Cốt lõi sự khác nhau giữa “SÓNG THẦN” và “SÓNG LỚN” – Đừng bao giờ xem nhẹ sự đáng sợ của SÓNG THẦN

Bạn có biết rằng cấu tạo cơn sóng thần hoàn toàn khác so với những con sóng bình thường?

Trong thảm hoạ kép vùng Đông Bắc Nhật Bản vào năm 2011, không phải động đất mà phần lớn thiệt hại do sóng thần gây ra.

Thế nhưng bạn có hình dung ra thế nào là một cơn sóng thần không? Sóng thần không đơn thuần là một con sóng lớn.

Trong số nhiều nạn nhân của sóng thần bao gồm rất nhiều người tò mò muốn biết sóng thần lớn đến mức nào, thay vì đi tị nạn họ đã đến gần bờ biển để quan sát.

Vào ngày 15 tháng 1 năm 2022, có dự đoán cơn sóng thần cao 1,2 mét sẽ ập vào bờ biển Nhật Bản vào ngày hôm sau, do ảnh hưởng từ vụ phun trào núi lửa ngầm ngoài khơi Tonga ở Nam Thái Bình Dương.

Nhiều người khi thấy thông báo này đã nghĩ rằng “Sóng cao 1,2 mét thì cũng bình thường thôi, vậy sao phải đi tị nạn cơ chứ?”.

Tôi rất hiểu cảm giác này, thế nhưng nếu bạn hiểu được sự khác biệt giữa sóng thần và sóng thông thường, bạn sẽ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Bạn có thể thấy rõ sự khác nhau đó qua hình ảnh bên dưới.

Biểu thị sóng bình thường là hình ảnh ở phía trên, cho thấy con sóng cao nhưng lượng nước không đổi. Một phần mực nước biển hạ xuống do lượng nước này bị đẩy lên cao tạo thành sóng lớn, do đó dù nước có vượt qua đê chắn sóng cũng không đủ lực để phá vỡ đê.

Mặt khác, mực nước biển trong hình ảnh biểu thị sóng thần vẫn đang dâng lên. Dù chiều cao tương đương sóng lớn, nhưng có sự chênh lệch lớn về lượng nước. Khi sóng vượt qua đê chắn, mang theo một lượng nước khủng khiếp tràn vào thành phố sẽ lập tức cuốn trôi cơ sở hạ tầng.

Chỉ với sự khác biệt này đã cho thấy hai mức độ hoàn toàn khác nhau.

Sóng lớn chỉ làm nước bắn tung toé thôi, nhưng sóng thần có thể nuốt chửng mọi thứ. Nếu bị sóng thần cuốn trôi, không những không cứu được mà thi thể cũng khó tìm thấy. Nạn nhân sẽ bị biển cả “nuốt chửng” và kết thúc ở một nơi nào đó trên vùng biển bao la rộng lớn ngoài kia.

Không riêng gì Nhật Bản mà những người đang sống ở khu vực duyên hải cũng cần thận trọng với nguy cơ sóng thần.

Trong thảm hoạ kép năm 2011, sóng thần đã cướp đi rất nhiều thành viên trong gia đình tôi. Do đó xin mọi người đừng xem thường sóng thần, cho dù theo cảnh báo sóng chỉ cao 1 mét.

Khi gặp sóng thần, biện pháp đối phó duy nhất là chạy đến nơi cao hơn. Bạn cần hết sức khẩn trương vì cơn sóng quét qua có thể nhanh như máy bay phản lực.

Nếu bạn cảm thấy có chấn động mạnh ở vùng ven biển, đừng suy nghĩ gì thêm mà lập tức chạy lên phía đồi. Chỉ bao nhiêu đó thôi, có thể bạn sẽ bảo toàn được tính mạng.

Kengo Abe
Xem thêm: