60 năm chinh phục Thái Bình Dương của ”Thủy thủ nổi tiếng nhất Nhật Bản”

Vào một ngày cuối tuần cách đây 60 năm, chiếc thuyền buồm làm bằng gỗ ván ép của Horie gây chú ý khi xuất hiện ở vịnh San Francisco, Mỹ.

”Bạn đến từ đâu?”, William Fisher-  một thuỷ thủ Mỹ cũng ra khơi vào cuối tuần đó, hét lớn gọi người trên con thuyền.
”Osaka”, người ngoại quốc nhỏ bé, điển trai đáp.

Kenichi Horie chuẩn bị vượt biển ở thành phố Tiburon, bang California, ngày 25/03. Ảnh: Bay Area News Group.

Đó là Kenichi Horie hồi 23 tuổi, thuỷ thủ nghiệp dư quốc tịch Nhật Bản, người đã hoàn thành hành trình dài 8,481 km từ cảng Nishiomiya, Osaka đến Cổng Vàng, bờ Tây nước Mỹ bằng thuyền buồm vào ngày 12/8/1962. Vào thời điểm đó, chưa có ai thực hiện một chuyến đi như vậy.

Chiếc thuyền Mermaid mà Horie sử dụng trong 94 ngày lênh đênh trên biển rất đơn giản. Horie đã băng qua Thái Bình Dương chỉ bằng cách sử dụng một chiếc kính lục phân (một dụng cụ phản chiếu trong ngành hàng hải để đo khoảng cách góc giữa hai vật thể), mà ông đã học sử dụng trong thời gian tham gia câu lạc bộ chèo thuyền tại trường trung học.

Thuỷ thủ người Nhật thực hiện chuyến đi vào thời điểm thực phẩm đông khô chưa được phát minh. Ông sống bằng gạo, đồ hộp mang theo và cá đánh bắt được trên biển. Ông cũng mang theo nước uống, một chút rượu sake và 60 chai bia Asahi.

Horie đã uống một cách tiết kiệm đến nỗi ông vẫn còn lại vài chai bia sau khi kết thúc cuộc hành trình. Ông cũng mời các phóng viên uống khi họ tới phỏng vấn tại bến tàu ở San Francisco.

Không tiền, không hộ chiếu, không thị thực, và vốn tiếng Anh hạn chế, Horie khi đó bị kết luận đến Mỹ bất hợp pháp. Tuy nhiên cuộc hành trình của ông đã mang đến một luồng gió mới cho San Francisco.

Kenichi Horie đứng trên boong một con thuyền ở San Francisco vào ngày 12/8 năm 1962 sau khi hoàn thành chuyến vượt biển đầu tiên. Ảnh: NPS.

Thị trưởng thành phố khi đó là George Christopher đã sắp xếp cấp thị thực nhằm vinh danh sự dũng cảm của ông.

Ở quê nhà, người Nhật cũng ca ngợi ông là nhà thám hiểm táo bạo, thuỷ thủ nổi tiếng nhất Nhật Bản, hay thậm chí là một anh hùng. Chuyến đi của Horie được ví như ”một nỗ lực cá nhân kiến tạo hoà bình trong chính sách ngoại giao thời hậu chiến”.

Bộ phim mang tên “Một mình vượt Thái Bình Dương” được ra mắt sau hành trình của Horie 1 năm, dựa trên cuốn sách do ông viết.

Chiếc thuyền ”Nàng tiên cá” của Horie sau đó được trưng bày tại Công viên Lịch sử Quốc gia Hàng hải San Francisco.

Morgan Smith, quản lý của công viên cho biết: ”Câu chuyện của ông ấy đã truyền cảm hứng cho nhiều thuỷ thủ Mỹ”.

Tuy nhiên, một chuyến đi không thể thoả mãn người đàn ông này. Trong 60 năm sau đó. Horie tiếp tục thực hiện các chuyến vượt Thái Bình Dương.

Năm 1989, ông hoàn thành chặng San Francisco – Nishiomiya, Nhật Bản, trong 137 ngày trên một con thuyền dài 2,8m. Năm 1992, ông chinh phục chặng Hawaii – Okinawa dài 4,816 km bằng thuyền đạp chân.

Năm 1999 ông tiếp tục trở về Nhật từ bờ Tây nước Mỹ trên một chiếc thuyền làm từ 528 bom bia bằng nhôm, và quay ngược trở lại bằng con thuyền tái chế từ thùng rượu whiskey 3 năm sau đó.

Kenichi Horie ngắm nhìn “Nàng tiên cá” mà ông sử dụng trong chuyến đi đầu tiên vượt Thái Bình Dương, tại Công viên Lịch sử Quốc gia Hàng hải San Francisco. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Kenichi Horie được ghi danh trong sách kỷ lục Guinness thế giới, với tư cách là người vượt qua Thái Bình Dương nhanh nhất bằng thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời.

Chính phủ Ecuador đã lấy tên ông đặt cho một mũi đất ở quần đảo Galapagos ngoài khơi bờ biển của nước này.

Một người bạn của Horie là Ken Dota năm 2012 cho biết thuỷ thủ người Nhật đang tiết kiệm cho chuyến hành trình tiếp theo. Khi đó Horie đã bước sang tuổi 73.

”Tôi nghĩ Horie đang tiết kiệm cho một chuyến đi khác. Tôi tin rằng ông ấy muốn trở thành người đàn ông lớn tuổi nhất đi thuyền một mình vòng quang thế giới”, Ken Dota nói.

10 năm sau, vào lúc 10h sáng ngày 26/3, Horie trở thành người cao tuổi nhất nỗ lực một mình vượt biển Thái Bình Dương bằng thuyền, bắt đầu hành trình trở về Nhật Bản ở độ tuổi 83.

Lần này không còn những con thuyền tái chế hoặc làm bằng ván ép, Horie sử dụng ”Nàng tiên cá” đời thứ 3 được tuỳ chỉnh phù hợp với thể trạng và chiều cao 1m52 của ông.

Đây là chiếc thuyền có ”độ hoàn hảo cao nhất” trong các thuyền mà ông từng lái’. Ông đã lên kế hoạch đọc sách, nghe đài radio bất cứ khi nào rảnh rỗi mà không phải điều khiển chiếc thuyền.
”Không có gì đáng ngại cả”, Horie trả lời câu hỏi về mối lo ngại trước hành trình dài vượt biển một mình. ”Có lẽ đó chỉ là tuổi già”.

yuk
Xem thêm: