Tỷ lệ “cả đời không kết hôn” của phụ nữ Nhật ở đâu cao nhất, Tokyo hạng 2
Vào cuối tháng 11 năm nay, kết quả cuộc tổng điều tra dân số cơ bản năm 2020 đã được công bố. Từ kết quả này có thể thấy được tỷ lệ chưa kết hôn ở độ tuổi 50, hay nói một cách chính xác, đây là trung bình tỷ lệ những người chưa kết hôn trong độ tuổi từ 45-49 và tỷ lệ này ở độ tuổi từ 50-54.
Trên thực tế, tỷ lệ những người chưa kết hôn ở độ tuổi 50 có thể xem là tỷ lệ “cả đời không kết hôn” vì số người kết hôn lần đầu khi vượt quá 50 tuổi là cực kỳ hiếm.
Ở cả nam và nữ, tỷ lệ này vào năm ngoái là cao nhất từ trước đến nay. Ước tính theo xu hướng, đến năm 2040, tỷ lệ cả đời không kết hôn ở nam giới sẽ gần 30% và ở nữ là gần 20%. Trong số đó những phụ nữ làm mẹ đơn thân lựa chọn không kết hôn, và những cặp đôi sống chung nhưng không đăng ký kết hôn cũng được bao gồm.
Bây giờ chúng ta hãy thử nhìn vào diễn biến của tỷ lệ cả đời không kết hôn ở nữ, được phân chia theo từng địa phương trên khắp nước Nhật.
Như đã nói ở trên, dự đoán vào năm 2040, số phụ nữ cả đời không kết hôn sẽ chiếm 20% (cứ 5 người có 1 người), thế nhưng có vẻ Tokyo đã đi trước thời đại 20 năm, bứt phá ở vị trí thứ 2 trong danh sách với 20,1%.
Cũng không có gì lạ khi “thủ đô Nhật Bản” lại xếp hạng cao như vậy, thế nhưng điều bất ngờ là có một địa phương còn xếp hạng cao hơn.
Tỉnh Kochi dẫn đầu danh sách với 20,3%, cao hơn Tokyo chỉ 0,2%. Từ trước đến nay địa phương này chưa bao giờ xếp hạng thấp, thế nhưng sự “đột phá” lên hạng 1 là hoàn toàn ngoài dự đoán.
Không chỉ Tokyo mà các địa phương thuộc trung tâm thủ đô như Saitama, Kanagawa, Chiba, thêm vào đó là Aichi, Osaka, Fukuoka, chỉ riêng 7 nơi này thì số phụ nữ chưa kết hôn đã chiếm một nửa con số trên toàn quốc. Có thể giải thích rằng đa số phụ nữ sống ở những thành phố lớn là dân nhập cư do nhu cầu tìm kiếm việc làm. Khi họ có thu nhập ổn định, kinh tế vững chắc, những phụ nữ này sẽ không cảm thấy cần thiết phải kết hôn.
Ngoài ra tỷ lệ còn có xu hướng thấp hơn ở phía Đông và cao hơn ở phía Tây đối với phụ nữ.
Ảnh Yahoo News
Có một sự thật thú vị là đối với nam giới, tỷ lệ cao hơn ở những địa phương mà giới trẻ có xu hướng lên thành thị lập nghiệp (cao nhất là Iwate, tiếp đến là Aomori), có nghĩa là ngược với nữ.
Một trong những nguyên nhân rõ ràng là vấn đề kinh tế. Mức lương trung bình không tăng trong 30 năm, nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng dù là nhân viên chính thức thì thu nhập năm cũng không vượt quá 3 triệu Yên. Thêm nữa, dù có được nhận vào chính thức thì những bạn trẻ này tiếp tục vướng phải chế độ “nghỉ hưu ở tuổi 45”. Những lo lắng không thể duy trì thu nhập ổn định khi ở độ tuổi 40 cũng ảnh hưởng đến quyết định không lập gia đình.
Thêm nữa, các thông tin liên quan đến gánh nặng chi phí nuôi dạy trẻ ngày càng tăng, chẳng trách thanh niên Nhật Bản ngày nay không muốn “dấn thân” vào cuộc sống hôn nhân vì gánh nặng kinh tế. Do đó không thể lúc nào cũng đổ lỗi cho vấn đề “ăn cỏ” (thanh niên không có hứng thú với hôn nhân, tình dục).
Sacchan