Cuộc chiến của người đàn ông Fukushima, giữ lại quê hương trên bản đồ và trong ký ức

Konno Yoshito là một trong số hàng chục nghìn người Fukushima buộc phải rời bỏ nhà cửa khi các lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi gặp sự cố. Mười một năm trôi qua, anh vẫn chưa thể trở về, nhưng anh quyết tâm không để hình ảnh về quê hương phai nhạt trong ký ức của mọi người.

Hầu như hàng tháng, Konno đều lái xe hơn 100 km từ nơi sơ tán về quê cũ ở tỉnh Fukushima. Người đàn ông 77 tuổi này là lãnh đạo cộng đồng ở Akogi, một trong những khu vực bị ô nhiễm nặng nhất mà Chính phủ gọi là khu vực “khó quay trở lại”.

Người này cần phải xin phép nhân viên Chính phủ mỗi lần đến thăm và không được phép ở lại qua đêm.

Konno đã thực hiện sứ mệnh của mình là thông báo cho những người dân đã di dời về mức độ bức xạ xung quanh nhà của họ. Người đàn ông đến thăm từng hộ gia đình trong số 80 hộ, cầm trên tay máy đo liều lượng và gửi kết quả cho chủ sở hữu. Các chỉ số có sự chênh lệch đáng kể giữa các nhà, nhưng hầu hết vẫn còn quá cao để có thể dỡ bỏ lệnh sơ tán.

Konno nói: “Nhiều người rất lo lắng về căn nhà cũ. Tôi nhận ra rằng thông báo cho họ về mức độ bức xạ sẽ không giúp họ yên tâm hơn, nhưng tôi nghĩ họ tốt hơn vẫn nên biết”.

Những “không gian trống”

Một số phần của các khu vực “khó quay trở lại” đã được tuyên bố là “căn cứ tái thiết” và là trọng tâm của công tác tẩy độc. Chính phủ có kế hoạch dỡ bỏ lệnh sơ tán cho những khu vực này trong năm nay hoặc năm sau. Tuy nhiên, ở những nơi khác, rất ít các hoạt động được chỉ đạo thi hành. Người dân địa phương gọi những khu vực này một cách chế nhạo là “những khoảng không gian trống”, nơi ông Konno từng sống là một trong số đó.

Năm ngoái, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu mới cho phép mọi người quay trở lại những “khoảng trống” vào cuối thập kỷ này. Ngay cả khi đến thời hạn, không có nghĩa là các thị trấn và làng mạc sẽ hồi sinh. Các nhà chức trách chỉ có kế hoạch khử nhiễm các khu vực cụ thể mà người dân dự định quay trở lại, và những người dân đã di dời lo ngại về kết quả khử nhiễm là không đủ tốt để họ có thể tái định cư.

Hành trình “ghi lại quê hương”

Ngay sau vụ tai nạn hạt nhân, một quan chức Chính phủ đã nói với Konno một câu, khiến ông ám ảnh đến tận bây giờ.

“Nếu không thể thực hiện các công tác, có thể mọi người sẽ không thể trở lại trong hơn 100 năm”.

Ông lo lắng rằng Chính phủ sẽ mất quá nhiều thời gian, và quê hương của ông có thể sẽ biến mất khỏi bản đồ, và tệ hơn là bị xoá xổ trong ký ức của những người dân trước kia từng sống ở đó. Vì vậy, từ tám năm trước, ông đã bắt tay vào việc “ghi lại quê hương”, làm nguồn tài liệu cho những đứa trẻ có gốc gác Fukushima ra đời trong các thời kỳ sau.

Đầu tiên, ông thu thập lời khai từ những cư dân di dời, bao gồm cả kinh nghiệm của họ sau vụ tai nạn hạt nhân.

“Tôi muốn cho mọi người xem tác phẩm của mình khi nó hoàn thành”, Konno nói: “Đáng tiếc là một số đã biến mất”.

Ông đã rủ những người dân địa phương khác tìm hiểu lịch sử của Akogi và phát hiện ra một điều khiến ông phải suy ngẫm.

Khu vực này đã trải qua một số nạn đói do thiên tai gây ra và cũng là nạn đói tồi tệ nhất vào thế kỷ 18. Một trong những người cùng nghiên cứu với Konno cho biết: “Những người ở đây đã sống sót sau nạn đói đó. Nhưng không ai ở lại Akogi sau thảm họa hạt nhân. Tôi không thể vượt qua khoảng cách giữa hai kết quả này. Nó đơn giản là vô lý.”

Thông điệp gửi cho hậu thế

Konno sẽ phát hành nghiên cứu của mình dưới dạng một cuốn sách vào cuối năm nay. Cuốn sách dự kiến sẽ có hơn 700 trang dữ liệu quan trắc phóng xạ, lời khai của người dân và lịch sử của khu vực.

Ông đặt tiêu đề cho cuốn sách là “Gửi đến hậu duệ của chúng ta, 100 năm kể từ bây giờ”.

“Thế hệ của tôi có thể không thể trở về nhà. Chúng tôi đã quá già. Nhưng tôi hy vọng rằng thế hệ con cháu của chúng tôi, những người đã đọc cuốn sách của tôi sẽ quay trở lại khu vực xinh đẹp này và một lần nữa cấy cày trên mảnh đất quê hương”.

Cây mận báo hiệu mùa xuân về. Konno hy vọng biên niên sử của mình sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử của Akogi.

 

Sacchan
Xem thêm: