Đề xuất mở rộng hình thức suối nước nóng được phép tắm trộn chung nam nữ nhưng mặc quần áo

Tại các cơ sở suối nước nóng cho phép tắm chung nam nữ, hình thức mặc đồ tắm chuyên dụng để hạn chế sự phơi bày cơ thể đang được mở rộng. Trong những năm gần đây, những cơ sở tắm hỗn hợp bị xa lánh do cư xử kém, số lượng khách có xu hướng ngày càng giảm. Nhà quản lý những cơ sở này cho biết “Qua quy định mặc quần áo, mọi người sẽ giảm bớt sự ngượng ngùng, không thoải mái, cùng nhau vui vẻ với nền văn hoá tắm chung, không phân biệt giới tính hay thế hệ”.

Suối nước nóng Sukayu ở thành phố Aomori nằm trong khu vực tuyết rơi dày nhất Nhật Bản. Vào ngày 26 tháng Giêng, đàn ông và phụ nữ từ nhiều lứa tuổi khác nhau đã cùng nhau vào bồn tắm hỗn hợp lớn có tên “Hiba Sennin Furo”. Nam mặc quần đùi, nữ mặc áo cộc tay và quần đùi. Một phụ nữ khoảng hai mươi tuổi đến từ tỉnh Chiba mỉm cười nói: “Bạn không cần phải lo lắng về những đôi mắt dòm ngó cũng chẳng cần che giấu cơ thể. Cứ việc bình thường mà tận hưởng”.

Ảnh https://www.yomiuri.co.jp/pluralphoto/20220216-OYT1I50091/

Tại Sukayu Onsen, trước kia vào buổi sáng và buổi tối, khu vực tắm chỉ dành riêng cho nữ giới. Tuy nhiên, từ ý tưởng “Không phân chia thời gian, tạo ra một môi trường để mọi người có thể cùng hoà mình”, nhà quản lý bắt đầu đưa vào thử nghiệm phương pháp bồn tắm hỗn hợp nam nữ có mặc quần áo. Hiện họ đang xem xét giới thiệu quy mô đầy đủ trong tương lai đồng thời theo dõi phản ứng của khách hàng.

Năm 2019, Jigoku Onsen Seifuso ở làng Minamiaso, tỉnh Kumamoto đưa ra quy định phải mặc quần áo khi vào tắm chung nam nữ. Quản lý Kenji Kawazu, 58 tuổi cho biết “Qua đó chúng tôi đã khiến nhiều người trẻ tuổi cũng như người ngại tắm chung nam nữ thoải mái hơn”.

Theo Kyoko Kitade – một “chuyên gia Onsen”, người đã phổ biến sự quyến rũ của suối nước nóng thông qua các bài giảng và bài viết – có khoảng 1200 cơ sở tắm hỗn hợp trên toàn quốc vào năm 1993, nhưng đến năm 2021 chỉ còn khoảng 500 cơ sở.  Kitade nói: “Bên cạnh việc thế hệ trẻ từ chối tắm khỏa thân, cũng có những trường hợp thiếu đạo đức như nam nhìn chằm chằm vào cơ thể phụ nữ, đó là lý do các cơ sở tắm chung bị xa lánh”.

Mặt khác một số cơ sở coi trọng giá trị của việc tắm khoả thân, nhiều khách cũng cho rằng “Mặc quần áo tắm thì không còn phong tình của Onsen nữa”. Vào năm 2016, tại Yubara Onsen Sandyu ở thành phố Maniwa, tỉnh Okayama, một tấm biển với dòng chữ “Che phần thân dưới” đã được dựng lên tại một phòng thay đồ để khuyến khích khách hàng nam quấn khăn tắm và mặc đồ bơi. Tuy nhiên, vẫn có một số khách hàng vào tắm mà không mặc gì, họ cho biết “Tôi muốn khoả thân”.

Aya Uchida, phó giáo sư tại Đại học Toyo chuyên ngành Du lịch chỉ ra rằng “Điều quan trọng là phải nghĩ đến việc làm thế nào để kế thừa văn hóa tắm chung cho từng khu vực và cơ sở.” Michio Ishikawa, chủ tịch của Hiệp hội các khu vực suối nước nóng Nhật Bản nhận xét “Để các cơ sở suối nước nóng có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày nay, chẳng hạn như không phân biệt giới tính, giới thiệu suối nước nóng mặc quần áo cũng là một đề xuất”.

 

Sacchan
Xem thêm: