Quy định đồng phục và kiểu tóc tại trường học và nơi công sở ở Nhật. Nên dừng lại ở đâu?
Quy chế ở nơi công sở và trường học Nhật Bản có rất nhiều quy định khắt khe liên quan đến đồng phục, kiểu tóc và cả màu tóc.
30 năm về trước, khi tôi còn học trung học, nam sinh phải để đầu đinh còn nữ sinh chỉ được để tóc dài đến vai. Cấm uốn tóc, tẩy tóc, nhuộm tóc. Cấm cả sử dụng keo xịt tóc. Váy của nữ sinh được quy định kỹ đến từng cm dưới đầu gối.
Mà thật ra thì tôi cũng không phải dạng tuân thủ nội quy là mấy nên….
Người đi làm cũng phải tuân theo các nguyên tắc khắt khe. Lúc đi làm phải mặc vest, nguyên tắc này vẫn bền vững với thời gian đến tận bây giờ. Đặc biệt là những công việc cần tương tác trực tiếp với khách hàng như nhân viên cửa hàng ẩm thực, họ phải ăn vận sao cho để lại ấn tượng tốt đẹp với khách hàng.
Vào tháng 8 năm 2021, Starbucks Nhật Bản đã sửa đổi quy định trang phục với nhân viên cho thoải mái hơn. Nhân viên được phép mặc quần Jean, có thể đội mũ và được tự do lựa chọn màu tóc.
https://xtrend.nikkei.com/atcl/contents/18/00523/00002/
Ngày xưa việc nhân viên nhuộm tóc hồng chói chang có thể bị phạt do đem lại cảm giác khó chịu cho khách, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác.
Đương nhiên dù là thời nào thì khi đi làm vẫn phải chỉn chu, đặc biệt với nhân viên cửa hàng ẩm thực, ăn mặc mà không biết ai là nhân viên ai là khách đương nhiên sẽ khiến người khác khó chịu. Thế nhưng ở mức độ mà nhân viên được tự do thể hiện cá tính, tạo cảm giác năng động, vui vẻ, đây cũng là một mặt tích cực để gây ấn tượng với khách hàng.
Cũng có tình huống một số khách lớn tuổi không quen với những kiểu tóc sáng màu, thế nhưng ngày nay nhiều người không xem đó là vấn đề nghiêm trọng, mà ngược lại thậm chí tạo được hiệu quả tốt hơn. Về phía nhân viên, họ sẽ bắt đầu có suy nghĩ rằng “Tôi không muốn bị nói rằng không biết làm việc chỉ vì để kiểu tóc này”, từ đó mà điều chỉnh phong thái tiếp khách sao cho lịch sự hơn. Qua đó mà cả những vị khách khó tính nhất cũng sẽ bắt đầu nghĩ rằng “Thật sai lầm khi phán xét người khác chỉ vì màu tóc hay kiểu tóc của họ”.
Trước kia tôi đã từng thảo luận với một sinh viên đại học dù thế nào đi nữa cũng muốn giữ lại “quả đầu” vàng choé kể cả khi đi làm. Người này nói:
“Anh có nghĩ rằng bắt buộc phải để tóc đen thì mới tìm được việc làm không?”
Quả nhiên nếu không thích tóc đen sao lại phải cố.
Tuy nhiên trong môi trường công sở thông thường, tóc đen cho thấy một người tìm kiếm sự tương đồng với những người xung quanh, không muốn quá nổi bật, do đó dễ kiếm được việc hơn so với những người cá tính như nhân vật này. Đó cũng là sự thật.
Tôi đã trả lời rằng:
“Nếu bạn không muốn bị bắt bẻ, hãy chứng minh cho người khác thấy rằng bạn không thua kém ai bằng năng lực của mình. Đến mức người ta phải nói với bạn rằng tôi không care đến màu tóc của bạn, hãy đến làm việc ở công ty chúng tôi”.
Làm việc tất nhiên không chỉ bao gồm mặc đồng phục và chỉnh tóc. Thế nhưng nếu không có năng lực mà chủ trương “tự do phóng khoáng” lại mất cân bằng.
Nếu một người muốn tự do thể hiện cá tính qua trang phục và kiểu tóc, tôi hy vọng người đó cũng sẽ thể hiện được cả năng lực của mình nữa.
Nhân đây thì chính tôi hầu như cũng chẳng mặc vest. Kể cả đi họp với người ở công ty khác thì trang phục của tôi vẫn cứ thô mộc, bởi lẽ tôi có tự tin vào công việc của mình. Chỉ khi nói lời xin lỗi tôi mới mặc vest để thể hiện thành ý của mình.
Cá nhân tôi muốn thành lập một công ty mà ở đó các nhân viên có thể tận hưởng tuyệt đối thành quả công việc với sự tự tin trong trang phục, kiểu tóc và cả phong cách làm việc của họ.
Kengo Abe