Nuôi côn trùng bùng nổ trong bối cảnh nhu cầu về thực phẩm bền vững mới tăng nhanh tại Nhật Bản

Côn trùng có thể tiêu thụ được là một nguồn dinh dưỡng giàu chất đạm, với thành phần phong phú không kém gì thịt bò hay thịt các loại gia cầm khác.

Nếu như có thể bỏ qua cảm giác “ghê rợn”, côn trùng sẽ trở thành một món độc đáo và ngon lành trên bàn ăn. Hiện nay tại Nhật Bản ngành chăn nuôi côn trùng đang có sự chuyển biến mới, nhu cầu tiêu thụ côn trùng tăng nhanh thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào.

Nuôi dế là một dự án tương đối mới của công ty Taiyo Green Energy, chuyên sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và trồng rau trong nhà kính.

Dế ăn được do Gryllus, một doanh nghiệp liên kết với Đại học Tokushima, nuôi ở Mima, tỉnh Tokushima. (ảnh: Akemi Kanda)

Mặc dù nuôi côn trùng nghe có vẻ nằm ngoài phạm vi chuyên môn, công ty có trụ sở tại Saitama đã bắt đầu nuôi dế vào năm 2017 và bắt đầu bán ra thị trường vào năm 2018.

Fumihiko Kojin, Chủ tịch của Taiyo Green Energy cho biết: ”Chúng tôi đang tìm cách sản xuất nguồn thực phẩm bền vững tại Nhật Bản”.

Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào thị trường nuôi côn trùng ăn được là vì các loài bọ đang ngày càng thu hút nhiều sự chú ý như một nguồn thực phẩm bền vững.

Xu hướng ban đầu của nuôi côn trùng ăn được nhằm mục đích mang đến một ”món ăn đặc biệt”, thế nhưng hiện nay, côn trùng còn được chú ý bởi những tác động tích cực đến môi trường. Thêm nữa chăn nuôi côn trùng tốn ít chi phí hơn các ngành chăn nuôi khác.

Theo Ryota Mitsuhashi, một nhân viên phát triển sản phẩm của nhà bán lẻ bọ ăn được Takeo có trụ sở tại Tokyo, cho biết gần đây có nhiều công ty Nhật Bản gia nhập vào lĩnh vực kinh doanh nuôi côn trùng. 

”Theo như tôi được biết, có ít nhất 26 doanh nghiệp, bao gồm cả những công ty dự kiến bắt đầu triển khai nuôi, đang hoạt động trong nghành chăn nuôi dế. Ngoài ra một số doanh nghiệp khác cũng đang nuôi tằm và ấu trùng ruồi”.

 Takeo tham gia nghiên cứu chung với Đại học Hirosaki để nuôi châu chấu di cư cho mục đích tiêu thụ ở Atsugi, tỉnh Kanagawa, đồng thời cung cấp cỏ làm thức ăn cho côn trùng này. 

Takeo đã bắt đầu bán côn trùng được nuôi trong nước vào năm 2019 và các sản phẩm côn trùng từ 9 nông trại của doanh nghiệp đã có mặt tại cửa hàng trên thị trường hiện nay.

Đơn vị của anh cũng đã bắt đầu nuôi cào cào trong năm 2019 và tham gia một chương trình nghiên cứu chung với Đại học Hirosaki vào năm 2020.

Ấu trùng của dế, tằm và ruồi lính đen đang trở thành thức ăn cao cấp trong thời gian gần đây. Các loại côn trùng giờ có thể thay thế thịt bò, thịt heo và các loại thịt khác. Những loại thịt này dự kiến sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm trong tương lai do dân số thế giới gia tăng.

Ưu điểm chính của việc nuôi côn trùng ăn được là chúng tác động rất nhỏ đến môi trường xung quanh. Côn trùng có thể được nuôi một cách hiệu quả trong khi sử dụng lượng thức ăn, nước uống và năng lượng nhỏ hơn nhiều so với nuôi động vật như trâu, bò, lợn. Hơn nữa hàm lượng protein của côn trùng cũng tương đương với thịt các loài động vật phổ biến.

Kệ nuôi dế tại Công ty năng lượng xanh Taiyo ở Nihonmatsu, tỉnh Fukushima 

Dế là một loại côn trùng chủ yếu được nuôi ở Nhật Bản. Nông dân sẽ đông lạnh dế rồi cung cấp cho các nhà bán lẻ để họ có thể luộc, sấy khô và mang bán chúng như đồ ăn nhẹ.

Các nhà sản xuất côn trùng còn tự mình làm tất cả các công đoạn chế biến từ sấy khô đến nghiền bột.

Takahito Watanabe trợ lý giáo sư về phát triển sinh học chuyên nghiên cứu về dế ở Đại học Tokushima cũng đã thành lập một công ty của riêng mình mang tên Gryllus ở tỉnh Tokushima vào năm 2019.

Gryllus tiến hành nuôi dế ở xưởng trong các hộp đựng quần áo bằng nhựa, quá trình nuôi dế mất khoảng 1 tháng.

Công ty Gryllus có một hệ thống sản xuất tích hợp để có thể tự sấy khô và tán thành bột. 

Takahito Watanabe, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp nuôi dế Gryllus và là trợ lý giáo sư tại Đại học Tokushima

Vào cuối năm 2020, Gryllus còn phát triển một phương pháp canh tác tự động cung cấp thức ăn và nước uống, giúp cho việc nuôi dế ít tốn công sức hơn.

Mùa Hè năm ngoái, Gryllus đã thay thế toàn bộ thức ăn cho dế bằng cám lúa mì và các thực phẩm dư thừa trong nước.

Ông Watanabe cho biết: ”Côn trùng không chỉ là thức ăn được tiêu thụ bởi một nhóm thực khách nhất định, mà còn là một nguồn protein mới thân thiện hơn với môi trường. Sử dụng thực phẩm nội địa thừa để làm thức ăn chăn nuôi là điều rất quan trọng vì nó sẽ tạo ra một chu kỳ tái sử dụng mới”.

Tiêu chuẩn an toàn trong ngành nuôi côn trùng

Trong khi việc nuôi côn trùng ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật, các hạn chế về an toàn vệ sinh vẫn chưa được đưa ra một cách rõ ràng.

Hiện tại, rất khó để các quan chức và chuyên gia nắm được tổng thể ngành kinh doanh mới nổi này, chẳng hạn như người nông dân cho côn trùng ăn trong điều kiện nào và loại thức ăn là gì.

Một nhóm công tác từ Hội đồng Đối tác Công – Tư trong công nghệ thực phẩm, do Bộ nông nghiệp thành lập vào năm 2020, có kế hoạch bắt đầu đưa ra các quy định cho ngành nông nghiệp còn non trẻ này.

Các quy tắc được đưa ra sẽ đóng vai trò dẫn đường cho cả khu vực công và tư nhân đang phát triển trong lĩnh vực nuôi côn trùng. Mặc dù các hạn chế sẽ không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng điều này nhằm mục đích giúp cho người tiêu dùng cảm giác an toàn hơn về các biện pháp kiểm soát chất lượng khi tiêu thụ côn trùng.

Yasuhiro Fujitani, người đứng đầu nhóm, cũng là nhân viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Môi trường, Nông nghiệp và Thuỷ sản tỉnh Osaka cho biết: ”Chúng tôi sẽ đảm bảo bằng cách nuôi côn trùng theo phương pháp thích hợp dựa trên các nghiên cứu khoa học”.

Nhóm nêu trên bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cũng như các chuyên gia của các tập đoàn liên quan đến việc trồng trọt và kinh doanh côn trùng.

Bộ nông nghiệp cũng sẽ xác nhận lại bộ quy tắc mà nhóm đề xuất để xem có phù hợp với luật phát hay không.

Yoshiki Matsumoto, Phó giáo sư Kỹ thuật động vật tại Đại học Kagawa, một thành viên của nhóm cho biết: ” Các biện pháp để đối phó với các bệnh truyền nhiễm ở côn trùng sẽ rất cần thiết, giống như các biện pháp phòng ngừa đã thực hiện trong chăn nuôi gia súc”.

”Đảm bảo an toàn nguồn thức ăn cho côn trùng cũng đóng vai trò quan trọng. Văn hoá ăn côn trùng đã được hình thành ở Nhật Bản, vì vậy kinh nghiệm trong những lĩnh vực như vậy sẽ rất hữu ích”.

AD
Xem thêm: