Câu chuyện về Samurai Saigo Takamori – Kẻ nổi loạn “hiền hoà” trong lịch sử nước Nhật

Saigo Takamori, vị Samurai cuối cùng của Nhật Bản, người đã tạo ra một thời đại mới, rồi nổi dậy chống lại chính thời đại đó, và một lần nữa được người đời tôn thờ như một vị anh hùng.

Tại Ueno, Tokyo có đặt bức tượng bằng đồng của vị Samurai này, lặng lẽ nhìn xuống thành phố.

Bức tượng có vẻ bình lặng, nhẹ nhàng như đang kể lại những trang lịch sử hùng tráng của cuộc đời vị anh hùng Samurai nổi tiếng.

Như mọi người đã biết, vào thời đại của Samurai, dù Nhật Hoàng là người đứng đầu, về bản chất, thực quyền do Samurai nắm giữ. Cuối thời đại Samurai là thời kỳ Edo, do nhà Tokugawa thống trị. Tiếp đến là hàng loạt các cuộc cải cách dưới sự ảnh hưởng từ những quốc gia phương Tây, chấm dứt thời đại Samurai kéo dài khoảng 260 năm.

Trên những con tàu hơi nước khổng lồ mà người Nhật chưa từng được chứng kiến, các nước phương Tây đe doạ dùng vũ lực, buộc quốc gia này phải mở cửa.

Trong bối cảnh đất nước chia cắt do các cuộc tranh luận gay gắt về việc nên tiếp tục “bế quan toả cảng” như hiện tại, hay mở cửa thuận theo yêu cầu của người phương Tây, chế độ Mạc Phủ sụp đổ bằng chiến thắng của phe chống đối, mở ra con đường tiến đến thời kỳ cận đại của Nhật Bản.

Người hoạt động tích cực nhất trong các cuộc đảo chính này là Saigou Takamori, thế nhưng chính ông cũng là người đã tuyên bố chiến tranh với Chính phủ mới, cuối cùng tự kết liễu đời mình. Trước những hành động này, có người tỏ ra khó hiểu, có người cho rằng ông chỉ là kẻ chuyên đi kích động.

Saigo vốn dĩ là một quan chức cấp thấp, được giao cho nhiệm vụ kiểm tra chất lượng cầu đường. Ông đã nhiều lần đề xuất ý kiến lên bề trên về các chính sách nông nghiệp, từ đó được đánh giá cao. Dù chỉ trong thời gian ngắn, ông đã tạo nên một “mạng lưới” kết nối các Samurai từ nhiều địa phương với nhau.

Saigo từng tuyên bố thẳng thừng về các mặt còn thiếu sót của Nhật Bản và đề nghị cải cách, đồng thời nhận được nhiều ủng hộ. Đáng tiếc thay, từ khi những người hậu thuẫn cho ông qua đời, Naosuke Ii thuộc phe bảo thủ nắm quyền kiểm soát Mạc phủ, thẳng tay đàn áp Saigo đến mức khiến ông nghĩ đến việc trầm mình tự tử. Đúng vậy, Saigo là người đa cảm, sống thiên về cảm xúc, thậm chí có chút ngây thơ, không “tương thích” lắm với hình ảnh của một Samurai.

Nhân vật này cũng từng có trải nghiệm 05 năm sinh sống trên một hòn đảo xa xôi. Từ năm 31 đến năm 36 tuổi, ông trở thành tội nhân, bị lưu đày do trót chọc giận Phiên (thời bây giờ ngang bằng với Chính quyền ở mỗi địa phương) nơi ông sinh sống.

Sinh hoạt trên đảo cho ông nhiều thời gian để ngẫm về cuộc đời, về những điều mà ông nên hoàn thành sau này. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông đã để lại câu nói như sau:

Bởi ta còn nhiều điều phải làm, nên trời mới cứu mạng ta
Vì thế nên sau khi ta giải quyết xong việc cần làm, đương nhiên trời sẽ đến đòi mạng.
Do đó mà khi trời vẫn còn trọng dụng ta, ta phải hoàn tất sứ mệnh của mình.

Ông đã viết một cuốn thư trong đó để lại bốn chữ 敬天愛人 (Keitenaijin) – Kính Thiên Ái Nhân có nghĩa là kính trọng ông trời, yêu thương con người.

https://www.nippon.com/ja/views/b07204/

Sau đó, vào năm 1864, Saigo trở lại chính trường với tư cách là chỉ huy quân sự của phiên Satsuma.

Cùng với quân đồng minh, Saigo dẫn quân của mình tiến lên phía Bắc, hạ bệ Kyoto, rồi đến Edo (Tokyo ngày nay). Ông không giao tranh binh hoả tại Edo, không cần đổ máu mà vẫn thàng công giải phóng Thành.

Kết quả, ông đã “tiễn” thời đại Edo đến cánh cửa diệt vong, đồng thời mở ra con đường bước vào thời kỳ cận đại của Chính quyền Minh Trị. Tham gia cuộc cách mạng trọng đại này cùng Saigo có Toshimichi Okubo và Takayoshi Kido, tổng cộng 03 vị anh hùng. Tuy nhiên công lớn vẫn thuộc về Saigo, nếu không phải nhờ tài thuyết phục kiệt xuất của Saigo, cả một vùng Edo rộng lớn sẽ đắm chìm trong khói lửa.

Tuy không thể so bì với hai người còn lại trong vai trò Chính trị gia, nhưng xét về lấy cảm tình của dân chúng, không ai có thể qua mặt Saigo. Khi Chính phủ Minh Trị được thành lập, Saigo đã lên đến chức Lục Quân Đại Tướng.

Thế nhưng trên con đường hiện đại hoá, tại Nhật nổi bật lên các phong trào chinh phục Triều Tiên. Thất bại trong những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này, Saigo trở về quê nhà ở Kagoshima.

Giai đoạn này, ông sống nhàn nhã ở quê nhà bằng nông sản tự trồng và săn bắn thú rừng. Thế nhưng vào năm 1877, do bị những người đồng chí trước kia lôi kéo, Saigo tham gia vào cuộc nổi dậy chống lại Chính quyền Minh Trị mang tên “Cuộc nổi dậy Satsuma”. Cuộc nổi dậy thất bại, ông kết liễu đời mình năm 49 tuổi. Đây cũng được xem là cuộc nội chiến cuối cùng của Nhật Bản.

Saigo trở thành hình mẫu cho một nhân vật trong bộ phim The Last Samurai, vai chính do siêu sao Tom Cruise đảm nhận. Nhân vật này do Ken Watanabe thủ vai, là Samurai đã cùng chiến đấu với nhân vật của Tom Cruise.

Dù ra đi như một kẻ nổi loạn, vào năm 1889, danh dự của vị anh hùng đã được khôi phục trong một đợt ân xá.

Đã 150 năm trôi qua từ sau sự thành lập của Chính phủ Minh Trị, do thất bại trong chiến tranh, thể chế của nước Nhật cũng đã ít nhiều thay đổi, nhưng về cơ bản vẫn đi theo các Chính sách của Minh Trị. Thay đổi những chính sách này là thứ chính nghĩa mà Saigo – vị anh hùng số một trong lòng người dân Nhật Bản lúc bấy giờ tôn sùng, đến mức vứt bỏ cả danh dự của mình.

Chúng tôi, những người Nhật thế hệ sau vẫn luôn được dạy rằng những Chính sách của Minh Trị là đúng đắn. Đúng vậy, đó là lý thuyết của kẻ chiến thắng. Kẻ bại trận không có quyền nêu đạo lý.

The Last Samurai.

Một quốc gia trong lý tưởng của Saigo, đồng thời là lý do mà ông sẵn sàng đặt cược cả tính mạng của mình để chiến đấu, không riêng gì người Nhật chúng tôi mà cả thế giới, có lẽ nên một lần, chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về điều này.

Kengo Abe
Xem thêm: