Câu chuyện chú chó chuyên “đưa tiễn những vong hồn về trời” tại Viện dưỡng lão
Tại viện dưỡng lão đặc biệt mang tên “Sakura no Satoyamashina”, người cao tuổi sẽ được sống chung với những chú chó chú mèo đáng yêu. Bunpuku, trước kia là chó bảo hộ, ước tính khoảng từ 12-13 tuổi hiện đang giữ vai trò “điều dưỡng” tại đó.
“Sakura no Satoyamashina” là một nhà dưỡng lão đặc biệt. Mỗi căn là một khu bao gồm 10 gian (riêng biệt hoàn toàn) gồm phòng khách, phòng ăn, 3 nhà vệ sinh, phòng tắm và phòng thay đồ. Ngoài ra còn có cửa trước nên không gian trông giống như một chung cư 10LDK. Sức chứa viện dưỡng lão là 120 người, tổng cộng có 12 căn, và 4 căn được đặt trên mỗi tầng từ tầng 2 đến tầng 4 của tòa nhà. Trong số đó, hai căn ở tầng hai là những căn cho phép sống chung với chó, và hai căn còn lại là dành cho mèo.
Chó mèo tự do đi lại trong các khu, cũng giống như thú cưng nuôi ở các hộ gia đình. Viện dưỡng lão được thiết kế không có rào chắn, cửa phòng cũng là cửa trượt nên chú chó Bunpuku có thể tự do mở cửa các phòng, thậm chí vào luôn các phòng khác khi chưa được cho phép. Tuy nhiên những cư dân sống trong viện dưỡng lão đều rất yêu chó, không những không có vấn đề gì mà trái lại còn thấy rất vui.
Nếu có người không thích động vật hoặc bị dị ứng sẽ được chuyển lên tầng 3 và 4. Các tầng này cấm mang thú cưng lên.
Dù Bunpuku sống khá tự do ở Viện dưỡng lão, chú chó không ngoan cố bước vào một phòng nào đó nếu không phải là trường hợp đặc biệt. Đó là khi nó cảm nhận được người sống ở phòng đó sắp qua đời.
Gần 40 cụ già qua đời tại “Sakura no Satoyamashina” mỗi năm. Đây là con số rất bình thường ở các viện dưỡng lão, nơi tập trung của những người rất cao tuổi hoặc bệnh nặng không muốn làm khổ gia đình.
Thông thường người già yếu đi khi khả năng hấp thụ thức ăn nước uống mất dần, và “héo mòn” như những cành cây theo quy luật tự nhiên. Ở giai đoạn này nếu nhập viện và truyền dịch nhỏ giọt có thể kéo dài sự sống. Thế nhưng ở “Sakura no Satoyamashina”, hầu hết các cư dân ở đây đều không có nguyện vọng sống lâu hơn. Họ muốn đón cái chết một cách bình thản. Do đó việc chăm sóc điều dưỡng đặc biệt (chăm sóc giai đoạn cuối) sẽ được bắt đầu một thời gian ngắn trước khi họ qua đời.
Cụ Takako Yasui bắt đầu được chăm sóc đặc biệt trong tháng này. 3 ngày sau khi bắt đầu điều dưỡng, Bunpuku đến ngồi trước cửa phòng của bà. Cụ Yasui không còn ăn uống được nữa, nhưng thể trạng vẫn ổn định, do đó hộ lý đã bỏ qua hành động này của chú chó.
Tuy nhiên vài giờ sau, Bunpuku vào phòng và rúc vào người cụ Yasui đang nằm trên giường. Dù Bunpuku vẫn thường vào phòng cư dân ở đây để ngủ chung với họ, nhưng bầu không khí lúc này rất khác biệt. Thường thì Bunpuku tỏ ra rất thoải mái, nhưng lần này nó trầm hẳn xuống. Lúc này hộ lý nhận thấy cụ Yasui có biểu hiện kỳ lạ.
Cụ Yasui gần như không còn ý thức đã vài ngày, nhưng khi Bunpuku lại gần đã động đậy tay và xoa đầu nó. Hộ lý cho biết “Trông cụ ấy như thể đã mỉm cười”.
Hộ lý ngay lập tức liên lạc với người nhà cụ Yasui để thông báo về hành động của chú chó. Tuy nhiên anh không nói rằng cụ Yasui sắp ra đi, chỉ cho biết cụ rất thân với Bunpuku, và để cho gia đình tự quyết định.
Cụ Takako Yasui đã sống ở Viện dưỡng lão 3 năm, và gia đình cũng biết ít nhiều về các hành động của Bunpuku. Gia đình ngay lập tức gọi cho những người quen biết và có mặt tại viện dưỡng lão. Sáng sớm hôm sau, cụ Yasui qua đời, gia đình đã kịp có mặt để đưa tiễn.
Không rõ liệu Bunpuku có thực sự cảm nhận được cái chết của các cư dân viện dưỡng lão hay không, có thể nó đã đánh hơi được, điều mà khoa học vẫn chưa chứng minh. Dù sao thì người thân của cụ đã có thể đưa tiễn người thân kịp thời với hành động này, và với cá nhân cụ Yasui, một người rất yêu động vật khi còn sống, được ra đi bình lặng với cái ôm đầy tình cảm từ chú chó ở viện dưỡng lão là một sự ra đi rất thanh thản.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đây là “công việc” mà Bunpuku tự nguyện lựa chọn, không được ai huấn luyện. Những hộ lý tại viện dưỡng lão tin rằng chú chó cũng rất tự hào với những gì mà nó đã làm.
Sacchan