Sự tồn tại của Vu nữ Mặt trời Himiko và Tà Mã Đài Quốc – Hai bí ẩn lớn nhất của lịch sử Nhật Bản?
Câu chuyện lần này xảy ra trước cả khi Samurai ra đời. Tương truyền rằng có một vị nữ vương tên là Himiko sinh ra vào những năm 200 sau công nguyên.
Thời bấy giờ ở Nhật vẫn chưa có văn hoá lưu lại lịch sử qua sổ sách, thế nhưng nhân vật này đã xuất hiện trong văn thư có tên Gishiwajinden, tài liệu cổ của Trung Quốc viết về nước Nhật.
Khi đó người Trung Quốc gọi Nhật Bản là Wakoku (Uy quốc). Trong Uy Quốc tồn tại một tiểu vương quốc được sử sách ghi lại gọi là Yamataikoku (Tà Mã Đài Quốc). Dù Himiko được xem là vị nữ vương của tiểu vương quốc này, thế nhưng kỳ lạ thay tên của bà chỉ xuất hiện trong tài liệu trên mà thôi. Thực hư về vị trí địa lý của Yamataikoku hay sự tồn tại của nhân vật Himiko đến nay không ai có thể chắc chắn.
Vào Thời đại Yayoi (từ năm 300 TCN đến 250 sau CN) là thời điểm mà nền văn minh trồng lúa bắt đầu “nảy mầm” tại Nhật. Cùng với sự ra đời của nghề trồng lúa, người Nhật lúc bấy giờ sống theo nhóm trong các thôn làng và sản xuất lúa gạo làm thực phẩm chính theo kế hoạch. Từ sự hình thành làng xã, chênh lệnh giàu nghèo ngày càng rõ rệt dẫn đến các vấn đề giai cấp. Chưa hết, chiến tranh giữa các thôn làng nằm gần nhau để gia tăng lãnh thổ xảy ra như cơm bữa, chỉ khi Himiko lên ngôi thì tình hình chiến sự này mới đi đến hồi kết.
Himiko là một Vu nữ (Miko – Thần nữ giữ Đền), phục vụ Thần Mặt trời, những lời tiên tri của bà được dùng để vận hành bộ máy chính trị.
Trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới, Thần Mặt trời luôn được sùng bái, kính trọng, riêng ở Nhật Bản, vai trò của Thần Mặt trời được đề cao hơn nữa. Thần mặt trời Amaterasu Ookami là vị Thần trung tâm của các vị Thần trong Thần thoại Nhật Bản, chưa hết, kể cả trong Phật giáo với nhân vật biểu tượng là Đại Nhật Như Lai thì một phần văn hoá sùng bái Thần Mặt trời vẫn được bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Lúc bấy giờ, Wakoku (nước Nhật thời nay), theo lời của Himiko, thường xuyên gửi đồ cống nạp cho Trung Quốc. Đáp lại, Hoàng đế Trung Quốc gửi dấu vàng và 100 tấm gương bằng đồng cho Wakoku. Mối giao hảo giữa hai bên rất vững chắc, nhờ vậy mà Wakoku trở thành quốc gia giàu có thịnh vượng.
Tương truyền rất ít người được diện kiến Himiko, bà cũng hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Himiko không có chồng, người chăm sóc bà là em trai.
Tất cả mọi lời phán của Himiko đều chuẩn xác, nhờ làm theo ý chỉ của bà mà quốc gia ngày một phát triển. Thế nhưng từ sau khi Himiko qua đời, quyền lực rơi vào tay nam giới, vận mệnh của Wakoku một lần nữa lại rơi vào cảnh hỗn chiến.
Trở lại với bí ẩn về vị trí địa lý của Yamataikoku, không một ai biết chính xác nơi này nằm ở đâu. Trong những lần trao đổi cùng Hoàng đế Trung Quốc, sứ giả của Yamataikoku luôn đề xuất gặp gỡ ở những nơi thuận tiện cho bên Trung Quốc như vùng phụ cận Kyuushuu. Tuyệt nhiên không có dấu vết nào về Yamataikoku.
Có ghi chép rằng khi Himiko qua đời, 100 người đã tự chôn sống chính mình để đi theo bà, thế nhưng dù quy mô lớn như vậy, đến nay không ai tìm thấy phần mộ. Tuy vậỵ, tại phần mộ của các vị Chúa ở những địa phương khác, người ta tìm thấy những chiếc gương đồng. Có giả thuyết rằng gương đồng này chính là món quà của Hoàng đế Trung Quốc, được Himiko tặng cho những vị Chúa để chứng minh mối quan hệ bền chặt mà bà đã tạo dựng. Nếu giả thuyết này chính xác thì sự tồn tại của Himiko đã được xác minh.
Mặc dù cuộc đời và chính cả sự tồn tại của Himiko có quá nhiều bí ẩn, thế nhưng thời đại bà trị vì, quốc gia rất yên bình, phát triển ổn định. Chỉ sau đó, khi một vị Nam vương lên ngôi thì hỗn chiến lại xảy ra. Những người quan ngại tình trạng này đã đưa một cô gái là Iyo, người bà con của Himiko lên ngôi, vậy là hoà bình lặp lại.
Không biết liệu đây chỉ là trùng hợp hoặc có cơ sở nào đó không, liệu việc đưa nữ giới lên đứng đầu đất nước sẽ ngăn chặn được bạo lực, chiến tranh.
Bên cạnh rất nhiều người tin vào sự tồn tại của Yamataikoku và cả nữ vương Himiko, vẫn có một số nhà sử học phủ định sự tồn tại này.
Ngoài lề một chút, tôi xin phép giải thích thêm với những người đang học tiếng Nhật. Đầu tiên hãy nhìn vào Kanji này.
邪馬台国 (Yamataikoku)
Chữ đầu tiên 邪 được dùng trong từ 邪神 (jashin) – Ác Thần, đọc là Yokoshima. Đây không phải Kanji có ý nghĩa tốt đẹp.
Thêm nữa,
卑弥呼 (Himiko)
Chữ Kanji đầu tiên trong tên của bà 卑 có nghĩa là người hầu, nô lệ, người có địa vị thấp hèn.
Như đã nói ở trên, câu chuyện về Yamataikoku và Himiko chỉ tồn tại độc nhất trong sử sách Trung Hoa, nên tên Kanji đương nhiên là do người Trung Quốc viết lại. Vì vậy không rõ cách viết trên đơn giản chỉ là hợp với phát âm hay là người xưa cố tình viết như thế để thể hiện Trung Quốc là một quốc gia văn minh và tiến bộ hơn nên phải “hạ thấp” người anh em đồng minh của mình?
Ngoài ra, hình tượng của Himiko có phần nào đó tương tự với nữ Thần Mặt trời Amaterasu Ookami. Liệu Himiko là bản phái sinh hay mới chính là bản gốc của Thần thoại Nhật Bản?
Trong Thần thoại, Amaterasu Ookami ẩn mình trong hang động tên là Amano iwato, khá tương đồng với câu chuyện về Nữ vương Himiko không thường xuất hiện trước công chúng.
Không hề quá lời khi cho rằng Yamataikoku và Himiko là hai nghi vấn lớn nhất của lịch sử nước Nhật.
Theo bạn vị Nữ vương này có thực sự tồn tại?
Kengo Abe