77 năm từ Thế chiến thứ 2, nhìn lại cuộc đại không kích Tokyo

Ai cũng có thể nói rằng chúng ta căm ghét chiến tranh, không được hy sinh dân thường,…thế nhưng dù đã 77 năm từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, nhân loại vẫn không thể tránh khỏi bị lôi vào những cuộc chiến tranh vũ trang.

Hiện tại, rất nhiều dân thường đang bị cuốn vào cuộc chiến ở Ukraine, và ở gần hơn là cuộc nội chiến ở Myanmar vẫn tiếp diễn.

Liệu chiến tranh có thể bị loại bỏ? Trước khi chỉ đưa ra nhận định chung chung rằng chiến tranh là điều tồi tệ nhất, tôi muốn chúng ta nhận thức được những thiệt hại khủng khiếp mà chiến tranh gây ra.

Hôm nay chúng ta hãy cùng nhìn lại một cuộc không kích quy mô lớn nhắm vào Tokyo, thủ đô của Nhật Bản.

Vào giai đoạn cuối của Thế chiến 2, Nhật Bản mất đi ưu thế trên không và thường xuyên bị không kích. Trong đó trận không kích vào ngày 10 tháng 3 năm 1945 hay còn gọi là đại không kích Tokyo diễn ra vào ban đêm gây cho quốc gia này rất nhiều thiệt hại.

Các vụ đánh bom chủ yếu được thực hiện ở trung tâm Koto, Sumida, Taito, bao gồm Chiyoda, Edogawa.


Khoảng 300 máy bay ném bom B29 thả hơn 330,000 quả bom lửa trong khoảng 2 giờ.

Bom lửa là bom đánh lửa chứa nhiên liệu, khá hiệu quả khi dùng ở khu dân cư Nhật Bản vì ở đây có nhiều kiến trúc bằng gỗ.

Trong vụ đánh bom kéo dài chỉ hai giờ, đã có hơn 100,000 người thiệt mạng và khoảng 1 triệu người bị thương. Dù quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng các cuộc không kích đã tấn công vào thủ đô Nhật Bản 106 lần vào cuối cuộc chiến. Thiệt hại lên tới con số 3,1 triệu dân.
Đây là hình ảnh Tokyo gần như bị thiêu rụi.

Tòa nhà hình tròn bên phải là thánh địa Sumo, Ryogoku Kokugikan, hiện tại nằm ở khu vực Sumida. Với bom lửa, nó không phá hủy kiến trúc bằng vụ nổ mà sẽ thiêu rụi.
Chính vì vậy những kiến trúc lớn sẽ vẫn còn diện mạo, nhưng những kiến trúc nhỏ sẽ cháy không còn vết tích, như thể bị xóa sổ vậy.
Và đây là Asakusa.

Thêm nữa, quân đồng minh cũng thực hiện các nghiên cứu về hiệu quả của việc phun khí độc ở Tokyo. Trong một Tokyo bị khói lửa bao vây, bà của tôi ôm hai đứa con trai nhỏ chạy trốn. Nhiều người khác cố gắng di tản đến những con sông để tránh sức nóng của ngọn lửa. Dòng người từ phía sau đổ tới trong sự hốt hoảng tột độ, đẩy cả người phía trước và đè bẹp họ.
Sáng hôm sau, một lượng lớn thi thể chết đuối nổi trên sông.

Nhà của bà tôi khi đó đã bị thiêu rụi, bà vẫn cố mang theo bộ Kimono quý giá để chạy trốn. Sau chiến tranh, bà phải bán Kimono lấy gạo nuôi con vì quá nghèo đói, nhưng vì giá nông sản leo thang, bộ Kimono quý giá của bà chỉ đổi được một nắm gạo. Bà của tôi vẫn còn nhớ chuyện khi đó, bà qua đời khi không có mấy ấn tượng tốt đẹp với người nông dân vùng ngoại ô Tokyo.

Chiến tranh xảy ra khi lợi ích quốc gia xung đột, nhưng nạn nhân bao giờ cũng là dân thường. Đất đai bị bom đạn tàn phá, cằn cỗi, muốn cạp đất mà ăn cũng chẳng thể.

Những người bị thiêu chết đương nhiên rất xấu số, nhưng những người còn sống cũng không thể gọi là may mắn khi cuộc sống sau đó của họ cũng chẳng khác gì địa ngục.

Và chính từ khát vọng sống mãnh liệt, họ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết hậu chiến.

Cuộc chiến nổ ra rốt cục là do ai, vì ai? Xâm lược một quốc gia khác là việc làm đúng đắn?

Sự xâm lược, công kích vũ trang chỉ khiến hận thù tiếp diễn, mà có hận thù ắt sẽ có phục thù.

Dưới đây là một bài thơ của tác giả tôi rất mực kính trọng, Mitsuo Aida.

奪い合えば足らぬ

わけ合えばあまる。

Tạm dịch

Tranh giành với nhau sẽ không đủ
Chia sẻ cùng nhau sẽ có dư

Đất đai trên hành tinh này là đủ nếu mọi người chịu hợp tác với nhau. Để có thể cùng nhau chia sẻ, cần phải từ bỏ các suy nghĩ phân biệt về biên giới, tôn giáo hay hệ tư tưởng. Tất nhiên để làm được điều đó có thể mất rất lâu, hoặc là không bao giờ.

Kengo Abe
Xem thêm: