Cân nặng Lọ Lem – Tiêu chuẩn “chết người” của phụ nữ Nhật Bản

Một xu hướng trên Twitter từ năm 2018 cho thấy rất nhiều phụ nữ Nhật Bản theo đuổi tiêu chuẩn “cân nặng Lọ Lem”. Các chuyên gia sức khoẻ Nhật Bản đã lên tiếng về độ nguy hiểm của trào lưu này.

Dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, phụ nữ luôn bị áp lực phải tuân theo các tiêu chuẩn nhất định của cái đẹp. Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Thế nhưng những năm gần đây, một xu hướng giảm cân trên Twitter đã khiến cả những chuyên gia y tế phải quan ngại, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất mà cả sức khoẻ tinh thần.

Mối đe doạ mang tên “Cân nặng Lọ Lem”.

Isono Maho (磯野真穂), một chuyên gia về Nhân học văn hoá thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này. Isono cho rằng quan niệm của phụ nữ Nhật Bản về cân nặng “lý tưởng” đã trở nên rất có hại cho sức khoẻ.

Theo BMI (Body Mass Index – thước đo độ thừa cân dựa trên tỷ lệ cân nặng và chiều cao), một phụ nữ được cho là “quá gầy” khi tỷ lệ giữa chiều cao và cân nặng của họ dưới 18,5. Trong nhiều năm trời, các chuyên gia đề xuất mức cân nặng của một người khoẻ mạnh sử dụng công thức h2 * 22 (h là chiều cao tính theo đơn vị mét). Tuy nhiên vào năm 1998, chuyên gia thẩm mỹ Takano Yuri đã đưa ra công thức mới h2 * 20 * 0.9 (gần với chỉ số BMI là 18). Cân nặng của một người được tính theo cách này gọi là “Cân nặng Lọ Lem” (シンデレラ体重; shinderera taijuu). Đỉnh điểm vào năm 2018, từ khoá “BMI18” trở thành xu hướng trên Twitter Nhật Bản.

Ảnh https://webcreation.space/html/bmi.html

Vấn đề là “Cân nặng Lọ Lem” vô cùng nguy hiểm. Để đạt tiêu chuẩn này, phụ nữ cần phải giảm thêm 10 kg nữa so với chỉ số BMI được khuyến nghị.

Isono nhận xét “Tóm lại với thể trọng như thế, đây không phải cân nặng của một người sẽ mang đôi giày thuỷ tinh và khiêu vũ với Hoàng tử, mà là ngã gục trên sàn từ trước đó rồi. Thế nhưng không ít phụ nữ trẻ ngưỡng mộ cân nặng suy dinh dưỡng đó. Thực tế, một xã hội cổ xuý cho điều này, dù nghĩ cách nào đi chăng nữa, cũng là đi quá xa”.

Ảnh https://josei-bigaku.jp/garigarityuui5649/

Thay đổi quan niệm hay thay đổi văn hoá

Isono không phải người đầu tiên nêu lên những lo ngại xoay quanh cân nặng lý tưởng của phụ nữ Nhật. Vào năm 2018, khi thuật ngữ “Cân nặng Lọ Lem” lần đầu được thịnh hành, một số cư dân mạng cũng như các chuyên gia đã tỏ thái độ phản đối với một tiêu chuẩn thiếu lành mạnh như vậy. Bác sĩ sản phụ khoa Maruta Kana đã chỉ ra rất nhiều các ảnh hưởng sức khoẻ có thể xảy ra khi cân nặng quá thấp, ví dụ như kinh nguyệt không đều hay loãng xương,…

Bác sĩ Maruta là người từng trải khi bản thân cô từng bị chứng rối loạn ăn uống, đã khuyến khích phụ nữ Nhật tập trung vào vóc dáng cụ thể thay vì gắn liền suy nghĩ với một con số nhất định. Mặt khác, Isono cho rằng quan niệm của phụ nữ Nhật sẽ không thay đổi trừ khi văn hoá Nhật Bản thay đổi.

“Để có thể kiểm soát hiện tượng này, cần phải ngưng xuất bản những chuyên mục giảm cân đặc biệt trong các tạp chí hướng tới học sinh tiểu học, THCS và THPT. Và chúng ta cũng cần những sự thay đổi từ gốc và có hệ thống đối với mức BMI dưới mức tối thiểu của những người mẫu”.

Ảnh https://www.smahofit.jp/column/blog/biyou-cinderella-wight

Cho đến khi nền văn hoá thay đổi, Isono kêu gọi mỗi người cần phải hỏi chính mình về những nhãn dán mà họ đang sử dụng để định hình tiêu chuẩn của chính họ.

Ngưỡng mộ và theo đuổi hình mẫu lý tưởng là điều tốt, thế nhưng khi những tiêu chuẩn đã bị dẫn dắt, định hình theo hướng có hại cho sức khoẻ, sống một cách quá lý tưởng hoá có thể là con dao hai lưỡi.

Thêm nữa, tiêu chuẩn về cái đẹp có thể thay đổi, nhưng khi sức khoẻ đã xuống dốc, rất khó để lấy lại vẻ đẹp vốn có của bạn.

Sacchan
Xem thêm: