Ước mơ của người bố 79 tuổi là lên được đỉnh núi Phú Sĩ

Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với độ cao 3776 mét, được rất nhiều người mong muốn chinh phục. Người cha 79 tuổi trong câu chuyện này có một nguyện ước, đó là “Leo lên đỉnh cao” của ngọn núi này.

Chính vì vậy, cậu con trai đã quyết định hỗ trợ cha mình trong hành trình chinh phục ước mơ. Dù bị chứng say độ cao, ông vẫn khao khát được đứng trên đỉnh Nhật Bản. Nơi đó có cảnh quan tuyệt đẹp mà ông chưa từng nhìn thấy.

Leo núi ở độ tuổi 80

Đó là lần đầu leo núi của ông Tsuneo Moriya (79 tuổi) đến từ thành phố Fukuyama, tỉnh Hiroshima. Vào ngày 23 tháng 7 năm 2017, lần đầu tiên trong đời ông quyết định leo núi Phú Sĩ trong một chuyến tham quan.

Dù đã bao nhiều lần đi xe đến trạm thứ 5, nhưng ông chưa bao giờ đi xa hơn thế. Chính vì vậy ông có một mơ ước sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh trên đỉnh núi vào năm 80 tuổi.

Ngày khởi hành cũng là từ trạm thứ 5.

Ông Tsuneo khi còn tại ngũ đã từng tham gia chạy Half marathon. Tuy là người cao tuổi nhất trong đoàn nhưng ông vô cùng tự tin vào thể lực của mình, mặc dù ông cũng không quen leo núi.

Cậu con trai Koichi (51 tuổi) của ông Tsuneo vì lo lắng đã bí mật phục kích tại điểm xuất phát, định cùng đồng hành với cha mình.

Ông Tsuneo lúc thấy con trai mình đã cười và nói “Cùng leo cũng tốt thôi, nhưng con không cần làm đến thế. Bố đã có một người hướng dẫn rất tốt rồi”.

Lúc đó, giấc mơ đã không thành hiện thực

Koichi nhớ lại “Kết cục thì lúc đó, bố tôi cũng không thể lên được tới đỉnh núi”.

Khi đoàn đang lên đỉnh núi để ngắm mặt trời mọc, trời lúc ấy vẫn tối đen như mực. Vì ông Tsuneo tuổi đã cao cũng như bị tai biến nên bị hướng dẫn viên yêu cầu ở lại trong lều. Mặc dù trong Mail gửi về cho con trai, ông viết “Chuyến đi rất thú vị” nhưng cậu con trai biết cha mình vẫn hối tiếc. Chính vì tự tin vào thể lực nên sự hối tiếc ấy lại càng lớn.

Ông Tsuneo mở lòng “Đúng là rất ức. Tôi muốn thử lại, nhưng mà đã 79 tuổi rồi. Không biết còn có thể làm đến khi nào”.

Koichi quyết định đưa cha lên núi để giải toả sự hối tiếc này. Ban đầu ông Tsuneo từ chối vì sợ làm phiền con trai, nhưng sau khi chứng kiến sự quyết tâm của con, ông đã xuôi theo.

Từ năm Koichi 18 tuổi, hai cha con không còn sống chung với nhau nữa, và chỉ gặp nhau từ 1-2 lần trong năm. Đó là chuyến đi đầu tiên của hai người họ.

Một tháng sau đó, ngày 25 tháng 8, hai người đã thử lại, ở tại trạm thứ 5.

Khởi đầu trót lọt nhưng đột ngột xảy ra sự cố

Chuyến hành trình của hai cha con khá thuận lợi ở phần mở đầu. Ở trạm thứ 6, Koichi vác luôn ba lô cho ông Tsuneo. Cho đến trạm thứ 7, tốc độ của họ đã nhanh hơn khoảng 40 phút.

Tuy nhiên ở những trạm sau, chứng say độ cao của ông Tsuneo bộc phát. Ông Tsuneo vẫn trò chuyện với con ở những trạm dưới, nhưng đến trạm thứ 8 ông chỉ im lặng. Ông cũng thường than rằng đau lưng dù bản thân không phải người hay phàn nàn. Thời gian nghỉ ngơi tăng lên, Koichi phải để cha nghỉ ngơi giữa lưng chừng núi và dùng đến bình Oxy di động.

Anh Koichi cho biết “Vì đã thất bại một lần nên tôi đương nhiên rất lo. Tôi nghĩ mình đã mắc sai lầm lớn khi đẩy tốc độ lên quá cao”.

Gần như bỏ cuộc

Hai cha con cố lên tới trạm thứ 9 ở độ cao 3600 mét, đỉnh núi đang ở rất gần.
Thế nhưng ông Tsuneo cũng đã đến giới hạn. Koichi băn khoăn có nên quay trở lại ga thứ 8 không, ở đó có một nhà nghỉ.

Thế nhưng trong lúc con trai còn đang bối rối, ông Tsuneo nói “Nhất định bố phải lên được tới đỉnh”.

Nghe thấy những lời này, Koichi quyết định sẽ tiếp tục chuyến hành trình. Bản thân Koichi cũng rất khổ, hai túi hành lý nặng khoảng 30 kg. Ngoài quần áo, anh còn chuẩn bị lượng lớn nước uống, thực phẩm và thuốc đề phòng. Koichi thích leo núi và trọng lượng với anh không thành vấn đề. Nhưng vừa leo vừa phải nắm và kéo ông Tsuneo lên là việc rất khó. Tuy vậy, cậu con trai vẫn cố gắng giành lời động viên bố.

Nhìn lên đỉnh núi, có một nhóm 3 thanh niên đang vẫy tay. Ông Tsuneo cho biết “Tôi rất vui, cảm thấy như mình mạnh mẽ hơn.

Giấc mơ thành hiện thực

Đỉnh núi ấy là thành quả từ sự cố gắng của cả hai cha con.

Lúc hai người lên đến đỉnh núi, trời vừa chạng vạng. Nhìn xuống chân núi có thể thấy Kagefuji, bóng núi trải dài trên mặt đất, một cảnh tượng kinh điển của ngọn núi cao nhất Nhật Bản.

Giây phút ấy ông đã nói với con trai rằng “Bố rất vui, đây sẽ là món quà lưu niệm mà bố mang xuống suối vàng”.

Vì thời gian leo núi của ông Tsuneo khá dài nên ông không được ghi danh trong kỷ lục những nhà leo núi trên 70 tuổi (tính theo tuổi mụ). Tuy nhiên ông Tsuneo đã nhìn thấy điều mà ông muốn thấy, thực hiện được giấc mơ, và trên hết, ông có thể làm điều này với con trai của mình.

Sacchan
Xem thêm: