Có cách nào để “dự liệu” các vụ phóng hoả đốt phá như vụ cháy toà nhà ở Osaka gần đây?

Gần đây tin tức đưa tin về vụ việc đốt phá toà nhà phức hợp ở Osaka, gây thiệt hại nghiêm trọng khiến 25 người thiệt mạng. Những người bị cuốn vào vụ việc đều là bị hại, họ không làm gì xấu xa liên quan đến thủ phạm.

Thủ phạm gây ra tai nạn thảm khốc này là Tanimoto Morio. Thực ra 10 năm về trước, tên này đã từng thực hiện hành vi hung ác, thế nhưng với quy mô của vụ việc mới đây, có thể xem như hắn đã phát điên.

Tại sao kẻ có tâm lý bất ổn như vậy lại tự do tự tại đi lại trong thành phố? Liệu có cách nào phòng tránh được các tai nạn tương tự? Đây là hai vấn đề nổi bật được cư dân mạng Nhật Bản quan tâm trong những ngày này.

Vào năm 1956, Tanimoto Morio ra đời trong gia đình 4 anh em, vận hành công xưởng sản xuất kim loại tấm. Hắn là con trai thứ. Bản thân Tanimoto sau khi tốt nghiệp trung học không học lên tiếp mà trở thành công nhân xưởng, thế nhưng từ sau khi người anh trai lên tiếp quản gia nghiệp, hắn bị thuyên chuyển hết từ công xưởng này đến công xưởng khác.

Tanimoto sống ở thành phố Osaka với gia đình 4 người gồm vợ và 2 con trai. Thế nhưng đến tháng 9 năm 2008, hắn bị vợ yêu cầu ly hôn. Tuy là vậy, Tanimoto vẫn dai dẳng bám theo vợ yêu cầu nối lại tình xưa. Vợ hắn không chấp nhận nên quyết định sống ly thân. Kể từ đó lúc nào Tanimoto cũng mang trong mình tâm lý “muốn được chết”.

Nhưng hắn không thể tự sát…

Đã vậy, hắn quyết định sẽ “giết một ai đó, sau đó có thể chết”, rồi quyết định ra tay với người con trai lớn.

Thời cơ đến vào tháng 11 năm 2009, con trai lớn mời cả gia đình bốn người đi xem phim. Kế hoạch của hắn là sau khi đi xem phim, hắn sẽ ghé qua căn hộ vợ đang sống, nhưng viện lý do “đi lấy Sushi” để quay về nhà của mình. Khi đó Tanimoto âm thầm mang theo 02 con dao, súng điện, bình xịt hơn cay, và búa kèm với Sushi.

Tiếp theo, Tanimoto đi uống rượu để trong cơn say, hắn có thể thực hiện dã tâm. Tanimoto tiếp cận con trai lớn, dùng dao tấn công cậu. Khi cậu ngã xuống, Tanimoto tiếp tục cầm con dao nhắm vào con trai và đâm thêm nhiều nhát nữa. Trong lúc phản kháng, cậu con trai cố gắng kéo người cha ra đến Genkan (tiền sảnh, nơi đón khách ở nhà của người Nhật), hiện trường ngập trong vũng máu.

May mắn thay, dù thương tích đầy mình, cậu con trai không bị vết thương chí mạng và hoàn toàn bình phục sau hai tuần nhập viện. Đương nhiên, Tanimoto bị cảnh sát bắt. Thế nhưng do thiệt hại gây ra không lớn nên hắn chỉ bị 4 năm tù cải tạo. Sau khi thời hạn thi hành án kết thúc, hắn ra khỏi trại giam và tiếp tục gây ra vụ việc nghiêm trọng ở Osaka như đã đề cập ở đầu bài.

Việc phạm nhân tái hoà nhập với cộng đồng sau khi mãn án là rất bình thường, nhưng với trường hợp của Tanimoto, ngay tại vụ việc 10 năm trước đã tồn tại những điểm bất thường. Bản thân muốn chết, nhưng tại sao lại phải giết hại con mình? Không có nhiều trường hợp phạm tội với lý do ích kỷ và hành vi khủng khiếp như vậy. Vì vậy cũng không phải là không dự liệu được việc tên tội phạm sẽ lặp lại tội ác sau khi được thả chỉ sau 4 năm cải tạo ngắn ngủi. Cho dù người con cả đã cố gắng né và giảm thiểu thương tích cho chính mình, vấn đề không nằm ở đó mà chính tại sự điên loạn trong hành vi của Tanimoto.

Các phiên toà Nhật Bản có xu hướng đưa ra phán xét về mức độ nghiêm trọng của tội phạm dựa trên so sánh với các án lệ trong quá khứ cũng như nhìn vào mức độ thiệt hại. Thế nhưng liệu cách nghĩ này có đúng đắn, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại.

Kengo Abe
Xem thêm: