Trớ trêu thay cho câu chuyện tình buồn đã tạo nên khu vực sản xuất găng tay số một Nhật Bản

Mọi người đã từng nghe về tỉnh Kagawa chưa nhỉ? Tự hào là nơi sản xuất mỳ Udon nổi tiếng, người dân Kagawa gọi quê hương của mình là “tỉnh Udon”. Ở đây có rất nhiều nhà hàng Udon danh tiếng. Cá nhân tôi đã có dịp đến trải nghiệm, quả nhiên đâu đâu cũng thấy Udon.
Thế nhưng vì thỉnh thoảng cũng thèm Ramen nên tôi đã hỏi nhân viên khách sạn mình đang ở, nơi bán Ramen và nhận được câu trả lời rằng “Đến Kagawa thì phải ăn Udon chứ”.

Thế nhưng ít người biết về một “đặc sản” khác của địa phương mang tên Udon này, đó là găng tay. Lịch sử ngành sản xuất găng tay tại Kagawa gắn liền với câu chuyện tình buồn của một nhà sư và một cô gái phố thị.

Thành phố Higashigawa, nằm ở phía Đông của tỉnh Kagawa là “thành phố găng tay”, họ sản xuất găng tay cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như chống lạnh, thời trang, thể thao…Găng tay ở đây do những người thợ lành nghề tạo ra, chất lượng số một Nhật Bản nhưng lại được bán với mức giá vô cùng phải chăng.

Trên thực tế, chẳng mấy ai biết về câu chuyện tình buồn đã trở thành nguồn cơn khiến cho ngành sản xuất găng tay bắt rễ tại nơi đây.

Hãy cùng trở lại 130 năm về trước để nghe kể về câu chuyện này.

Khi thời đại Samurai kết thúc là mở đầu cho thời kỳ Minh Trị, một thời đại mà Nhật Bản tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa. Câu chuyện xảy ra tại làng Shiratori thuộc địa phận thành phố Higashikagawa.

Trong làng có ngôi Chùa tên gọi Senkou, nơi nhà sư Futago Shunrei tu hành, còn nhân vật nữ chính là một thiếu nữ 19 tuổi tên là Miyoshi Takeno.

Dù cho thời đại Samurai, vốn nổi tiếng khắt khe với các quy tắc ràng buộc tình yêu đôi lứa đã kết thúc, vẫn còn rất lâu sau đó con người mới có thể tự do yêu đương. Chưa kể Shunrei khi đó 34 tuổi, hơn nàng Takeno những 15 tuổi. Tình yêu của hai người bị dân làng kịch liệt phản đối. Nhưng cặp đôi đã hạ quyết tâm hết mình vì tình yêu, cùng nắm tay nhau chạy trốn đến Osaka với hy vọng tìm kiếm một vùng đất hứa, nơi sẽ vun đắp cho câu chuyện tình của họ.

Thế nhưng cuộc sống ở một nơi không có ai quen thân cũng chẳng dễ dàng, Shunrei chỉ có thể đi khắp nơi trong thị trấn để cầu thực, nhận quyên góp của người dân mà sống qua ngày. Về phần nàng Takeno, nàng tìm được một số công việc làm thêm ở nhà và kiếm được vài đồng lẻ. Trong số các công việc của Takeno có làm những đôi găng tay không có ngón (gọi là Tegutsu). Shunrei để mắt thấy và nghĩ rằng có thể bán được Tegutsu nên đã gọi một nhóm người trẻ, bao gồm cả chị em họ của Takeno từ quê nhà Kagawa đến, cùng nhau sản xuất và bán trên quy mô lớn.

Qua bao gian khổ, những tưởng đã có thể ổn định cuộc sống và tận hạnh phúc thì Shunrei qua đời vì bệnh. Cái chết đến với anh đột ngột, chỉ 5 năm từ khi họ tới Osaka.

Sau đó Takeno cùng chị em họ quay trở về Kagawa và bắt đầu làm găng tay tại quê nhà. Đây cũng là khởi đầu nghề làm găng tay ở Kagawa.
Trước kia người dân Higashikagawa chủ yếu kiếm kế sinh nhai từ sản xuất đường và muối, nhưng với sự du nhập của các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài, toàn bộ thành phố rơi vào tình trạng suy tàn. Thế nhưng đây lại là một cơ hội tốt cho ngành sản xuất găng tay.

Từ các nghiên cứu về găng tay của Đức, những thợ thủ công vì không muốn chịu thua kém đã phát triển loại máy may chuyên dụng. Sản xuất găng tay nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp lớn đầy tiềm năng, như thể đấng cứu tinh của cả một thị trấn.

Thời đại thay đổi, Thế chiến thứ I bùng nổ. Đức vốn là nơi sản xuất găng tay lớn nhất ở phương Tây, nhưng cả Anh và Đức khi ấy đều phải tập trung vào cuộc chiến. Người Anh không thể nhập găng tay từ Đức nữa nên đã lựa chọn một nguồn cung khác, đó là Nhật Bản. Higashikagawa chịu trách nhiệm tiếp nhận các đơn hàng từ nước ngoài.

Để có thể xử lý lượng lớn đơn đặt hàng từ Anh Quốc, các công xưởng nhanh chóng được mở rộng. Higashikagawa bỗng trở nên đông đúc, phát triển thành một vùng đất náo nhiệt, phồn vinh.

https://intojapanwaraku.com/culture/185287/

Trong thời kỳ hoàng kim, Higashikagawa chiếm 90% thị phần găng tay trên toàn quốc. Nếu không có Shunrei và Takeno đã không có ngành sản xuất găng tay lâu đời ở Higashikagawa. Thật trớ trêu khi ngành nghề cả hai mang về đã cứu rỗi cho vùng đất, nơi hai con người ấy gọi là “quê hương” nhưng lại buộc họ phải rời đi.

Tôi tự hỏi từ trên thiên đường, cặp đôi bất hạnh đã phải chịu nhiều đau khổ, thậm chí nửa sau của cuộc đời cũng chưa kịp tận hưởng hạnh phúc sẽ cảm nhận thế nào về sự phát triển của thành phố này.

Cho đến hiện tại, những người thợ thủ công lành nghề vẫn tiếp nối truyền thống làm găng tay, giữ vững màu sắc của một thành phố sản xuất găng tay có tiếng trên toàn quốc và cả thế giới.

Làm móng tay đang là một trào lưu rất thịnh hành ở Nhật, kèm theo đó, ngày càng nhiều đơn đặt hàng găng tay không ngón để có thể khoe ra những bộ móng xinh đẹp, do đó sự phồn vinh của ngành công nghiệp găng tay ở Higashikagawa vẫn đang nở rộ. Tôi hy vọng khi sử dụng những đôi găng tay đầy chất lượng từ vùng đất này, chúng ta có thể nhớ về câu chuyện tình buồn của Shunrei và Takeno, cũng như những nỗ lực vì tình yêu của họ.

Kengo Abe
Xem thêm: