Bạn nghĩ bạn “khác người”, nhưng bạn “khác người” kiểu gì ở Nhật?

Bạn đã bao giờ có dịp chạm trán một số người kỳ quặc như thế này chưa. Đột nhiên la hét, bật cười, sau đó lúc bạn nghĩ rằng họ đang gây chú ý thì đột nhiên im lặng.
Những người như vậy ở Nhật Bản được gọi là Denpa-kei.

Denpa (電波) nghĩa đen là sóng vô tuyến (hoặc bất kỳ loại bức xạ nào phát ra từ thiết bị điện tử). Do vậy mà tiếng lóng của từ này ám chỉ những người như thể đang nhận hoặc truyền sóng vô tuyến, tóm lại là “dị” và có khuynh hướng sống trong thế giới tưởng tượng của họ thay vì kết nối với những người xung quanh.

Ảnh Pixiv

Nguồn gốc của cách gọi này từ một vụ án mạng hàng loạt ở Fukugawa vào năm 1981, khi tên hung thủ bị hỏi về động cơ hành vi man rợ của mình, hắn nói rằng bị sóng vô tuyến điều khiển. Vụ án rất nổi tiếng, và từ đó, khái niệm Denpa ám chỉ những cá nhân có thể nghe được giọng nói trong đầu họ, có thể thấy những thứ kỳ lạ, bị ảo tưởng, đem lại cảm giác đáng sợ và có phần nguy hiểm cho người khác.

Ảnh https://cherish-media.jp/posts/9993

Về sau, Denpa còn được dùng để phân loại các tác phẩm hư cấu, ví dụ như Welcome to the NHK hay Shizuku vì đề cập đến chủ đề tương tự, hoặc có sự xuất hiện của nhân vật được cho là Denpa-kei.

Nói về những nét tính cách có phần khác người, ở Nhật có rất nhiều từ vựng.

Đầu tiên là 天然 (tennen). Nghĩa gốc của từ này là “thiên nhiên”, nhưng nếu nói về tính người sẽ ám chỉ những người có lời nói và hành động hơi “trật tông” với những người khác nhưng không nhận thức được điều đó. Dù vậy nhưng kiểu người này thường được xem là đáng yêu hoặc là có khả năng “chữa lành”. Cách nói chuyện và suy nghĩ có phần ngô nghê, nhưng khiến người khác dễ chịu.

Tiếp đến là 不思議ちゃん (Fushigi-chan) là những người có nhận thức độc đáo và rất đặc trưng. Họ hay có những hành động và cử chỉ khó hiểu, nhưng khó hiểu ở mức khiến người khác tò mò muốn tìm hiểu và lý giải họ.

Mức độ cuối cùng là Denpa-kei như đã đề cập ở trên. Người này nói chuyện như thể bị truyền sóng điện, như bị ám ảnh bởi một điều gì đó. Kiểu này khiến người khác thấy sợ hãi và cảm thấy không muốn “dính” vào.

Đề cập đến việc sống trong thế giới tưởng tượng và khác “tần số” với người khác, chắc nhiều người cũng nghe về căn bệnh 中二病 Chuunibyou (bệnh ảo tưởng của thanh thiếu niên). Bệnh này gặp ở người trong độ tuổi vị thành niên, bắt đầu nhận thức được sự khác biệt của bản thân với những người xung quanh. Đây là dấu hiệu trưởng thành rất bình thường, thế nhưng nếu phát triển theo chiều hướng xấu, một số người bắt đầu khẳng định bản thân quá mức, đến độ như “ảo tưởng”. Họ thường dùng từ ngữ để bản thân ngầu hơn, và phong cách thời trang cũng kỳ quặc hơn, thế nhưng họ hoàn toàn nhận thức được chuyện gì đang xảy ra trong thế giới thật, họ chỉ là…chọn sống ở một thế giới khác mà thôi.

Còn với Denpa, ngay từ đầu người này đã “dị” rồi, có nghĩa là họ liên tục nói về những điều kỳ lạ nhưng bản thân không ý thức được điều đó là kỳ lạ.

Sự “khác người” làm nên cá tính, thế nhưng bạn “khác người” đến mức nào? Cũng giống như hài hước và vô duyên chỉ cách nhau một lớp màn, khoảng cách giữa cá tính và lập dị cũng khá gần nhau đấy !

 

Sacchan
Xem thêm: