Một nhà nghiên cứu về chim ở Nhật Bản chứng minh chim có thể sử dụng từ ngữ, ngữ pháp trong giao tiếp

Một nhà nghiên cứu về chim người Nhật Bản, nghiên cứu về các loài chim thường sống ở khu rừng và công viên ở nước này, lần đầu tiên chứng minh rằng chim có thể giao tiếp bằng cách sử dụng từ ngữ và ngữ pháp.

Toshitaka Suzuki 38 tuổi là một giáo sư tại Trung tâm Hakubi thuộc Đại học Kyoto. Anh nghiên cứu về giao tiếp của động vật, cụ thể là loài chim bạc má Nhật Bản trong suốt 16 năm qua.

Suzuki bắt đầu nghiên cứu chim bạc má Nhật Bản khi còn là sinh viên năm 2 của Viện Khoa học tại Đại học Toho. Trong một lần đi vào khu rừng ở Karuizawa, tỉnh Nagano, anh chứng kiến một con chim đầu đàn đột nhiên kêu tiếng “hee-hee” đặc biệt, và cả đàn đồng loạt cất cánh. Ngay sau đó là sự xuất hiện của một con diều hâu phía trên bầu trời, kẻ thù của loài chim này.

Suzuki bị thuyết phục rằng chim bạc má Nhật Bản sử dụng nhiều cách giao tiếp khác nhau. Kể từ đó anh sử dụng khu rừng như ”phòng thí nghiệm” của mình để nghiên cứu loài chim này.
Mỗi năm anh dành từ 6 đến 8 tháng trong rừng, và ở đó trong suốt 16 năm.

Điều đầu tiên mà nhà nghiên cứu Suzuki làm là chứng minh những chú chim cũng sử dụng từ ngữ. Anh thử nghiệm với ý tưởng là đặt một con rắn nhồi bông trong lớp da rắn thật bên dưới tổ chim để quan sát và xác nhận trong trường hợp này, tiếng kêu đặc trưng của chim để cảnh báo về con rắn là “jar-jar”.

Điều đặc biệt là loài chim này không kêu như vậy với những kẻ thù được nhồi bông khác, chẳng hạn như diều hâu.

Tiếp theo anh dùng loa đã được ghi âm phát tiếng kêu “jar-jar” và những con chim nhanh chóng nhìn phía dưới tổ, trên mặt đất để xem có rắn hay không.

Tuy nhiên, chỉ điều này chưa đủ để chứng minh “jar-jar” là một từ cảnh báo bởi vì chim có xu hướng phản xạ nhìn xuống.

Sau đó anh nảy ra một ý tưởng khác. Suzuki lấy cây gậy buộc vào sợi dây, treo nó lên thân cây, và cho âm thanh “jar-jar” phát ra từ loa khi cây gậy chuyển động, giống như một con rắn đang trèo lên thân cây.

Trong hầu hết những lần thí nghiệm, chim đều chú ý đến cây gậy khi âm thanh “jar-jar” vang lên và kiểm tra xem có phải rắn thật hay không.

Với những tiếng kêu khác, hành vi này hầu như không xuất hiện. Do đó anh lý giải rằng khi nghe thấy tiếng “jar-jar”, chim bạc má Nhật Bản cho rằng có một con rắn ở gần chỗ chúng và đã nhầm chiếc gậy với loài bò sát này.

Kết quả nghiên cứu của Suzuki đã được công bố trên các báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa kỳ vào năm 2018. Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh động vật có sử dụng từ ngữ.

Suzuki cũng đã nghiên cứu xem chúng có sử dụng ”ngữ pháp” hay không. Trọng tâm nghiên cứu của anh là âm thanh “pee-tsupi” (cảnh giác) và “ji-ji-ji-ji” (tập trung xung quanh), đây là 2 tiếng kêu mà loài này phát ra khi chúng đuổi kẻ thù.

Khi nghe thấy những âm thanh như vậy, đàn chim sẽ tập trung lại gần và đe doạ kẻ thù, đồng thời không quên quan sát xung quanh.

Tuy nhiên, nếu thứ tự của 2 tiếng kêu trên được đổi lại thành “ji-ji-ji-ji pee-tsupi”, đàn chim không có vẻ gì là cảnh giác, cũng như không tụ tập lại. Suzuki nghĩ rằng chúng có thể nhận biết nghĩa của tiếng kêu thông qua trật tự từ, chính là ngữ pháp.

Đã có rất nhiều báo cáo về việc động vật có thể sử dụng ngôn ngữ riêng, nhưng nó chưa được chứng minh một cách khoa học. Suzuki cho biết: ”Nghiên cứu về ngôn ngữ của động vật không có tiến triển tốt, khả năng do nhận định cho rằng con người hoàn toàn khác biệt so với các loài động vật khác. Tôi hy vọng phương pháp của mình có thể được sử dụng như một tư liệu tham khảo cho nghiên cứu sâu hơn về các loài động vật khác”.

Mục tiêu trong tương lai của anh Suzuki là tạo ra một lĩnh vực ”ngôn ngữ động vật”, để giúp mọi người hiểu sâu hơn về cách động vật giao tiếp với nhau.

yuk
Xem thêm: