Giải độc kỹ thuật số ”Digital Detox” thu hút nhiều người ở Nhật

Trong thời đại mà các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh đã trở thành nhu cầu cơ bản của cuộc sống, nhiều người Nhật đang chú ý đến một phương pháp gọi là “Digital Detox” để giảm bớt việc phụ thuộc vào thiết bị kỹ thuật số.

”Digital Detox” là một phương pháp thải độc, có thể hiểu là việc tạm ngừng sử dụng các thiết bị công nghệ trong một thời gian nhất định, để tìm lại cảm giác bình yên trong tâm trí, tập trung vào các tương tác đời thực, cũng như dành thời gian hoà mình với thiên nhiên.

Một hội thảo về cai nghiện kỹ thuật số ”Digital Detox” được tổ chức tại tỉnh Kagawa vào tháng 1 năm 2022.

Shodai Morishita 29 tuổi, Giám đốc của tổ chức Digital Detox Japan, có trụ sở tại Tokyo cho biết, ý tưởng của các hội thảo này không nằm trong việc bài trừ thiết bị điện tử. Anh nói thêm ” Chúng tôi muốn hội thảo sẽ trở thành chất xúc tác để giúp mọi người suy nghĩ lại về sự phụ thuộc của họ vào các thiết bị điện tử. Điều quan trọng của Digital Detox là dành thời gian để nghỉ ngơi”.
Sachiko Sato 46 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Tokyo cho biết, cô bắt đầu lo lắng về cậu con trai đang học trường trung học của mình do thời gian cậu sử dụng  thiết bị điện tử để tham gia lớp học từ xa tăng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Khi cô quan sát con trai mình, cô nhận thấy bản thân cũng phụ thuộc vào chiếc điện thoại thông minh. Vì vậy cô quyết định thực hiện Digital Detox.

Sachiko Sato là một người yêu thích chạy bộ, đã bắt đầu quá trình Digital Detox bằng cách để điện thoại thông minh trong tủ và khoá lại khi chạy bộ. Lúc đầu cô cảm thấy không dễ dàng chút nào.

Chỉ chạy trong 1h, nhưng Sachiko Sato không thể ngừng nghĩ ”Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cố gắng liên hệ với tôi, trong khi tôi không mang điện thoại theo bên mình?”. Cô còn lo lắng tới việc ”làm cách nào để thông báo cho ai đó nếu chẳng may bị bong gân mắt cá chân khi đang chạy?”

Tuy vậy, việc tập trung vào chạy bộ giúp cô cảm thấy bản thân mình như được giải phóng.

Sachiko Sato đã dần đưa ra những quy tắc riêng cho bản thân về việc không sử dụng thiết bị điện tử, chẳng hạn như không mang điện thoại thông minh lên giường vào buổi tối, hoặc không đặt nó trên bàn lúc ăn cơm.

”Tôi đã làm những việc này từng chút một” –  Sachiko Sato chia sẻ.

Sachiko Sato là một trong những người nhận ra bản thân nghiện điện thoại. Theo nghiên cứu của Cross Marketing có trụ sở tại Tokyo được thực hiện trên 1,000 phụ nữ và nam giới ở Nhật Bản, ghi nhận gần 50% người khảo sát trả lời rằng họ nhận thức được sự lệ thuộc của mình vào điện thoại.

Các chuyên gia cho biết việc giảm bớt thời gian sử dụng các thiết bị kỹ thuật số giúp mọi người có cuộc sống lành mạnh hơn, với các lợi ích mang lại bao gồm có  giấc ngủ ngon hơn, tăng cường khả năng tập trung,.. Chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp để con người là bên kiểm soát chứ không để bị lệ thuộc vào thiết bị công nghệ.

Kazuya Mori 58 tuổi làm công việc tự do, sống ở Tokyo cho biết ông bắt đầu đặt câu hỏi về lối sống của bản thân. Kazuya Mori ngồi cả ngày trước máy tính trong giờ làm việc, kể cả thời gian rảnh cũng cầm điện thoại suốt.

”Lối sống của tôi giống như một cái công tắc lúc nào cũng bật” – Kazuya Mori nói.

Nhưng kể từ khi bắt đầu đi bộ và không mang theo điện thoại di động, Kazuya Mori cho biết ”Tôi bắt đầu cảm nhận hơn về sự biến đổi của thiên nhiên. Điều quan trọng là nhận ra rằng điện thoại thông minh không phải là đích đến cuối cùng mà chỉ là một phương tiện ”.

Yuto Itoyama 27 tuổi, ở tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nhật Bản, đã thiết kế lại ảnh đại diện trên ứng dụng tin nhắn Line của mình, với dòng chữ màu đỏ viết chồng lên ảnh đại diện rằng: ”Tôi tắt điện thoại sau 21h tối”.

Yuto Itoyama thiết kế lại ảnh đại diện trên ứng dụng Line có nội dung “Tôi sẽ tắt điện thoại thông minh của mình sau 9 giờ tối” 

Yuto Itoyama bắt đầu thực hiện Digital Detox khoảng 4 năm trước. Thay đổi ảnh đại diện giúp anh truyền tải tốt hơn lối sống của bản thân và có thể tắt điện thoại mà không cần bận tâm.

Anh Yuto Itoyama cũng ít kiểm tra tài khoản Instagram của bạn bè hơn:

”Tôi có những cuộc trò chuyện sôi nổi hơn nhiều khi trực tiếp hỏi bạn bè về cuộc sống của họ” anh nói.

Thuý Vân
Xem thêm: