Những thành kiến mà người nước ngoài gặp khi sống ở Nhật

Một vài người nước ngoài sống ở Nhật rất dị ứng với từ 外人 (Gaijin). Tuy rằng nhiều người cũng biết rằng từ này để gọi chung người nước ngoài chứ không có ý khinh miệt hay phân biệt gì cả.
Thế nhưng rõ ràng, là một người nước ngoài sống ở Nhật, chắc chắn sẽ có rất nhiều rào cản.

Dưới đây là tổng hợp câu trả lời cho câu hỏi về những lúc họ – người nước ngoài cảm nhận rõ nét về thiên kiến khi sống ở Nhật. Tất nhiên dưới đây là ý kiến cá nhân và có thể không đúng với tất cả.

Sử dụng tên nước ngoài, không thể đặt bàn ở nhà hàng

Anh A từ Canada là một người đam mê ăn uống, đã phải nhờ đến một người Nhật đặt bàn hộ tại một nhà hàng Sushi. Khi được hỏi “Cũng được thôi nhưng sao bạn không tự làm”, anh ta trả lời “Nhiều khi tôi không đặt bàn được bằng tên người nước ngoài”.

“Ban đầu họ trả lời rất thoải mái về số lượng khách cũng như thời gian. Nhưng cuối cùng đến lúc hỏi tên và số điện thoại thì đột nhiên bên kia trả lời rằng nhà hàng đã kín chỗ. Tôi bị mấy lần như vậy rồi. Nhưng đặt bằng tên người Nhật lại được”.

Tất nhiên không phải tất cả nhà hàng ở Nhật đều vậy, và anh A cũng không vì thế mà có thành kiến với Nhật Bản.

Về vấn đề tên, lúc đăng ký hội viên trên mạng, cũng có trường hợp người nước ngoài không nhập được tên của mình trong phần điền tên.

“Không nhập được tên tiếng Anh, lúc định nhập tên bằng Katakana thì thấy chỉ có thể nhập tối đa 6 ký tự, thật bất tiện”.

Thường bị cảnh sát hỏi thăm

Trên thực tế, có rất nhiều người nước ngoài gặp trường hợp này. Chỉ là đi bộ trên đường, nhưng lại bị cảnh sát hỏi thăm.

“Tôi không đi chơi về khuya, cũng không có hành động đáng ngờ. Chỉ là đi từ nhà ra ga thôi nhưng bị cảnh sát gọi vào kiểm tra đồ đạc trong túi. Những người nước ngoài xung quanh tôi cũng bị vậy” – Anh B từ Hoa Kỳ nói.

Hành động này được xem là Racial profiling có nghĩa là nghi ngờ, nhắm mục tiêu, phân biệt với một người dựa trên chủng tộc, màu da, quốc tịch, ngôn ngữ, tôn giáo,… thay vì cá nhân người đó.

Được khen “Bạn là người nước ngoài tốt”.

Anh C từ Hoa Kỳ cảm thấy bối rối khi được một người Nhật nói rằng “Bạn là người nước ngoài mà lịch sự biết cư xử nhỉ”. Tại sao, vì sau đó người đó thêm câu “Khác với…(một dân tộc/quốc gia nào đó)”.

Anh cho biết “Dù có khen mà lại đi nói xấu quốc gia khác thì tôi cũng không thấy vui. Tôi cảm thấy bị lợi dụng để nguời đó nói xấu người của quốc gia khác vậy”.

Đôi khi có những hành động của người Nhật không phải cố tình phân biệt đối xử mà là một dạng “định kiến vô thức”, một số người không phải vì ghét mà vì ngại, một số người thực sự có định kiến, đương nhiên cũng không thiếu người thoải mái, thậm chí thích trò chuyện cùng người nước ngoài. Sống ở đâu cũng gặp người này người kia thôi, mình cứ thoải mái hết sức của mình, bạn nhỉ !

Sacchan
Xem thêm: