Bạn biết gì về nguồn gốc của từ “cúp học” trong tiếng Nhật?

Các cuộc đình công hàng loạt, nguyên nhân của 8 tiếng làm việc tiêu chuẩn mỗi ngày và sự thịnh hành của các từ nước ngoài vào đầu thế kỷ 20 – tất cả đã dẫn đến sự ra đời một từ tiếng Nhật phổ biến nhưng không phải ai cũng biết đó là từ mượn tiếng nước ngoài.

Tuổi trẻ có ai chưa từng “cúp học”. Đây không chỉ là hành động bồng bột của sự lười biếng, cám dỗ mà còn là một phần ký ức khá thú vị trong thời trẻ của nhiều người. Bạn có biết “cúp học” trong tiếng Nhật là gì không?

Đó là động từ Saboru (サボる).

Saboru là một khái niệm đơn giản. Là một động từ, Saboru mô tả hành động cúp học/cúp việc.

Ví dụ: 「ちょっと数学サボって、ゲームしようか?」
Cúp học toán chơi Game không?

Saboru cũng có thể danh từ là sabori (サボり).

Tóm lại đây là một từ khá cơ bản mà nếu bạn học tiếng Nhật đến trình độ nhất định, chắc chắn đã quá quen thuộc.

Nhưng bài hôm nay không phải giới thiệu từ vựng mà cùng nhau tìm hiểu vào nguồn gốc hấp dẫn của từ này.

Từ cách viết サボる, hẳn nhiều người có thể hiểu đây là một từ mượn, do có sự xuất hiện của Katakana. Thế nhưng điều này ngay cả người bản địa không phải ai cũng biết. Nguồn gốc của từ này là vào đầu thế kỷ 20, gian đoạn của các cuộc đình công, thời kỳ hiện đại hoá và những phong trào đòi quyền công dân cho tầng lớp lao động.

Đúng vậy, từ chỉ hành động “cúp học” rất thiếu chuyên nghiệp vốn dĩ là một từ mang tính cách mạng, liên quan trực tiếp đến tiêu chuẩn làm việc 8 tiếng/ngày, và cho thấy sự phản đối trực tiếp vào hành vi bóc lột lao động.

Bối cảnh lịch sử

Cuộc Duy Tân Minh Trị 1868-1869 đã mở ra vô số sự thay đổi trong xã hội Nhật Bản, không đơn thuần chỉ trong ngôn ngữ. Hệ thống kinh tế thay đổi nhanh chóng, các nhà máy kiểu Tây mọc lên như nấm để thay đổi phong cách sản xuất đã lạc hậu. Để có thể sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như lụa cần thành lập các xí nghiệp quy mô lớn hoạt động dây chuyền và sử dụng các công nghệ mới.

Nhật Bản khi đó có nguồn nhân lực chủ yếu làm trong ngành nông nghiệp. Kể cả vào thời Minh Trị thì số khu vực nông thôn vẫn áp đảo khu vực thành thị, nhưng những thay đổi lớn đang diễn ra. Khi đó, và cả đến bây giờ, người nông dân tham gia các công việc phụ trong thời kỳ không có mùa hoa màu như nấu rượu Sake hoặc chạm khắc công cụ. Nông dân cũng đi đến khu thành thị hoặc các bến cảng để làm các công việc kiếm thêm theo mùa. Tuy nhiên kể từ khi có những biến đổi, những nhà máy hoạt động theo quy trình ngày càng phổ biến, họ hy vọng tuyển nhân viên nhà máy full-time. Người nông dân khó tìm việc kiếm thêm thu nhập, và con cái của họ, nếu chọn làm việc ở thành phố sẽ phải chuyển đến sống ở đó luôn với tư cách là nhân viên nhà máy.

Năm 1912, hoàng đế Minh Trị qua đời. Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu vào năm 1914, chỉ hai năm sau khi hoàng đế Đại Chính lên ngôi. Nhờ khối đồng minh của mình, Nhật Bản không chỉ chiếm được cả một cảng ở Trung Quốc và một vùng đất rộng lớn của Micronesia từ tay Đế quốc Đức mà còn được hưởng lợi rất nhiều lợi ích về kinh tế. Cùng với việc thương mại và sản xuất của châu Âu rơi vào tình trạng đổ nát, Nhật Bản bước chân vào để lấp đầy khoảng trống xuất khẩu toàn cầu. Nền kinh tế phát triển vượt bậc. Ngày càng có nhiều nhà máy mọc lên, và một làn sóng tân cổ điển gọi là narikin (成金) đã tạo nên vận may cho quốc gia này.

Tất nhiên sự phát triển này có thể hiểu theo nghĩa tích cực. Nhưng điều này cũng giúp người lao động Nhật Bản cảm nhận rõ hơn về bản sắc giai cấp, đi kèm với mong muốn được khẳng định quyền lợi. Từ năm 1916-1917, số cuộc bãi công trên toàn quốc tăng gấp 04 lần (398 cuộc đình công).

Tất cả điều này đưa chúng ta đến năm 1919, tại thành phố cảng Kobe.

Kobe là một thành phố mới nổi từ những năm 1910. Mặc dù cảng Kobe được xem là nơi giao thương quan trọng trong một nghìn năm, bản thân thành phố chỉ mới ra đời vào năm 1889. Trước đây khu vực bị chia cắt giữa các lãnh địa phong kiến khác nhau, cảng quan trọng nhất thuộc sở hữu của nhà Tokugawa.

Việc bãi bỏ hệ thống các Phiên (thái ấp phong kiến) đã khiến khu vực này thuộc quyền sở hữu của tỉnh Hyogo, và từ đó thành phố Kobe ra đời. Nơi đây trở thành một địa điểm quan trọng, nơi du nhập hầu hết các hiện vật văn hoá nước ngoài như đánh Golf, nhạc Jazz, phim ảnh và cả…đình công lao động.

Kobe nổi lên như một thành phố cảng công nghiệp hiện đại lớn trong thời Minh Trị và Đại Chính. Nó cũng đóng vai trò chủ nhà cho một trong những ngành công nghiệp mới nổi chính của đất nước: đóng tàu. Vào những năm tàn lụi của Thế chiến I, có 30.000 người trong thành phố làm việc trong ngành đóng tàu. Những công nhân này đại diện cho 5% dân số toàn thành phố. Hai công ty đóng tàu đặc biệt nổi bật: Kawasaki Dockyard và The Kobe Shipyard của Mitsubishi Goshi Kaisha. Kawasaki được điều hành bởi Matsukata Kojiro, một tín đồ của nghệ thuật phương Tây, sinh ra là một Samurai của phiên Satsuma hùng mạnh và được đào tạo ở nước ngoài.

Nhân viên làm trong ngành công nghiệp đóng tàu được trả lương cao, ít nhất là theo tiêu chuẩn của những người lao động đương thời. Nhiều người trước đây là nông dân, có ý thức tự chủ mạnh mẽ và ý thức về tầm vóc xã hội nhất định trong số những người lao động khác. Đến năm 1919, họ thậm chí đã tách khỏi liên đoàn lao động quốc gia Yuaikai để thành lập công đoàn địa phương của riêng họ có tên Kansai Rodo Domeikai, nhằm tiếp tục thiết lập quyền tự chủ.

Năm 1919, lương tại Nhà máy đóng tàu Kawasaki vẫn khá tốt. Vấn đề là khi chiến tranh kết thúc, giá bắt đầu tăng trên diện rộng. Tiền lương cũ không còn đủ để thoả mãn lối sống của công nhân xưởng đóng tàu nữa. Chỉ một năm trước, giá gạo tăng đáng kinh ngạc đã gây ra bạo loạn hàng loạt trên khắp đất nước, khiến Chính phủ của Thủ tướng Masatake Terauchi bị hạ bệ.

Trong tình hình đầy biến động, vào tháng 4 năm 1919, Kansai Rodo Domeikai tổ chức đại hội đầu tiên, đề ra các mục tiêu mới bao gồm việc thiết lập mức lương tối thiểu, dân chủ hóa các nhà máy, trả lương bình đẳng giữa các giới – và ngày làm việc 8 giờ.

Thủ tướng đương thời là Matsukata biết về tình trạng bất ổn của các công nhân Xưởng đóng tàu Kawasaki. Vào đầu năm, ông ta đã hứa cho họ một khoản thưởng đặc biệt – nhưng sáu tháng trôi qua, vẫn chưa thấy đâu cả. Chẳng bao lâu sau, sự tức giận của các công nhân đã đến đỉnh điểm. Vào ngày 15 tháng 9, một đại diện cho nhóm người lao động đã đệ trình văn bản kiến ​​nghị đòi lương cao hơn. Hai ngày sau, Matsukata chính thức gặp người đại diện để thảo luận về các yêu cầu. Một lời hứa chắc chắn về việc tăng thu nhập đã không được đưa ra. Công đoàn xác định rằng đã đến lúc phải đình công. Một nghìn sáu trăm nhân viên của Kawasaki Dockyard đã bỏ việc.

Trở lại với vấn đề ngôn ngữ được đặt ra ở đầu bài, trong tiếng Nhật, từ “đình công” được thể hiện thông qua một từ mượn có nguồn gốc tiếng Anh: ストライキ (sutoraiki). Bạn chú ý để không nhầm lẫn từ này với một từ mượn tiếng Anh khác là ストライク (sutoraiku), là thuật ngữ bóng chày “Strike”.

Trong cuộc đình công của các nhân viên xưởng đóng tàu Kawasaki năm 1919, hành động của họ được diễn đạt bằng từ sabotage (hành vi âm mưu phá hoại) mà khi chuyển sang phiên âm tiếng Nhật ta có từ サボタージュ, sabotaaju.

Matsukata là người đã có nhiều thời gian ở nước ngoài, ông nhận thức được cách thế giới đang diễn ra. Với áp lực gia tăng từ cuộc đình công, ông quyết định thực hiện một bước đi chưa từng có đối với Nhật Bản. Vào ngày 27 tháng 9, ông đưa ra thông báo: “Từ tháng 10 năm 1919, hệ thống ngày làm việc 8 giờ sẽ có hiệu lực, và nhân viên sẽ được trả mức lương tương tự như thời gian làm việc trước đó”. Đối với những người lao động, đây là kết quả họ không ngờ đến.

Mặc dù Hiệp ước Versailles đã kết thúc Thế chiến I chỉ vài tháng trước đó, kêu gọi một ngày làm việc kéo dài 8 giờ, nhưng điều này vẫn chưa được thực hiện triệt để ở bất kỳ công ty lớn nào tại Nhật Bản. Hồ sơ công đoàn cho thấy phản ứng của công nhân là vô cùng hào hứng, phấn khởi. Cuộc bãi công năm 1919 đã kết thúc; các công nhân đã chiến thắng.

Bức tưởng ở Kobe nhằm tưởng nhớ thắng lợi của cuộc đình công đem lại thời gian làm việc 8 giờ/ngày tiêu chuẩn.

Tin tức về thắng lợi này xôn xao trên cả nước. Trong năm đó, hơn 200 công ty Nhật khác áp dụng ngày làm việc 8 tiếng. Năm 1920, nhà báo Murashima Yoriyuki xuất bản bài báo có tên サボタージユ – 川崎造の真相, tạm dịch: Sabotage – Sự thật về nhà xưởng đóng tàu Kawasaki). Chẳng bao lâu, từ này đã được rút ngắn và trở thành động từ phổ biến tồn tại cho đến ngày nay – saboru.

Trở thành một từ thông dụng trong thời hiện đại

Khi chiến tranh kết thúc, saboru đã là một phần của từ điển tiêu chuẩn tiếng Nhật trong nhiều thập kỷ. Từ này vẫn tồn tại sau những năm chiến tranh hỗn loạn, khi các từ nước ngoài bị kotabagari – kiểm duyệt ngôn ngữ.

Saboru dần dần mang một ý nghĩa bình dị hơn nhiều so với bối cảnh ban đầu của nó. Từ này hiện tại chỉ sự lười biếng, chơi bời thay vì làm điều cần phải làm.

Dù tiêu chuẩn làm việc ngày 8 tiếng đã có từ lâu trong xã hội Nhật Bản, chúng ta cũng biết nước Nhật là quốc gia nổi tiếng về bóc lột lao động, với một cụm từ phổ biến khác là karoshi (過労死) – chết vì kiệt sức do công việc. Từ này phản ánh một thực trạng trong đời sống lao động của người Nhật, dành nhiều giờ làm việc không hiệu quả trong thời gian chính, bị mắc kẹt tại bàn làm việc kể cả sau khi tan làm vì vô số lý do, chưa hoàn tất công việc, sếp chưa về, sợ bị đánh giá thấp hơn một nhân viên khác,…Chính vì vậy, trong một môi trường làm việc mà thời gian cá nhân của bạn không được tôn trọng, mọi người sẽ tìm cách lấy lại khoảng không gian, thời gian riêng tư ấy qua hành động Saboru.

Và chừng nào sự khắc nghiệt, sự thiếu tự giác hay cảm giác áp lực khi đi làm, đi học vẫn còn tồn tại, thì Saboru sẽ vẫn còn được sử dụng dài dài…

Sacchan
Xem thêm: