Câu chuyện về những người chủ nợ khiếm thị của các Samurai vào thời Edo

Trong thời kỳ Edo (1603 – 1868), nếu không phải là Samurai, nông dân, thợ thủ công, thương gia hay đạo sĩ, bạn sẽ không được coi là ”người Nhật Bản”. Phần lớn những người bên ngoài các tầng lớp xã hội trên được phân loại là “hinin” với nghĩa đen “không phải con người”.

Tầng lớp bị ruồng bỏ này bao gồm những người lang thang, ăn xin, cai ngục, người gác cổng, những người làm nghề giải trí và những người tàn tật, chỉ riêng ngoại lệ là những người mù với vai trò “chủ nợ của các Samurai”.

Bắt đầu với vai trò những nhạc công

Người khiếm thị từ lâu đã giữ một vị trí đặc biệt trong xã hội Nhật Bản. Quay trở lại thế kỷ 14, khi “câu chuyện về Heike” lần đầu tiên được kể. Đây là câu chuyện sử thi kể về cuộc Chiến tranh Genpei giữa gia tộc Taira và Minamoto, thường được kể trên phần nhạc đệm của đàn Biwa (một loại đàn cầm của Nhật Bản).

Những người kể chuyện du hành này được gọi là “Heike Zato”. Họ là những nghệ sĩ mù được Chính phủ phê duyệt, cho phép biểu diễn độc quyền và công khai. Thông thường họ chơi đàn Biwa hoặc đàn Shamisen.

Họ được bảo trợ bởi Hội người mù Todoza, thường được các nước phương Tây gọi đơn giản là “Hội người mù”. Để tham gia vào tổ chức, các hội viên phải đóng phí để nhận được bảo trợ và hưởng các đặc quyền, như quyền biểu diễn “câu chuyện về Heike” . 

Ban đầu, Chính phủ phê duyệt đây là một hình thức phúc lợi, vì vậy người mù của Nhật Bản sẽ có cách để tự hỗ trợ mình. Hội và các thành viên của hội sớm tìm được các nguồn thu nhập khác. Họ chiếm thế độc quyền trong các ngành nghề như nghề mát xa, châm cứu, và biểu diễn các loại nhạc cụ khác nhau.

Trở thành “chủ nợ”

Thực tế các thành viên thuộc Hội người mù Todoza được phép trở thành chủ nợ là điều đáng kinh ngạc vào thời Edo. Nhật Bản lúc này vẫn là một xã hội phong kiến và tuân theo hệ thống phân bậc cứng nhắc, tuy nhiên đang dần áp dụng các phương thức vận hành của một xã hội tư bản chủ nghĩa.

Cho vay tiền đã trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ, nhưng chỉ dành cho một nhóm chọn lọc từ tầng lớp thương gia. Tầng lớp ”Hinin” tất nhiên không có tư cách cho người khác vay tiền.

Thế nhưng nghệ sĩ mù biểu diễn đường phố lại được phép kinh doanh hoạt động cho vay.

Kể từ khi ra đời, các Heike Zato đã bắt đầu tạo mối quan hệ với Hoàng gia và các gia tộc quyền lực theo nhiều hình thức khác. Ban đầu họ nhận được sự bảo trợ từ gia tộc Minamoto, một trong những nhân vật chính trong tác phẩm “câu chuyện về Heike” . 

Hội Todoza cũng được yêu thích nhờ vào những truyền thuyết lưu truyền về những người mù chơi đàn Biwa, được cho là lần đầu tiên nhận sự truyền dạy nhạc cụ bởi một Hoàng tử mù của Hoàng gia vào thế kỷ thứ 9. Trong những năm tiếp theo, hội Todoza tự liên kết với gia tộc quyền thế Koga, vì vậy mà người mù trong hội có thể được miễn tuân thủ một số sắc lệnh của Hoàng gia.

Trong suốt thời kỳ Edo, các tướng quân trong gia tộcTokugawa cai trị Nhật Bản. Về bản chất họ vẫn phục tùng Thiên hoàng. Nhờ vào mối quan hệ với triều đình có quyền lực cao hơn Mạc phủ Tokugawa, hội Todoza được xếp vào một tầng lớp đặc biệt.

Các quan chức thời kỳ Edo thường giám sát tất cả tranh chấp dân sự trong thành phố, đặc biệt khi liên quan đến các vấn đề tiền tệ như các khoản vay chưa trả. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Edo là một trong những thành phố thịnh vượng lớn nhất thế giới và thỉnh thoảng hệ thống xét xử trở nên quá tải.

Vì vậy, toà án đôi khi cho phép chủ nợ và người đi vay tự giải quyết tranh chấp với nhau. Thêm một điều đặc biệt nữa đó là triều đình có lệnh ân xá nợ, nghĩa là nếu một Samurai nợ nhiều tiền của một thương gia, Samurai được xoá nợ. Đây là phần thực sự thú vị.

 

Thế nhưng không có cách nào để thoát khỏi khoản nợ với thành viên hội Todoza. Nếu không thanh toán được nợ, các thành viên của hội sẽ đứng trước cửa nhà bạn rồi dùng lời tục tĩu làm ảnh hưởng đến tinh thần của bạn.

Danh dự dù ở thời nào vẫn là một phần rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản, dó đó, việc dùng chiến thuật “bôi nhọ” thường khá hiệu quả và giúp hội Todoza kiếm được nhiều tiền. 

Những chủ nợ mù dần bị ghét bỏ

Theo thời gian, Hội người mù Todoza đã kiếm được rất nhiều tiền, trở thành những người giàu có trong xã hội Edo. Thật không may xã hội Edo vẫn rất trọng thứ bậc. Chính điều này đã khiến triều đình ra lệnh đàn áp những ai đứng lên chống lại các Samurai.

Hội người mù Todoza cũng từng bị buộc tội làm mất danh dự của một Samurai vì anh ta mắc một khoản nợ lớn với hội rồi bỏ trốn khỏi thành phố. Cũng vào khoảng thời gia này, ở Edo bắt đầu nhìn thấy sự xuất hiện nhiều bài viết về ”y học” cho rằng việc bị mù loà là kết quả của hành vi trái đạo đức.

Vào cuối thế kỷ 18, nhiều thành viên trong hội người mù của Todoza đã bị bắt, một số bị trục xuất, một số bị phạt tiền, trong khi những người khác bị hành quyết. Sau đó Hội gần như sa sút và cuối cùng là giải tán trong cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị.

Những người mù hiện nay

Tuy Hội người mù không còn nữa nhưng sự tồn tại của Hội đã trở thành di sản vẫn được lưu truyền dưới hình thức Zenshinshikai, một hiệp hội quốc gia dành cho các nhà châm cứu khiếm thị.

Ngày nay có khoảng 30% trong số khoảng 90,000 bác sĩ châm cứu được cấp phép hoạt động tại Nhật Bản là người mù.

Tất nhiên ngày nay người mù được tiếp cận với tất cả các nghề và đặc biệt hoạt động tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng vẫn còn đó một số người mù nối dõi các ngành nghề truyền thống, những ngành nghề đã có hàng thế kỷ, tạo thành lợi thế cho cộng đồng người mù, được hưởng những lợi ích nhất định trong một xã hội tồn tại cả những con người nhưng không được xem là con người.

Thuý Vân
Xem thêm: