn kết hôn dưới họ chồng, sau 3 năm thì ly hôn rồi tái kết hôn, nhưng lần này dưới họ của vợ và cứ luân phiên như thế.

Tưởng chừng đây là một ý tưởng tuyệt vời,  nhưng thực tế điều này đem lại nhiều khó chịu cho cuộc sống vợ chồng.

Đầu tiên là người vợ. Nơi làm việc của cô không cho phép dùng tên trước khi kết hôn, nên cô đã báo lại rằng “Vài năm sau sẽ đổi lại tên”. Biết được điều này, một đồng nghiệp nói với cô rằng “Như vậy không phải phiền cho người xử lý lắm sao?”.

Sau 3 năm vào năm 2019, hai người ly hôn rồi tái hôn nhưng lần này đăng ký họ người vợ. Trường hợp đối tượng tái hôn là người cũ thì không cần đợi mà có thể tái hôn ngay. Người chồng hầu như không gặp bất tiện gì ở nơi làm việc, vì anh vẫn sử dụng tên cũ, các đồng nghiệp cũng thoải mái chấp nhận. Anh chồng cũng không thông báo gì với gia đình mình về việc đã đổi họ vì cảm thấy “không quan trọng”.

“Tôi chỉ cảm thấy mình đã đổi sang họ của vợ trong những tình huống như khi đi bệnh viện. Lúc bác sĩ gọi tên, tôi hầu như không có phản ứng gì cả vì vẫn chưa quen với cái họ mới”.

Từ năm 2019, trên giấy lưu trú, thẻ My number, bằng lái xe đã cho phép viết kèm tên trước khi kết hôn. Các thủ tục đổi tên được thực hiện trong khoảng 1 ngày.

Khi kết hôn, không phải là một bên “nhập hộ tịch” vào bên kia mà là “làm hộ tịch cho hai vợ chồng”. Đầu tiên hai người làm hộ tịch với họ chồng, sau khi ly hôn thì tên người vợ sẽ bị tách khỏi hộ khẩu này. Cô vợ hoặc là quay về với hộ khẩu của nhà bố mẹ, hoặc chọn làm hộ khẩu độc lập mới với tên của mình. Sau đó khi tái hôn với chồng thì chồng cô sẽ nhập vào hộ tịch mới này. 

“Khi chọn kiểu kết hôn như thế này, chúng tôi phải hiểu rõ về hệ thống hộ tịch và nguyên quán, và khi tìm cách để hack nó, tôi đã nhận ra nhiều nghi vấn về hệ thống hiện tại này. Dù không còn cách nào khác là phải sử dụng, cũng có lúc tôi cảm thấy mình đang làm những chuyện thật vô nghĩa” – người chồng cho biết.

Nói chung việc đổi họ này chỉ để thoả mãn chế độ hộ khẩu, ngay từ lần kết hôn đầu tiên, cả hai vẫn xem bản thân dưới cái tên từ thuở cha sinh mẹ đẻ.

“Quả nhiên khi thử thực hiện thì cách này tồn tại nhiều điểm bất tiện, nhưng tôi không còn cách nào khác. Chúng tôi vẫn luôn chờ đợi đến khi có thể lựa chọn giữ lại họ cho cả vợ lẫn chồng, nhưng thực sự mất kiên nhẫn khi các cuộc thảo luận chẳng có tiến triển gì cả. “

Nhân tiện hiện tại hai vợ chồng vẫn chưa có con, tuy nhiên cả hai đã quyết định sẽ lấy tên hộ tịch tại thời điểm đứa trẻ ra đời. Họ của đứa trẻ sẽ được giữ nguyên cho đến khi nó lớn lên, và cuối cùng bản thân đứa trẻ sẽ chọn cái họ phù hợp với bản thân nó.

“Tôi đã gặp nhiều ý kiến như nếu họ của hai vợ chồng khác nhau sẽ không thể gắn kết được gia đình, nhưng không hoàn toàn đồng ý. Bản chất của hôn nhân không phải vấn đề cái họ. Tôi nghĩ đã đến thời đại mà chúng ta phải tự suy nghĩ và tạo ra hình dạng gia đình, do đó nên có nhiều lựa chọn hơn để suy nghĩ về gia đình của mỗi cá nhân”.

 

Sacchan
Xem thêm: