Tại sao trường học và nhiều công ty Nhật chọn “reset” vào tháng 4 chứ không phải tháng 1?
Mới đây mà năm 2021 đã qua và chúng ta đã đứng trước thềm năm mới.
Theo Dương lịch thì từ ngày 1 tháng 1 là bắt đầu của năm 2022, thế nhưng nhiều doanh nghiệp cũng như trường học ở Nhật Bản lại bắt đầu một năm làm việc/niên học mới vào tháng 4.
Tháng 3 là tháng “tốt nghiệp”, và không chỉ gói gọn trong quy mô trường học, người Nhật xem tháng 4 là tháng “reset” để bắt đầu các hoạt động mới.
Ngày xưa người Nhật sử dụng lịch Âm, thế nhưng cho dù có nhìn vào lịch Âm thì việc bắt đầu các hoạt động vào tháng 4 vẫn rất “nửa vời” và khó lý giải.
Thực tế cũng khá nhiều người Nhật không biết lý do.
“Bí ẩn tháng 4” này bắt đầu từ năm 1886, trong thời đại kết thúc của các Samurai.
Nhật Bản là quốc gia nông nghiệp, do đó có thuyết cho rằng người Nhật chọn thời điểm đóng thuế của người nông dân để bắt đầu năm tài chính. Tuy nhiên mùa thu hoạch lúa lại rơi vào khoảng tháng 10 mùa Thu, do đó thuyết này chưa chính xác, hay nói đúng hơn là chưa đủ.
Ngày xưa, người dân đóng thuế trực tiếp bằng gạo, thế nhưng khi thời đại thay đổi thì thuế được trả bằng tiền. Từ đó có thể suy ra quy trình làm việc của nông dân như sau:
- Thu hoạch
- Bán và quy đổi ra tiền mặt
- Nộp thuế
- Nhìn vào tổng tiền đóng thuế để lập ngân sách cho năm mới
Tính cả chênh lệch thời gian từ lúc thu hoạch cho đến khi lập ngân sách, thời điểm này rơi vào tháng 4.
Liên quan đến năm tài chính, ở Nhật còn có một phong tục kỳ lạ gọi là lễ gia nhập công ty.
Có lẽ Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới phổ biến văn hoá “lễ gia nhập công ty”, trong đó các nhân viên mới, vào ngày đi làm đầu tiên sẽ tham gia một nghi thức đặc biệt, lắng nghe lời dặn dò từ ngài chủ tịch để được chính thức trở thành nhân viên của công ty.
Vào thời Samurai, theo nguyên tắc cha truyền con nối, đứa trẻ sẽ được dắt theo để quan sát học tập, sau đó tiếp quản các công việc một cách tự nhiên, do đó không hề có nghi lễ chuyển giao. Thế nhưng đến thời hiện đại, đi kèm với sự thay đổi trong quan niệm cho rằng vào công ty đánh dấu bước ngoặc lớn trên con đường trở thành “người chuyên nghiệp”, do đó cần thông qua nghi lễ gia nhập.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp vào tháng 3, nhiều người Nhật sẽ ngay lập tức đi làm vào đầu tháng 4. Những người bỏ lỡ thời điểm này, không thể tìm được công việc đầu tiên trong tháng 4 thường sẽ bị đánh giá không tốt, đem lại ảnh hưởng không mấy tốt đẹp.
Tóm lại tháng 4 là thời điểm “bước ngoặt” của người Nhật. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cũng đúng thời điểm này hoa Anh Đào lại nở rộ.
Liệu bạn có thể tìm thấy chút thư thái trong tâm hồn khi nhìn ngắm những cánh hoa Đào xinh đẹp? Hay chính khung cảnh đẹp đến choáng ngợp ấy lại đem đến sự cô đơn?
Đối với các học sinh mà nói, tháng 3 và tháng 4 chính là thời điểm “chiến đấu” khốc liệt nhất. Thế nhưng hãy tin rằng khi mùa Đông lạnh lẽo qua đi thì mùa Xuân hạnh phúc sẽ đến, nhé !!!
Kengo Abe