Làm thế nào để hoà hợp với các bạn khác? Giáo viên tiểu học dạy cho các em về LGBT theo cách khác biệt

Khi bước chân vào khối tiểu học năm 3, có rất nhiều ánh mắt đổ dồn về phía mình, tự hỏi giáo viên này sẽ dạy điều gì thú vị. Đó là khung cảnh quen thuộc để người thầy giáo này tiếp tục đứng trên bục giảng.

Chỉ có điều, bài giảng hôm nay có chút khác biệt. Đứng trước thầy là những đứa trẻ lần đầu gặp mặt.

“Bây giờ là câu đố, trông thầy như thế nào?”

Shigeyoshi Suzuki đặt câu hỏi trước khi vào phần tự giới thiệu.

– Thầy cao ạ
– Thầy nhìn thời trang ạ
– Thầy đeo kính

Các em học sinh sẽ liên tiếp liệt kê các đặc điểm mà bọn trẻ nhìn thấy ở Suzuki, trong khi thầy giáo lặng lẽ viết tất cả lên bảng. Khi những đặc điểm dễ nhận biết đã sắp cạn kiệt, bọn trẻ bắt đầu nghĩ ra những ấn tượng “không thể nhìn”, ví dụ:

– Thầy giống người đã kết hôn
– Thầy có con rồi
– Thầy nổi giận chắc là đáng sợ

Suzuki không phủ nhận bất kỳ ý kiến nào, vẫn âm thầm viết lên bảng đen. Sau đó thầy hướng về phía bọn trẻ và nói:

“Thầy có bạn đời, nhưng không thể cưới người đó ở Nhật. Tại sao vậy nhỉ?”

Trong lớp học hôm đó, thầy giáo Suzuki đã công khai mình là người đồng tính.

Suzuki là giáo viên bán thời gian tại một trường tiểu học công lập ở Tokyo. Vào hôm ấy, anh được mời thỉnh giảng tại trường tiểu học khác về vấn đề nhóm thiểu số.

Đây không phải lớp học về tình yêu đồng tính

Trở lại với câu hỏi, tại sao có bạn đời nhưng lại không thể kết hôn. Với trẻ em có rất nhiều đáp án như “Vì người kia đã kết hôn rồi” hoặc “Vì người kia không yêu thầy”,…thế nhưng câu trả lời đúng lại là “Vì người kia cũng là đàn ông”.

Tiếp đó, thầy Suzuki giải thích với bọn trẻ về việc anh là người đồng tính, và hôn nhân đồng tính không được luật pháp Nhật Bản chấp nhận. Tuy nhiên mục đích của lớp học này không phải để nâng cao nhận thức về tình yêu đồng giới.

“Thầy gọi đó là Nakayoshi daisakusen (Tạm dịch: kế hoạch lớn để làm thân với ai đó). Làm thế nào để kết nối với một người khác với mình. Bài học hôm nay được sắp xếp để các em có thể suy nghĩ về điều đó”.

Tại sao thầy không dạy về LGBT?

“Lần đầu tiên gặp ai đó, tóm lại người ta sẽ tìm kiếm sự khác biệt, đầu tiên là ở các đặc điểm ngoại hình. Sau đó họ dần nhận ra những khác biệt bên trong, và khi biết về nhau thêm, chúng ta chia sẻ những vấn để nhận thức, để lý giải được người kia. Tôi muốn tạo ra những mô phỏng trải nghiệm theo tiến trình đó trong lớp học của mình”.

Thầy Suzuki đưa các bản in cho học sinh, trong đó có rất “kế hoạch” để làm thân với ai đó như

– Nói về những điều yêu thích
– Nói về món ăn yêu thích
– Nói về sở trường
– Mở lời giúp đỡ nhau
– Cùng làm việc mà người kia muốn làm
– Nhìn vào mắt nhau và chào hỏi nhau
– Chủ động nói câu “Làm bạn nhé”
– Nếu được nói câu trên, hãy đáp lại rằng “Xin bạn giúp đỡ” (Yoroshiku onegaishimasu)

“Làm thế nào để hoà hợp với một người khi lần đầu gặp mặt là kỹ năng vô cùng quan trọng. Nó sẽ rất hữu ích cho sau này, cả trong công việc. Thay vào chỉ tập trung vào LGBT, tôi muốn kết hợp những kỹ năng đa dụng trong lớp của mình”.

Vấn đề trong giáo dục giới tính ở Nhật

Nhóm thiểu số giới tính bao gồm cộng đồng LGBT được ước tính có từ 1,2 người trong một lớp học theo khảo sát của Dentsu Diversity Labs.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, trong giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học năm 3 và năm 4, các em được học rằng “Khi vào tuổi dậy thì sẽ hình thành sự quan tâm đến người khác giới”. Dù vào tháng 2 năm 2017 đã cho ra bản đính chính sửa đổi, nhưng nội dung này vẫn được giữ lại.

Mặt khác, các lớp học về LGBT đã được bắt đầu sớm từ bậc tiểu học.

Vào tháng 4 năm 2016, Bộ giáo dục đã ban hành thông báo nêu rõ “thực hiện các biện pháp chi tiết đối với học sinh nhi đồng về rối loạn nhận dạng giới, xu hướng tính dục và bản dạng giới (hướng tới đội ngũ giáo viên)”.

Thầy Suzuki cho biết “Điều này đã bắt đầu một sự bùng nổ, tạo ra một bầu không khí mà các kiến thức về cộng đồng LGBT phải được trực quan hoá, và được giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục”. Chính quyền địa phương cũng chấp nhận đào tạo giáo viên về lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay khi khi đột nhiên có yêu cầu giảng dạy về LGBT từ trên xuống, các giáo viên đều rất bối rối khi xây dựng kế hoạch dạy học. Bản thân những giáo viên cũng không có kinh nghiệm và không được học về LGBT.

Giáo viên thường tận dụng tiết học đạo đức hay tiết tổng hợp để giảng bài, hoặc gợi cơ hội cho các em suy nghĩ qua nhiều hoạt động trong lớp, nhưng tình hình là có sự khác biệt về thái độ giữa các trường cũng như các giáo viên.

Đừng nghĩ rằng “người đó thật tội nghiệp”

Một giáo viên khác là Yu Nagamitsu cũng từng chia sẻ với các em học sinh rằng mình là người chuyển giới.

“Những đứa trẻ nhận thức được rằng giữa chúng và nhóm người LGBT có một khoảng cách. Tôi muốn bọn trẻ xích lại gần hơn với họ, có thể tưởng tượng được người thân, anh chị em, bạn bè hay chính bản thân chúng có liên quan. Tôi cố gắng nói chuyện để cảm giác về khoảng cách không quá xa”.

Thế nhưng ấn tượng chung của lũ trẻ sau giờ học với thầy Yu vẫn là “Em thấy thầy thật đáng thương”.

Yu Nagamitsu hồi tưởng lại về bài giảng hôm đó và cho rằng đây là kết quả tất yếu khi anh cố tình lặp lại thông điệp để truyền tải nỗi đau và khó khăn với tư cách là người thuộc cộng đồng LGBT.

“Trải nghiệm càng đau đớn thì bọn trẻ càng cảm thấy người này khác chúng. Tôi muốn bọn trẻ cảm nhận về tôi như là tôi, chứ không phải là một người đáng thương. Quả nhiên việc này cần thời gian và qua nhiều giai đoạn, chứ không nên cá nhân hoá”

Một bài học dẫn tới hành động

“Nếu chỉ cố gắng dạy về LGBT, cần phải bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh về một nhóm thiểu số khác biệt. Tôi muốn tách biệt bản thân với vai trò người trong cuộc. Thay vì cho trẻ kiến thức, tôi muốn chúng hành động” – Thầy Suzuki ở đầu bài cho biết.

Trong lớp học “Nakayoshi daisakusen”, thầy có cơ hội chơi với bọn trẻ trong giờ nghỉ trưa, và tham gia nhảy dây với những bạn nhỏ lần đầu gặp mặt.

“Điều quan trọng là bọn trẻ nghĩ về tôi như một giáo viên đã chơi với chúng, chứ không phải một giáo viên đồng tính”.

Sau tiết học, một bạn nhỏ đã chạy đến chỗ thầy, trên tay là một cuộn băng dính bị hỏng:

“Em ấy đã cố kết nối với tôi, bằng cách nhờ tôi sửa cuộn băng. Tôi rất vui vì bài học của tôi có thể khiến các em ấy hành động”.

Sacchan
Xem thêm: