Người biết lễ nghĩa được đánh giá cao ở Nhật Bản có những phẩm chất như thế nào?

Nhật Bản là quốc gia trọng lễ nghĩa, do đó người biết lễ nghĩa sẽ được ưa chuộng ở quốc gia này. Trong tiếng Nhật có cụm từ 礼儀正しい (Reigi tadashii) để chỉ sự lịch thiệp, cư xử phải phép. Đây là lời khen hàng đầu mà ai cũng muốn được nhận, và là yếu tố quan trọng để đánh giá một con người, trên cả ngoại hình.

Ai cũng muốn là người hiểu lễ nghĩa, thế nhưng “lễ nghĩa” thực ra là gì? Và phải cư xử như thế nào để được cho là lịch thiệp ở Nhật Bản.

Nếu dịch Reigi ra tiếng Anh ta có các từ tương tự như Manners, Courtesy hay Etiquette. Thế nhưng nếu hiểu Reigi một cách tổng thể, nghĩa gần nhất có lẽ là từ Polite (lịch sự).

Reigi là yếu tố cần thiết trong cả cuộc sống cá nhân và công việc, nếu nắm bắt được từ này và cư xử theo đó, bạn chắc chắn sẽ được những người xung quanh đánh giá cao.

Không riêng gì ở Nhật Bản mà tôi cho rằng Reigi là thước đo đánh giá phổ biến trên toàn thế giới, do đó chúng ta nên tìm hiểu và học tập.

1. Chào hỏi và cảm ơn

Khi được ai đó giúp đỡ, người hiểu lễ nghĩa sẽ nói lời “cảm ơn”.

Ví dụ khi nhân viên khách sạn mang hành lý lên phòng cho bạn, bạn phải nói lời cảm ơn họ. Cho dù biết đây là công việc và là điều họ phải làm, thế nhưng họ vẫn đang giúp đỡ bạn, nên cần thiết phải cảm ơn, nếu có thể tip cho họ thì càng tốt. Nếu đứng ở vị trí của họ, bản thân mình gặp vị khách như thế cũng sẽ thấy vui.

Ngoài ra khi được mời đi ăn uống, sau bữa tiệc bạn nên gửi tin nhắn cảm ơn người kia. Ví dụ, cảm ơn vì sếp bạn đã đưa bạn đi ăn cùng, cho dù bạn không muốn đi, nhưng vẫn phải thể hiện được sự cảm kích vì đã nghĩ đến bạn. Sau khi về nhà, hoặc sáng hôm sau nếu gặp người mời bạn ở công ty, chỉ cần một tin nhắn hay lời nói với nội dung Gochisousamadeshita (Cảm ơn vì bữa ăn), đánh giá về bạn sẽ tăng ngay lập tức.

2. Sử dụng kính ngữ đúng cách

Nếu là người nước ngoài, bạn không cần quá câu nệ mục này. Thế nhưng là người Nhật, việc sử dụng đúng tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ rất quan trọng. Cho dù đối phương nhỏ tuổi hơn bạn, nhưng địa vị xã hội của họ cao hơn, bạn vẫn phải đối đáp một cách tử tế.

3. Giữ khoảng cách thích hợp

Đây là phần tôi cho là khó nhất.

Khoảng cách giữa người với người dù trong cuộc sống cá nhân hay trong công việc đều rất quan trọng. Nếu quá gần gũi với ai đó sẽ làm phiền họ, thậm chí thất lễ với họ. Trong trường hợp khác giới, nếu quá gần gũi có thể gây ra những xích mích, hiểu lầm không đáng có. Còn nếu quá xa cách, bạn sẽ gặp bất lợi khi không thể gợi ra được những suy nghĩ thực tình của đối phương.

“Khoảng cách” ở đây bao hàm cả khoảng cách vật lý cũng như cách nói chuyện với ai đó. Thêm nữa phần khó nhất là tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân mà giới hạn về “khoảng cách” của họ lại khác nhau.

Nhân đây, công ty của tôi tên là DISTANCE, có nghĩa là khoảng cách. “Khoảng cách” của chúng tôi không phải là khoảng cách địa lý giữa Việt Nam với Nhật Bản mà là “khoảng cách” thích hợp công ty muốn tạo ra với mỗi khách hàng, nhân viên.

4. Giữ bình tĩnh

Thú thật đây là điểm mà tôi tệ nhất.

“Giữ bình tĩnh” là không được phép để cảm xúc cá nhân chi phối. Cho dù gặp khó khăn trong công việc cũng không được hoảng hốt mà từ tốn xử lý từng việc một. Đây là hình mẫu nhân viên được ngưỡng mộ.

5. Suy nghĩ trên vị trí, lập trường của người khác

Một việc với bạn là tốt, nhưng với người khác lại không phải.

Ví dụ như niềm tin tôn giáo, lịch sử đã cho thấy những cuộc chiến tôn giáo lặp đi lặp lại cũng bởi mâu thuẫn xảy ra giữa các tôn giáo khác nhau.

Những niềm tin với bạn là tuyệt đối, nhưng không thể nào gượng ép lên một người khác.

Tương tự, khi làm việc chung trong một công ty, lúc nào cũng phải đặt mình vào vai trò của người kia mà nghĩ, từ đó đưa ra quyết định hành động phù hợp.

Trong đời sống cá nhân, những xung đột vợ chồng thường xuyên xảy ra cũng bởi hai người không thể thông cảm cho người kia.

Nếu có thể trở thành người thoả mãn đủ 5 điều trên, không cần biết là nam hay nữ, bạn sẽ được ngưỡng mộ. Nếu những con người lịch thiệp này ngày càng nhiều lên, tôi tin rằng thế giới cũng sẽ hoà bình.

 

Kengo Abe
Xem thêm: