Toribami – Thú ăn chơi thô tục của quý tộc Nhật Bản

Trước khi xuất hiện Samurai, Nhật Bản là một đất nước bình yên do giới quý tộc thống trị. “Bình yên” ở đây là từ dành cho giới quý tộc, không phải với dân thường. Một bộ phận quý tộc nắm quyền sống rất xa xỉ, trong khi phần lớn dân chúng vào thời Heian vô cùng nghèo đói.

Có một trò chơi rất thịnh hành thời đó có tên Toribami trong giới quý tộc. Là trò chơi quý tộc nhưng lại rất thô tục, thô tục đến mức tưởng chừng những kẻ tham gia không còn là người nữa. Trò chơi này điên rồ một cách khó hiểu, chỉ những kẻ dư tiền lắm quyền mới có thể nghĩ ra.

Toirbami là gì, trước khi giải thích tôi sẽ đề cập một thú gây nghiện của trẻ con Nhật Bản.

Khi bé, có nhiều đứa trẻ cố tình làm đổ cơm và khiến bố mẹ tức giận. Mục đích của chúng là đem cơm đổ đi rải ở sân cho chim ăn. Nhiều đứa thích nhìn bộ dạng đáng yêu của những chú chim khi dùng mỏ rỉa thức ăn.

Trở lại với câu chuyện, Toribami được viết là 鳥喰, đại khái có thể hiểu là ăn như chim. Cụ thể rải thức ăn thừa ra sân rồi không dùng tay mà chỉ “gắp” thức ăn bằng mồm. Đọc đến đây hẳn nhiều người đã cảm nhận được sự điên rồ của trò này rồi nhỉ. Chưa đâu, sự điên rồ không chỉ dừng lại ở phung phí thức ăn.

Đây là trò chơi phổ biến trong giới quý tộc thời Heian. Tất nhiên “thức ăn thừa” được sử dụng trong trò này cũng vô cùng xa xỉ.

Tuỳ vào số lượng khách quan đến dự tiệc mà số lượng món ăn sẽ thay đổi. Cụ thể 28 món dành cho thượng khách, 20 món cho quan lại quý tộc, ít nhất cũng có đến 8 món sơn hào hải vị.

Bữa tiệc đầy sang trọng này mang ý nghĩa của sự chào đón. Kể cả là người lớn ăn khoẻ cũng khó mà ăn hết được. Thức ăn thừa sẽ được dùng để chơi Toribami. Một mặt khác, những người dân thường đang sống trong nghèo khó, thậm chí chết đói vì mất mùa.

Đúng vậy, trong trò này quý tộc là khán giả, còn những “con chim” chính là dân thường. Khi có tín hiệu, người dân sẽ vào sân, đương nhiên họ đang đói meo. Tiếp theo khách khứa dùng đũa ném thức ăn ra sân cho những con người đói khát kia lao vào giành giật. Đám quý tộc không chỉ ném thức ăn về một hướng mà cố tình ném ở nhiều hướng khác nhau để “điều khiển đám chim” theo sở thích. Nhìn cảnh này bọn họ thích thú phá lên cười.

Theo “đạo đức” của quý tộc thời bấy giờ, hành động này được gọi là Segaki (quỷ đói), một dạng bố thí cho người dân.

Cùng là con người với nhau, nhưng quyền lực có thể tạo ra một khoảng cách xa đến vậy. Hay nói đúng hơn, những quý tộc kia ăn thức ăn do người dân cực khổ làm ra, chiếm đoạt rồi tự cho mình cái quyền “ban phát” theo cách xem thường, hạ thấp nhân phẩm của kẻ khác.

Rõ ràng một thời đại như vậy phải đi đến hồi kết. Thế nhưng dù là thời nào đi nữa, dẫu chúng ta biết rằng quyền lực nên đi kèm với trách nhiệm, thế nhưng thực tế quyền lực đi kèm với thối rửa, thoái hoá nhân cách. Dù ở quốc gia nào đi chăng nữa, dù ở thời đại nào đi chăng nữa cũng có những câu chuyện đáng buồn, đáng khinh như vậy.

Kengo Abe
Xem thêm: