Câu chuyện cô gái Nhật mắc chứng bệnh lạ, không thể giao tiếp
Dù có thể trò chuyện bình thường với người thân trong gia đình, nhưng cứ hễ trước mặt người lạ, dù rất muốn nói nhưng không thể nói được.
Đó là biểu hiện của 緘黙 (kanmoku) – tên của một hội chứng.
Nhân vật trong câu chuyện là một phụ nữ 26 tuổi đến từ Shiga. Từ khi học mẫu giáo, cô đã không thể diễn đạt tốt.
Trong nhiều lần tới phỏng vấn suốt 3 tháng, nhà báo của NHK chưa một lần nghe trực tiếp giọng của cô. Đến cuối cùng, cô gái nói “Thực ra việc nhận lời phỏng vấn đã rất khổ rồi”.
Cô con gái chỉ có thể nói chuyện với người nhà.
Lý do cho cuộc phỏng vấn này là vì vào tháng 9 năm ngoái, NHK nhận được 1 lá thư, trong đó yêu cầu NHK đưa tin về cô con gái sắp tổ chức triển lãm cá nhân.
“Từ khi còn bé, con gái tôi đã bị chẩn đoán mắc chứng Kanmoku, chỉ có thể nói chuyện với một vài người quen thân. Tuy nhiên con bé rất khó chịu khi không thể cho thế giới biết về chứng bệnh này của nó, vì vậy xin hãy đến đưa tin”.
***Về hội chứng Kanmoku
Theo các chuyên gia, đó là hội chứng mà bạn có thể trò chuyện bình thường với gia đình hoặc những người gần gũi, nhưng khi đối diện với người ngoài sẽ cảm thấy bất an, lo lắng, không thể mở lời.
Tại địa điểm triển lãm của cô, có 40 tác phẩm được trưng bày. Đó là những bức tranh được vẽ bằng màu dạ và màu nước với một phong cách rất độc đáo. Trong đó đập vào mắt người xem là một bức tranh bí ẩn được vẽ chỉ bằng màu xanh.
Trong tranh là những chú cá với hoa văn cách điệu, tạo nên bầu không khí rất kỳ lạ cho bức tranh. Khi được hỏi về điều được thể hiện trong tranh, tác giả Sanami đang nấp đằng sau lưng của mẹ. Dù nhà báo đã đưa danh thiếp và giới thiệu nhưng Sanami không nói lời nào, tất cả đều là mẹ trả lời thay.
Mẹ Sanami cho biết
“Con tôi không thể nói chuyện. Tôi cũng không rõ chi tiết về bức tranh”.
Khi đó vẻ mặt của Sanami rất u ám, cô chỉ nhìn xuống. Khi được yêu cầu chụp ảnh và quay phim, mẹ cô nói “Con gái tôi không muốn lộ mặt”. Lúc này, nhà báo chỉ có thể chụp được những tấm ảnh từ sau lưng.
Dù muốn nói chuyện nhưng không thể cất lời
Ngay thời điểm bước chân vào trường mẫu giáo, mẹ của Sanami đã nhận thấy con gái mình không giống những người bạn cùng trang lứa. Trong suốt 3 năm, từ duy nhất mà Sanami nói là từ “có” tại lễ nhập học. Tình trạng im lặng này vẫn tiếp diễn cả khi em vào tiểu học.
Sanami cũng chăm chỉ học và đọc to tiếng Nhật ở nhà, tuy nhiên cứ đứng trước mặt mọi người là cô bé lại không thể cất thành lời.
Chịu đựng những lời trêu chọc, những lời đồn thất thiệt.
Khi học năm 2 tiểu học, Sanami được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bị mắc chứng “Kanmoku”.
Thế nhưng vì đây không phải một hội chứng phổ biến, rất khó để giải thích cho những người khác hiểu. Kể cả khi lên các lớp trên, Sanami vẫn thường xuyên bị bạn bè trêu chọc “Sao bạn không nói chuyện?”, em thường xuyên chịu đựng những lời xì xầm to nhỏ đằng sau và những lời đồn thất thiệt.
“Con muốn một quyển Sketch và một cây bút”
Bước ngoặc cuộc đời của Sanami bắt đầu khi em lên năm 5 tiểu học, em đã nhờ mẹ mua cho một quyển Sketch và một cây bút để vẽ.
Sanami vốn rất thích vẽ tranh, cô thường ngồi một mình trong phòng để vẽ. Cô vẽ nhiều thể loại như tranh sơn dầu, tranh màu nước, tranh đi nét bằng bút lông đầu mỏng,… Thông qua những bức tranh bạn có thể cảm nhận được những biến đổi bên trong của cô gái này. Từ trước đến nay cô đã vẽ hơn 1000 bức. Nếu tập trung một ngày Sanami dành 10 tiếng để vẽ.
Mẹ của Sanami cũng cảm nhận được con gái đang dần thay đổi từ khi cô tập trung vẽ tranh.
Gửi lời động viên đến những người cùng cảnh ngộ.
Tháng 10 năm ngoái, lần đầu tiên Sanami quyết tâm thực hiện một bước ngoặc mới, cô quyết định công khai về chứng bệnh của mình.
Sanami tình cờ đọc được một bài báo về Mizuki Suginohara, một học sinh năm 2 THCS ở Shiga. Khi còn trẻ, người này cũng bị chẩn đoán mắc chứng Kanmoku, và đã tìm thấy niềm vui trong việc làm đồ ngọt. Cùng với sự hỗ trợ từ gia đình và khoản tiền từ huy động vốn cộng đồng, Mizuki Suginohara hiện đang là thợ làm bánh tại một cửa hàng bánh ngọt.
Nếu thể hiện được bản thân thông qua việc vẽ tranh, cô sẽ được những người xung quanh công nhận. Do đó mà Sanami đã cố gắng để bộc lộ những cảm xúc bên trong ra ngoài thông qua các bức tranh.
Cuối cùng Sanami đã quyết tâm thực hiện một buổi triển lãm tranh. Đây cũng là khởi nguồn cho bức thư gửi đến đài NHK.
Những cảm xúc không thể diễn tả thành lời, biến thành những từ ngữ đầy tích cực
Sau triển lãm, có thể thấy phong cách vẽ tranh của Sanami dần thay đổi. Thay vì chỉ vẽ, cô đã bắt đầu viết chữ. Những bức tranh giờ đây biến thành từng trang nhật ký, để Sanami gửi gắm những từ ngữ đầy tích cực.
“Hội chứng Kanmoku là một phần của tôi”
Tranh là bằng chứng cho thấy tôi đã và đang sống. Từ nay về sau tôi sẽ tiếp tục tăng thêm những bằng chứng như vậy.
Theo các chuyên gia, hội chứng này xảy ra với 2-5 người trong tổng 1000 người. Đa số trường hợp đều mắc khi còn bé, phát bệnh vào khoảng thời gian thay đổi môi trường khi bé vào mẫu giáo hoặc tiểu học, cũng có trường hợp phát bệnh khi đã trưởng thành.
Xung quanh bạn có thể tồn tại những người mắc hội chứng này. Điều quan trong là hiểu được tính cách trầm lặng và nhút nhát của họ, hỗ trợ giúp đỡ họ có một môi trường an toàn.
Tiến sĩ Seiji Yoshida, Khoa Nhi, Đại học Y khoa và Dược học Osaka cho biết “Điều trị sớm có thể cải thiện tình hình, rất khó nếu chỉ dựa vào nỗ lực của bản thân người bệnh. Vấn đề là nhận thức về hội chứng này vẫn còn thấp. Nhà trường nên khuyến khích các đối tượng này đi khám chữa bệnh, tạo một môi trường để người này có thể cảm thấy thoải mái.
Sacchan