Lời nguyền thực sự tồn tại? Chú thuật nguyền rủa bằng hình nhân của người Nhật cổ

Mọi người đã xem Anime Jujutsu Kaisen chưa nhỉ? Không riêng gì Nhật Bản mà Anime này đang nổi tiếng toàn thế giới. Ở Nhật Bản hiện đang công chiếu phần Movie của Anime với bối cảnh diễn ra trước mạch chính trong phim và đang gây được tiếng vang lớn.

Nội dung chính của Anime kể về những Chú thuật sư chuyên đi trừ giải các lời nguyền sinh ra từ cảm xúc tiêu cực của con người.

Nhân đây thì…

Bạn có tin rằng lời nguyền thực sự tồn tại không? Không riêng gì trong Anime hay Manga mà Jujutsu (chú thuật) còn được sử dụng trong chính trị nữa đấy.

Mà ngay từ đầu thì “lời nguyền” là gì nhỉ?

“Lời nguyền” là những hành vi mang lại bất hạnh, đau khổ, tai ương cho một cá nhân nào đó hoặc toàn xã hội do con người hay linh hồn thực hiện, không sử dụng thủ đoạn vật lý mà dựa trên các thủ đoạn thiên về tinh thần, tâm linh.

Các Chú thuật gia (là con người), trong trường hợp muốn nguyền rủa một người cụ thể sẽ sử dụng đến Juso (lời nguyền rủa), nhưng chính họ cũng có thể sử dụng Choufuku (lời nguyền chống lại lời nguyền) để giải nguyền.

Vào thời Heian, “lời nguyền” được sử dụng rất nhiều trong chính trị. Khi đó thủ đô Nhật Bản đặt tại Kyoto, đất nước do giới quý tộc thống trị. Những người này không nâng cao vị thế của mình bằng vũ lực mà tập trung nghiên cứu cách nguyền rủa, thao túng đối phương từ đằng sau.

https://thegate12.com/jp/article/412

Một chút thông tin cho các bạn đang học tiếng Nhật: Thực ra Lời nguyền 呪い không chỉ đọc là “Noroi” như chúng ta thường nghe mà còn có cách đọc khác là “Majinai”. Tiếng Nhật có từ お呪い (Omajinai) có nghĩa là bùa may mắn. Từ đây hẳn bạn cũng nhận ra nghĩa của từ “lời nguyền” thực ra có hai khía cạnh, một bên là ác ý, một bên là thiện ý cầu nguyện may mắn cho ai đó.

Thêm một từ nữa cũng hơi giống với 呪い là 祟り (Tatari) cũng mang nghĩa là “nguyền”. Thế nhưng nếu 呪い ám chỉ đến hành động của một con người cụ thể gọi là “Thuật gia” thì 祟りlà hành động nguyền của những hiện tượng siêu nhiên, sự tồn tại vượt ngoài hiểu biết của con người ví dụ như linh hồn người chết, Thần linh, yêu quái,…

Người xưa thường xem các thảm hoạ thiên nhiên như sóng thần, động đất là “sự trừng phạt của Thần linh”, “sự trừng phạt” hay “nguyền rủa” đó chính là từ 祟り này.

Lịch sử lời nguyền

Lời nguyền cổ xưa nhất của Nhật Bản đã xuất hiện trong Thần thoại của quốc gia này.

Thần thoại kể về hai vợ chồng Thần là Izanagi no Mikoto và Izanami no Mikoto. Thần Izanami no Mikoto sau khi hạ sinh Thần lửa thì mất. Sau khi qua đời, Thần đến ở tại một nơi thuộc Yomi no Kuni (Hoàng tuyền), Thần Izanagi no Mikoto vì quá nhớ người vợ quá cố nên quyết định đến tận nơi để gặp vợ. Dù đã được dặn là nhất định không được nhìn trộm thế nhưng vì sốt ruột, không đợi được nữa, Thần Izanagi no Mikoto đã vô tình nhìn thấy hình dạng xấu xí, thối rửa của vợ mình.

Inazami no Mikoto vì vậy mà nổi cơn thịnh nộ.

“Vì người đã thất hứa với ta, từ bây giờ mỗi ngày ta đều sẽ giết hại 1000 người”

Đây được xem là lời nguyền đầu tiên tại Nhật Bản, và câu chuyện này cũng lý giải tại sao con người lại có giới hạn tuổi thọ. Vì là cơn thịnh nộ của Thần nên lời nguyền này được gọi là 祟り.

Khi nhắc đến “Lời nguyền”, đa số chúng ta đều cảm nhận về sự ác ý, những điều không mấy tốt đẹp. Thế nhưng trong thực tế tồn tại những vị anh hùng có thể sử dụng Chú thuật. Họ sống vào thời Heian và được gọi chung là Âm dương sư (Ommyou-ji). Một trong những Âm dương sư rất nổi tiếng là Abe no Seimei.

Có rất nhiều cách để thực hiện Chú thuật, một trong những nghi lễ phổ biến nhất gọi là 丑の刻参り – Ushi no Kokumairi sẽ được giới thiệu ngay sau đây.

Đầu tiên chuẩn bị trang phục gọi là Shiro Shouzoku (白装束) – nói chung là bộ quần áo màu trắng từ đầu đến chân, hay được mặc trong nghi thức mổ bụng của Samurai. Thêm vào đó là hình nhân rơm, đinh dài và cái búa.

Bước thứ nhất là làm hình nhân rơm.

Cách làm cũng đơn giản thôi, chỉ cần buộc các cọng rơm lại để tạo thành hình như thế này. Tôi nghĩ bước này khá đơn giản, ai cũng có thể làm.

Các bước tiếp theo mới gọi là gay go.

Bây giờ hãy mặc đồ trắng đã chuẩn bị (nếu không có đúng loại trang phục đã đề cập ở trên, bạn có thể thay bằng quần áo bình thường, miễn là trắng từ đầu đến chân, tuy rằng mặc Kimono trắng sẽ phấn khích hơn). Ngoài ra thì Shiro Shouzoku còn là trang phục được mặc cho người chết nên người sống mặc vào có cảm giác “rờn rợn” cũng là bình thường thôi.

Chưa hết, hoá trang gương mặt trắng toát và bôi son đỏ rực.

Miếng vải hình tam giác gắn trên đầu như trong ảnh cũng nằm trong bộ trang phục của người chết.

Còn phải mang đôi Geta cao gót này nữa.

Mang cái này mà đi bộ thì nghĩ thôi cũng thấy khổ.

Bây giờ mới chính thức bắt đầu nghi thức…

Mang theo đinh dài, búa và hình nhân rơm đến Đền. Sở dĩ nghi thức này có tên Ushi no Kokumairi là vì thời gian thực hiện rơi vào Giờ Sửu (Ushi no Koku) theo cách gọi thời gian cổ của người Nhật. Nếu quy đổi sang đơn vị thời gian hiện tại là vào khoảng từ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng.

Người có gan tới Đền vào giờ này hẳn cũng không phải hạng tầm thường…

Tiếp theo, ngậm cái đinh trong miệng rồi đi về phía Cây Thần (Cây to nhất trong Đền). Đến nơi, hướng về phương Đông Bắc, vừa nghĩ về gương mặt của kẻ mà bạn thù hận đến mức muốn nguyền rủa, vừa đóng đinh hình nhân rơm vào thân cây.

Bạn phải thực hiện liên tiếp trong 7 ngày liên tục.

Thế nhưng, hành động này vướng phải vấn đề hình sự. Nếu không có quy định thì việc vào trong khuôn viên Đền không bị xem là xâm nhập trái phép, nhưng đóng đinh lên cây là chuyện tuyệt đối không được làm vì đó là tội phá hoại tài sản. Tội này có thể bị phạt tù cải tạo dưới 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 300,000 Yên.

Chưa hết, trong quá trình thực hiện nghi lễ không được để bị nhìn thấy. Trong trường hợp có người thấy, phải trừ khử ngay. Khi đó tội danh được nâng lên thành giết người.

Khung hình phạt của tội giết người nếu nhẹ thì phạt tù cải tạo trên 5 năm, hoặc tù chung thân và có thể bị tử hình.

Cá nhân tôi cho rằng bạn không thể nào, nửa đêm nửa hôm đi bộ đến Đền trong cái bộ dạng khủng khiếp đó mà không bị nhìn thấy. Thêm nữa nếu sáng hôm sau có ai đó thấy dấu vết đóng đinh nguyền rủa trên thân cây, họ sẽ canh sẵn và dừng hành động này lại nên làm gì có chuyện thực hiện liên tiếp được 7 ngày.

Trong tiếng Nhật có câu như thế này.

 

人を呪わば穴二つ

(Hito o norowaba ana futatsu)

Câu này mang nghĩa nếu có dã tâm hại người thì chính mình sẽ nhận lấy quả báo. Hoặc là quả báo tức thời hoặc là sau khi chết sẽ bị dẫn tới địa ngục để chịu quả báo.

Tóm lại đó chẳng phải chuyện tốt đẹp gì nên hy vọng không có ai nghĩ đến chuyện nguyền rủa người khác nhé.

Kengo Abe
Xem thêm: