“Hãy trả lại thanh xuân cho tôi” – Học sinh Nhật Bản nuối tiếc thời cấp 3 trôi qua trong mùa dịch COVID-19

Một lứa học sinh cấp 3 ở Nhật lại sắp vào mùa tốt nghiệp, tuy nhiên một nửa đời sống học sinh của họ đã bị COVID-19 “thổi bay”. Các giải đấu câu lạc bộ bị huỷ bỏ, các chuyến đi dã ngoại cũng không thể được diễn ra. Trong lúc biến chủng mới Omicron lan rộng, kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn được tổ chức.

“Tất cả là vì COVID-19”

Trên các mạng xã hội Nhật Bản, dễ dàng tìm thấy những dòng Caption thể hiện sự chán nản của các em học sinh trong mùa COVID-19.

– Cuộc sống trung học của tôi đã tan vào hư không
– Trả lại thanh xuân đây
– Tất cả là lỗi của COVID

Vào thời điểm Nhật Bản xác định ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào tháng 1, nhiều em đang ở học kỳ thứ 3 của năm đầu tiên. Chỉ vừa sang năm thứ 2 là vào tháng 4, cả nước đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Việc trải qua cả năm cấp 3 trong mùa đại dịch là không thể tránh khỏi.

Không thể thoải mái trò chuyện tám nhảm với bạn bè. “Thanh xuân của tôi đã đi về đâu trong mùa COVID”

Đây là tâm sự của Kiboshi (bút danh), một học sinh trung học năm ba sống ở Ehime. Kiboshi đã rất mong chờ những buổi đi chơi trung tâm thương mại hay công viên với bạn bè vào những ngày nghỉ.

Tuy nhiên sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh dẫn tới việc nhà trường yêu cầu các em hạn chế ra ngoài. Hầu hết thời gian gặp bạn bè chỉ có thể ở trong lớp học. Nhưng kể cả vậy thì việc nói chuyện riêng cũng bị hạn chế. Ngay cả trong giờ giải lao vào buổi trưa, bữa ăn của các học sinh diễn ra vô cùng im lặng, tiếng cười nói dường như biến mất khỏi các lớp học.

“Tiết tiếp theo là gì ấy nhỉ?”
“Bài tập về nhà là gì vậy?”

Những câu chuyện của các em dần trở nên nghiêm túc hơn, và môi trường duy nhất giúp các em giải toả sự nặng nề ấy là mạng xã hội, nơi không có bất cứ rào cản nào về tiếp xúc vật lý.

Kiboshi cho biết:

“Tôi không thể đi chơi với bất kỳ ai, kể cả là bạn cùng lớp, hay bạn thân cấp 3 hay bạn cấp 2 cũng vậy. Việc kết thân với bạn cùng lớp lại càng khó hơn, nên tôi nghĩ quả nhiên muốn được chạm mặt và nói chuyện với mọi người nhiều hơn”.

Sự vắng bóng của các sự kiện gắn kết tập thể

Đại dịch khiến các hoạt động câu lạc bộ, sự kiện văn hoá, hội thao,.. bị huỷ bỏ hoặc giảm quy mô.

Nhiều em học sinh hào hứng vì tưởng rằng sẽ được đến Tokyo lần đầu tiên trong chuyến dã ngoại của lớp, thế nhưng sau đó địa điểm đã bị chuyển thành Shikoku hoặc một địa phương nào đó, thậm chí bị huỷ luôn.

Khó khăn nhất chính là việc tạm dừng các hoạt động câu lạc bộ. Để có thể duy trì một câu lạc bộ, các hội viên phải hoạt động tích cực và đem lại thành tích cho trường. Thế nhưng do COVID-19, thời gian mọi người tập trung lại để luyện tập, sinh hoạt giảm dần. Các giải đấu trong và ngoài trường cũng bị huỷ. Chưa bàn đến việc không thể chiêu mộ người mới, những hội viên lâu năm cũng mất động lực mà rời đi.

“Tôi lo rằng mình sẽ không thể làm được gì cho thanh xuân của mình và quyển Album tốt nghiệp chỉ toàn ảnh lúc đang tham gia học trên lớp. Tôi biết cũng không còn cách nào ngoài việc nghĩ rằng đó chính là thanh xuân của chúng ta, thế nhưng so với những gì tôi tưởng tượng, rõ ràng là nhạt nhẽo hơn nhiều” – Kiboshi cho biết.

Giành nhiều thời gian nghĩ cho tương lai hơn

Khi hiện tại đã và đang bị thay đổi bởi COVID-19, nhiều em học sinh hoang mang trước những tác động của nó với bản thân sau khi tốt nghiệp.

Kiboshi đã nghe rất nhiều thông tin về tình trạng thiếu hụt nhân viên y tá trong mùa dịch. Cô muốn đóng góp cho cộng đồng và đã quyết định ở lại quê hương để học nghề y tá.

“Dù tôi không thể tận hưởng thanh xuân như bình thường, tôi vẫn phải suy nghĩ cẩn thận về con đường tương lai. Tôi nhận ra tầm quan trọng của gia đình và muốn muốn giúp đỡ cho những con người trong khu vực tôi đang sống. Tôi sẽ rất vui nếu tôi có thể thực hiện ước mơ của mình và có cái nhìn tích cực về cuộc sống trung học trong đại dịch”.

Nhiều học sinh muốn học lên ở các trường tại địa phương

Nhiều em học sinh biết rằng tình hình kinh tế đang chuyển biến xấu đi trong đại dịch, nên các em muốn chọn học tại những trường đại học gần nhà. Đại dịch khiến việc sống một mình khó khăn hơn, tìm kiếm công việc làm thêm cũng gặp nhiều trở ngại. Trên hết, các em sợ rằng khó có thể kết bạn mới ở một môi trường khác và không muốn xa rời bạn bè mình ở quê nhà.

Việc lựa chọn trường đại học cũng cho thấy sự thay đổi trong nguyện vọng làm việc sau này của các em. Nhìn vào thực trạng ứng tuyển của các trường đại học quốc gia và công lập theo hệ thống khoa, các khoa tự nhiên đang được ưa chuộng hơn khoa xã hội. Cụ thể, thay vì các lĩnh vực như du lịch hay các ngành quốc tế (chịu cú sốc mạnh từ COVID-19), các ngành học về y tế và pháp lý được lựa chọn nhiều hơn.

Kaori Iwase thuộc Học viện giáo dục Kawaijuku cho biết:

“So với trước thời COVID-19, việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ khắc nghiệt hơn, do đó để có việc làm, chúng em nghiêm túc hơn trong việc lựa chọn con đường sự nghiệp”.

Lời kết

Gửi đến những bạn trẻ đang bị cướp mất thanh xuân vì COVID-19. Quả nhiên COVID-19 đã cướp của các bạn rất nhiều thứ, nhưng đồng thời ở một khía cạnh nào đó, nó trao cho các bạn cơ hội để suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc học cũng như con đường tương lai. COVID-19 thay đổi tất cả chúng ta, nhưng theo hướng nào? Chúng ta có quyền được quyết định không?

Dù có thể sẽ khác với những gì mà chúng ta đã tưởng tượng, nhưng quá khứ là thứ không thể thay đổi, chín chắn hơn ở hiện tại và cùng hướng về tương lai nhé.

Sacchan
Xem thêm: