Đi làm mới hai ngày đã bị sếp cho nghỉ việc – Hiện tượng “Sa thải trong thời gian làm việc siêu ngắn” không có hồi kết ở Nhật Bản
Hiện tượng người lao động bị cho nghỉ việc chỉ trong thời gian thử việc rất ngắn vẫn đang tiếp diễn. Rất nhiều tiền lệ công nhận các quyền lợi dành cho người sử dụng lao động trong trường hợp cho nghỉ việc khi còn thử việc. Trong luật cũng có nhiều điều khoản có lợi đối với người sử dụng lao động. Thế nhưng dù mới thử việc, nhà nước cũng không cho phép việc sa thải nhân viên mà không đưa ra chính đáng. Tuy nhiên đó chỉ là trên lý thuyết.
Các chuyên gia về vấn đề lao động đang yêu cầu người sử dụng lao động xem lại về trách nhiệm tuyển dụng của họ.
“Hôm nay xin cô hãy nghỉ việc”
Một phụ nữ (66 tuổi) đến từ Fukuoka đã rất ngạc nhiên trước những lời này của sếp mình. Bà được tuyển dụng vào tháng 10 năm ngoái, và đã nhận được thông báo này vào ngày đi làm thứ 2. Nơi bà làm việc là một công ty vệ sinh, nguyên nhân của việc này là vì người phụ nữ đã che giấu những thông tin bất lợi cho mình trong lúc phỏng vấn.
Thế nhưng người phụ nữ cho biết “Trong lúc phỏng vấn tôi đã nói chuyện và trao đổi rất rõ ràng rồi mà”. Sau khi nhận kiến nghị từ gia đình, từ tháng 11 bà được chuyển đến thử việc tại một địa điểm khác. Thế nhưng lần này, sau khoảng nửa tháng, bà lại bị bảo nghỉ việc cho đến hết tháng. Nguyên nhân đưa ra là do thể lực, cụ thể chỉ ra rằng bà đã gây ra trở ngại khi vận chuyển hành lý.
Người phụ nữ cho biết bà đã làm việc chăm chỉ, lúc làm việc sếp không giám sát, cũng chưa từng bị nhìn thấy giả vờ làm việc.
Ảnh Yahoo News
“Vậy thì tại sao?”
Lương hưu hằng tháng của bà là 30,000 Yên. “Tôi đã cao tuổi và không có công việc. Dù tôi vẫn muốn làm công việc vệ sinh”. Bà vẫn tiếp tục tìm việc làm và sống nhờ vào trợ cấp thất nghiệp.
Vào năm 1973, Toà án tối cao Nhật Bản đã ra phán quyết liên quan đến vấn đề sa thải người lao động đang trong thời gian thử việc, công nhận quyền tự quyết với phạm vi rộng hơn của người sử dụng lao động, so với sau khi chính thức tuyển dụng. Trong thời gian thử việc, phía công ty có quyền huỷ bỏ hợp đồng lao động, và có quyền đưa ra quyết định chính thức tuyển dụng hay không dựa trên năng lực của người lao động.
Trong Luật về tiêu chuẩn lao động cũng có nhiều điều khoản giải thích có lợi cho người sử dụng lao động. Bên tuyển dụng có nghĩa vụ thông báo cho nhân viên trước ít nhất 30 ngày trong trường hợp cho nghỉ việc, nếu không sẽ phải trợ cấp cho họ một khoản gọi là “trợ cấp thông báo sa thải”. Tuy nhiên, nếu nhân viên đó vẫn đang ở thời hạn thử việc trong vòng 14 ngày, không cần thông báo cũng như không cần trợ cấp.
Nhưng một mặt khác, các án lệ của Toà án tối cao cũng như Luật hợp đồng lao động vô hiệu việc sa thải mà không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, hiện tượng sa thải nhân viên trong thời gian thử việc với lý do vô lý vẫn đang rất phổ biến. Nguyên nhân là vì các doanh nghiệp buộc phải nâng cao năng suất và hiệu quả, họ không thể dành đủ thời gian để đào tạo nhân viên.
Đối với trường hợp nhân viên nữ này, đến ngày thứ 15 kể từ lúc bắt đầu thử việc, bà được trả tiền trợ cấp. Một cán bộ thuộc công đoàn lao động tư vấn về trường hợp này “Không phải vấn đề có trả tiền trợ cấp hay không. Nếu đã thuê nhân viên phải thuê có trách nhiệm. Không thể bỏ qua việc sử dụng rồi vứt bỏ như vậy”.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, số nhân viên bị sa thải vào năm 2020 là khoảng 237,900 trường hợp, không có con số tổng hợp giới hạn trong thời gian thử việc. Dựa trên số đơn khiếu nại của người lao động từ năm 2016-2020, số vụ được Chính quyền phán xét là vi phạm quy định về thông báo sa thải và trợ cấp là khoảng 107-138 vụ mỗi năm. Có vẻ như ngày càng nhiều người lao động bị mất việc một cách vô lý và không còn cách nào khác ngoài âm thầm chịu đựng.
Luật sư Yuki Nishino chuyên về các vấn đề lao động (thành phố Fukuoka) cho biết ý kiến về việc sa thải nhân viên trong thời gian ngắn những năm gần đây, trong bối cảnh thị trường có lợi hơn với người mua, người sử dụng lao động thường có xu hướng cho rằng “Chỉ cần trả tiền phụ cấp là xong”.
“Câu hỏi đặt ra là liệu việc sa thải có hợp lý không. Giả định toà án phán xét rằng trách nhiệm là do người sử dụng lao động và vô hiệu quyết định sa thải, theo Bộ luật dân sự, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương cho người lao động trong cả thời gian họ không thể làm việc. Chúng ta nên tái khẳng định sức nặng của trách nhiệm khi tuyển dụng, bắt đầu từ những rủi ro như vậy”. (Trích lời Yuki Nishino, theo biên tập của thành viên ban biên tập Yahoo News).
*** Quy định về thời gian thử việc
Thời hạn để thử việc dựa trên năng lực công việc và các yếu tố khác của người lao động, không có luật quy định thời hạn cụ thể. Thông thường từ 3 đến 6 tháng, nhưng nếu quá dài có thể sẽ không được Bộ luật dân sự công nhận. Các điều kiện để sa thải nhân viên trong giai đoạn này thông thường là đau ốm hoặc bị thương đến mức không có khả năng hồi phục, thái độ làm việc không tốt, khai man lý lịch, không đủ năng lực,…chỉ được sử dụng những lý do hợp lý.
Sacchan