Đa cấp núp mình trong “nhóm bạn cùng tiến” – Loại chiến lược lừa đảo đã và đang lan rộng ở Nhật Bản

Một nhóm thanh niên đứng trước những ga lớn ở Tokyo và Osaka, đến gần người đi bộ và hỏi những câu như ”Bạn có biết Izakaya (quán nhậu kiểu Nhật) nào tốt gần đây không?”. Hãy cẩn thận vì có thể là một hình thức lừa đảo.

Thành viên của các nhóm như vậy, thường giả vờ như vô tình trao đổi thông tin liên lạc với những người ngẫu nhiên đi ngang qua trên đường. Sau đó khi được giúp đỡ, chúng sẽ xin cách liên lạc để cảm ơn. Loại chiến lược lừa đảo như vậy đã và đang lan rộng ở Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Phóng viên Mainichi Shimbun đã chứng kiến ít nhất 90 người sử dụng cùng một phương pháp tiếp cận đối với người đi bộ trước các ga tàu lớn ở Tokyo, chẳng hạn như ga Shinjuku và Shibuya, trong suốt mùa Xuân và mùa Hè năm 2021.

Trước ga JR Koenji ở phường Suginami, Tokyo, 2 người đàn ông trong độ tuổi từ 20 đến 30 mặc trang phục giản dị, theo dõi những người đi qua đường, như thể họ đang rình con mồi. Khi bắt gặp một thanh niên, họ tiến lại gần và bắt chuyện một cách thân thiện và nhờ giới thiệu quán Izakaya tốt.

Sau khi được chỉ dẫn, họ nhanh chóng chuyển chủ đề sang hỏi thăm tên tuổi, nghề nghiệp và một số thông tin khác, bao gồm số di động với lý do ”Lần sau chúng ta cùng đi uống nhé”.
Tiếp theo, thay vì đến địa điểm đã được chỉ dẫn, những người này tiếp cận một con mồi khác với cùng câu hỏi.

Phóng viên Mainichi (tạm gọi là A) muốn làm rõ về cách thức lừa đảo này đã trao đổi thông tin liên lạc với một người trong nhóm lừa đảo, và giữ liên lạc với người này trong khoảng 3 tháng.

Một ngày sau khi trao đổi thông tin liên lạc, người đàn ông mời A đến bữa tiệc rượu tổ chức tại một phòng họp cho thuê gần ga Takadano. ”Thật buồn khi không có cơ hội để uống trong mùa đại dịch, đúng không? Tôi có nhiều mối quan hệ. Tôi đã gọi cho bạn bè của mình”, anh ta nói. Sau đó, 10 người đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi 20 và 30 đến, tất cả họ đều gọi nhau bằng biệt danh.

Trên đường về nhà sau buổi tiệc kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, người đàn ông hỏi A có hài lòng với công việc và cuộc sống không. Anh ta lấy ra một cuốn sách và nói ” Cuốn sách này siêu nổi tiếng. Hãy đọc rồi cho tôi biết suy nghĩ của bạn”.

Đây là cuốn sách đã được cư dân mạng cảnh báo, thường được sử dụng bởi những người lừa đảo đa cấp.

Sau buổi gặp mặt, người đàn ông tiếp tục liên lạc với A khoảng 2 đến 3 lần một tuần và mời anh ra ngoài chơi bóng đá, tham gia tiệc nướng và chơi board game để học cách kiếm thêm thu nhập. Người đàn ông nhắc lại nhiều lần: ” Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta cũng có thể sống bằng thu nhập như vậy ngoài đời thực, phải không?”.

Người đàn ông cho biết để đạt được ước mơ cần có thu nhập 20 triệu yên mỗi năm. Anh ta cố thuyết phục A rằng để kiếm được nhièu tiền như vậy, A phải trở thành chủ doanh nghiệp và điều quan trọng là hợp tác với những người bạn cùng chí hướng.

Anh ta cũng mô tả rằng sếp của mình là một phụ nữ kiếm được thu nhập hàng năm từ 20 đến 30 triệu yên ”chỉ bằng cách ngồi ở nhà”. Tuy nhiên, người đàn ông giải thích gì thêm về công việc của “sếp”.

Sau khi được mời tham gia các cuộc hội thảo về quản lý và các sự kiện khác yêu cầu tính phí, A đã cắt liên lạc vì không muốn làm giàu cho tổ chức phi pháp.

A đã thực hiện nghiên cứu về loại phương pháp lừa đảo này trên mạng xã hội và thông qua các phương tiện khác. Anh tìm thấy nhiều cá nhân từng là thành viên của các tổ chức lừa đảo theo mô hình kim tự tháp.

Những kẻ lừa đảo núp bóng dưới các tổ chức có tên như “nhóm doanh nhân”, “nhóm môi trường”, “học viện”,… bao gồm vài nghìn thành viên chủ yếu ở Tokyo và Osaka.

Một người đàn ông khoảng 30 tuổi làm việc tại một công ty ở Tokyo đã tham gia vào các hoạt động như vậy trong khoảng 2 năm, sau khi người bạn thời sinh viên mời anh ta đến một cuộc hội thảo về quản lý kinh doanh.

Tại buổi hội thảo, giảng viên chỉ ra tầm quan trọng của việc ”kết bạn” và khuyên anh ta hãy tìm kiếm “bạn” trước các trạm tàu điện.

Nếu có thể kết “bạn” với 50 người và mời họ gia nhập công việc kinh doanh của một “master”, người giới thiệu sẽ được thăng chức lên vị trí trưởng chi nhánh và thu nhập hàng năm sẽ tăng lên đáng kể.

Khi tâm sự với ”master”về những khó khăn khi đi kết bạn, người này nói rằng “có thể anh vẫn chưa tập trung”, đồng thời khuyên anh nên đổi việc và chuyển đến sống ở nhà chung cùng với những thành viên khác trong tổ chức.

Vài tháng sau, master nói anh ta hãy mua các sản phẩm làm đẹp của một công ty vô danh, trị giá 150,000 yên mỗi tháng.

Master này đã thúc ép anh mua các sản phẩm bằng tiền mặt với lý do ”nếu định kiếm một mức lương hàng tháng là 1 triệu yên, bạn cần đầu tư từ 10 đến 20%” và ”một khi bạn bắt đầu kinh doanh, bạn cần có khả năng phán đoán nhanh về các khoản đầu tư có tổng giá trị hàng chục đến hàng trăm triệu yên”. Dù do dự nhưng anh không thể phản bác lại.

Người đàn ông sống trong ngôi nhà chung một năm và tham gia ”kết bạn” ở trung tâm thành phố với các thành viên khác mỗi ngày trong tuần.

Kết quả anh ta đã mất vài triệu yên, và hàng chục nghìn đô tiền tiết kiệm, gánh khoản nợ tổng cộng 500,000 yên từ một công ty cho vay tiêu dùng với lãi suất cao. Cuối cùng anh bị đẩy vào một tình huống gần như không thể vượt qua và chỉ có thể ăn mỗi một món mì ống sốt cà chua mỗi ngày.

Anh ta nói rằng ”Tôi đã tin bất cứ điều gì mà master của tôi nói luôn đúng. Tôi đã bị lừa cùng với những đồng nghiệp khác”.

Masaki Kito, một luật sư nổi tiếng, chuyên giúp đỡ nạn nhân của các hành vi lừa đảo trong kinh doanh, nhận xét: ” Phương pháp này là một kiểu tiếp thị đa cấp bất hợp pháp bao gồm kỹ thuật tẩy não khuôn mẫu, đưa các cá nhân vào sống trong cùng một cộng đồng và tôn thờ nhân vật đứng đầu với quyền hạn tuyệt đối”.

Luật sư cho biết thêm ”Nạn nhân ngoài những người bị giảm thu nhập do đại dịch còn có những người rảnh rỗi do ở nhà quá nhiều. Các đối tượng này có khả năng trở nên phụ thuộc quá mức vào các mối quan hệ mà lẽ chúng ta không thực sự quá lệ thuộc”.

Thuý Vân
Xem thêm: