Tại sao các khách sạn bị bỏ hoang mấy chục năm ở Nhật Bản vẫn không được tháo dỡ?

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 15/4/2020 lúc 12 giờ 50 phút trưa, 2 thanh niên khoảng 20 tuổi đã xâm nhập trái phép vào trong một khách sạn ở thành phố Ebino, tỉnh Miyazaki. Họ bất ngờ bắt gặp xác chết trong đống đổ nát của khách sạn và nhanh chóng gọi cho cảnh sát.

Khách sạn 9 tầng này nằm dọc theo Quốc lộ 268, nối liền các thành phố Ebino và Kobayashi, cách xa các khu vực đô thị, nằm gần Trại Ebino của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Khách sạn này được cho là đã không hoạt động vào năm 1997 và bị bỏ hoang kể từ đó. Nhiều người dùng mạng đã nhận ra đây là một “địa điểm ma ám” từng được lan truyền trên mạng xã hội.

 

Khách sạn bỏ hoang nơi phát hiện xác chết vào tháng 4 năm 2020 ở thành phố Ebino, tỉnh Miyazaki (ngày 26 tháng 8 năm 2021)

Theo cảnh sát Ebino tỉnh Miyazaki, 2 thanh niên này đã vào khu đất của khách sạn bỏ hoang mà không được phép. Họ nhìn thấy xác chết đang nằm trên giường trong một căn phòng nghỉ ở tầng 6. Cảnh sát công bố xác chết là đàn ông, tóc hoa râm, cao khoảng 1m7 đến 1m8, mặc áo thun ngắn tay và quần dài.

Thi thể sau đó được xác định là một cư dân sống tại Ebino, khoảng 50 tuổi, cảnh sát cho rằng đã khoảng 1 năm trôi qua kể từ khi người này qua đời,. Vì không có thư tuyệt mệnh hay manh mối nào khác, nguyên nhân người này tử vong tại khách sạn bỏ hoang đến giờ vẫn còn là một bí ẩn.

Vào tháng 8/2021, hơn 01 năm trôi qua kể từ khi phát hiện xác chết, phóng viên đã đến khu đất bị bỏ hoang và phát hiện cửa kính của lối vào vỡ tan tành. Toàn bộ tường toà nhà đã chuyển sang màu vàng xanh. Qua các ô cửa sổ vỡ ở phía sau toà nhà có thể nhìn thấy những chiếc lon rỗng, khẩu trang tương đối mới, cùng các vật dụng khác nằm rải rác bên trong phòng, cho thấy ai đó đã xâm nhập vào nơi này. Các cầu thang thoát hiểm đã xuống cấp có nguy cơ sụp đổ.

Setsuko Iriki, một phụ nữ 72 tuổi sống gần đó cho biết trong nhiều năm, vào ban đêm bà đã nhìn thấy ánh sáng từ đèn pin hắt ra cửa sổ tầng trên của khách sạn, và nghe thấy tiếng nói chuyện của những người trẻ tuổi. Người phụ nữ nói rằng bà cảm thấy sợ hãi và đặt đèn an ninh bên ngoài nhà của mình.

”Tôi muốn họ sớm phá bỏ toà nhà, và nếu việc đó khó khăn, tôi muốn khu vực này được phong toả để mọi người không thể vào bên trong toà nhà”, bà nói.

Khẩu trang, lon và các vật dụng khác nằm rải rác bên trong, cho thấy ai đó đã đột nhập vào (ảnh chụp vào ngày 26 tháng 8 năm 2021)

Cảnh sát cho biết những cá nhân xâm nhập vào khu đất bỏ hoang mà không được phép có thể bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp. Tuy nhiên hiện tại lại không có bảng ”cấm xâm nhập” ở khu vực xung quanh khách sạn.

Bộ phận quản lý tài sản của Chính quyền thành phố Ebino cho biết công ty sở hữu khách sạn đã giải thể và nếu thành phố phong toả khu vực bằng hàng rào chắn hoặc giăng dây, Chính quyền thành phố có thể phải chịu trách nhiệm quản lý cơ sở này. Đây là lý do Chính quyền không thể can thiệp dễ dàng.

Thêm nữa, dỡ bỏ khách sạn sẽ gây ra những trở ngại lớn hơn. Luật “biện pháp đặc biệt về nhà bỏ hoang” có hiệu lực từ năm 2015 cho phép Chính quyền địa phương cưỡng chế tháo dỡ và di dời những ngôi nhà trống có nguy cơ sập đổ, hoặc làm hư hỏng mỹ quan xung quanh. Tuy nhiên việc thi hành gặp trở ngại trên thực tế. Những cuộc khảo sát với các Chính quyền địa phương trên khắp Nhật Bản cho thấy trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu thì không thể thu chi phí cho việc dỡ bỏ. Chính quyền ngần ngại tiến hành công việc tháo dỡ đòi hỏi phải sử dụng đến tiền thuế của người dân.

Cửa kính của một khách sạn bỏ hoang ở thành phố Ebino, tỉnh Miyazaki vỡ tan tành, không có gì để chắn lối ra vào (ngày 26 tháng 8 năm 2021)

Việc tháo dỡ các toà nhà quy mô lớn như khách sạn có thể đòi hỏi hàng trăm triệu Yên. Có lo ngại rằng nếu giao việc tháo dỡ cho Chính quyền địa phương sẽ làm phát sinh tâm lý “ỷ lại” ở chủ sở hữu của cơ sở. Nhiều chủ sở hữu sẽ thản nhiên bỏ trốn, không màng đến vấn đề đạo đức để tránh tốn một khoản chi phí xử lý.

Nghành công nghiệp khách sạn chịu thiệt hại vô cùng nặng nề do lệnh hạn chế đi lại trong mùa dịch COVID-19. Người ta sợ rằng vấn đề bỏ hoang bất động sản sẽ trở nên trầm trọng.

Trước vấn đề này, những biện pháp nào nên được thực hiện? Công ty sở hữu khách sạn đã giải thể, nhưng tên của một số Giám đốc điều hành vẫn được ghi trong sổ đăng ký thương mại.

Sau khi tham khảo thông tin đăng ký doanh nghiệp và danh bạ điện thoại, một phóng viên đã tìm đến nhà của người đàn ông giữ chức vụ Giám đốc khách sạn bỏ hoang nói trên. Đón tiếp phóng viên là một người đàn ông khoảng 70 tuổi.

Người này cho biết Chủ tịch của công ty lúc bấy giờ đã qua đời. Về việc đưa tên của mình vào chức danh Giám đốc, ông giải thích ”Tôi chỉ cho mượn tên sau khi được Chủ tịch yêu cầu, còn bản thân tôi không có bất kỳ liên hệ nào với khách sạn”.

Các bộ phận của cầu thang thoát hiểm sắp sập tại một khách sạn bỏ hoang ở thành phố Ebino, tỉnh Miyazaki (ngày 26 tháng 8 năm 2021)

Chie Nozawa, Giáo sư chuyên về chính sách đô thị tại Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế thuộc Đại học Meiji cho biết: ”Người Nhật chỉ nghĩ đến việc xây dựng các cơ sở và chưa tính đến cách xử lý khi đóng cửa chúng. Vì những vấn đề tương tự có thể xảy ra đối với các căn hộ trong tương lai, tôi nghĩ cần phải chuẩn bị một hệ thống để dành chi phí cho việc tháo dỡ các toà nhà. Chúng ta đang ở trong thời đại mà thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, vấn đề nhà bỏ hoang đã bước sang một giai đoạn mới”.

Giáo sư Chie Nozawa cũng nêu lên sự cần thiết của việc tạo ra các hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc để các cơ quan hành chính có thể xác định không do dự, tài sản nào cần được xử lý khẩn cấp.

Bà tiếp tục nói ”Chính quyền địa phương nên chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ với người dân địa phương, để chuẩn bị cho việc tận dụng những tàn tích bỏ hoang. Điều quan trọng là phải biết chủ sở hữu của những ngôi nhà bỏ hoang và có thể liên hệ với họ trong trường hợp thảm hoạ bất ngờ xảy ra”.

Thuý Vân
Xem thêm: