Câu chuyện về những con quạ ở Tokyo và sự thay đổi trong tư duy xử lý rác thải của người dân thủ đô

Từ trước đến nay, những con quạ mang đến hình ảnh không mấy tốt lành, đặc biệt chúng còn là một mối phiền phức theo đúng nghĩa đen (chứ không riêng gì chuyện tâm linh) khi xuất hiện rất nhiều ở trung tâm Tokyo. Thế nhưng hiện tại vấn đề này đang dần cải thiện.

Đã khoảng 20 năm kể từ khi Tokyo thực hiện các biện pháp “đuổi quạ”, và số lượng quạ tập trung ở đây đã giảm xuống 1/3. Đây cũng là minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy xử lý rác thải của người dân.

Một người đàn ông 64 tuổi, chủ điều hành cửa hàng tổng hợp ở khu Ginza, hồi tưởng lại thành phố vào nửa cuối những năm 90 “Mỗi sáng, các túi rác để sau cửa hàng bị rách, thức ăn thừa rơi vãi lung tung, đến mức không thể đi bộ trên đường được”. Bây giờ mỗi cửa hàng đều có thùng rác nắp đậy. Rác được thu gom từ 02 giờ sáng, và cũng chẳng còn bóng dáng con quạ nào nữa.

Số lượng quạ ở trung tâm thành phố tăng lên đáng kể từ những năm 1980, lên đỉnh điểm vào khoảng năm 2000. Trong năm 2001, Chính quyền Tokyo nhận được tổng cộng 3754 lời phàn nàn về việc túi rác bị quạ chọc rách, tiếng quạ kêu ồn ào ám ảnh, thậm chí có người còn bị quạ tấn công. Đây trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng lúc bấy giờ.

Vào tháng 9 năm 2001, Tokyo thành lập “Đội dự án chống quạ” dưới sự điều hành của Thống đốc đương thời là Shintaro Ishihara. Đội đã điều tra 40 khu vực và xác nhận tổng cộng 36,400 con quạ sinh sống.

Ngoài việc kêu gọi Chính quyền địa phương thu gom rác thải thực phẩm vào sáng sớm, đội cũng bắt đầu loại bỏ quạ bằng cách dùng bẫy. Quận Suginami đề xuất bán một loại túi màu vàng khó nhìn thấy bên trong, có tẩm thành phần chất cay mà quạ không thích.

“Nhóm nghiên cứu chim thành thị” kiểm tra dân số quạ 5 năm một lần tại Meiji Jingu (phường Shibuya), nghĩa trang Toshimagaoka (phường Bunkyo), và Viện nghiên cứu thiên nhiên trực thuộc Bảo tàng Khoa học Quốc gia (phường Minato). Lần điều tra đầu tiên vào năm 1985, số lượng quạ là 6737 con, đến năm 1990 lại tăng khoảng 1,6 lần (10863 con). Nguyên nhân của sự gia tăng này có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng rác thải. Theo “Lịch sử 100 năm của Dự án làm sạch Tokyo”, số lượng rác thu được vào năm 1985 ở 23 phường là khoảng 3,97 triệu tấn, nhưng năm 1990 đã tăng khoảng 20% ​​(khoảng 4,8 triệu tấn). Koichi Karasawa (78 tuổi) thuộc nhóm nghiên cứu phân tích rằng “một lượng lớn thức ăn thừa tràn lan trên các đường phố của trung tâm thành phố do tăng trưởng kinh tế. Quạ sinh sản vì lượng thức ăn của chúng vô cùng dồi dào”.

Theo một số chuyên gia, rác có liên quan sâu sắc đến nguyên nhân giảm số lượng quạ.

Lượng rác giảm dần kể từ những năm 1990 do ảnh hưởng của việc thu phí rác đối với các cơ sở kinh doanh. Năm 2001, thành phố thu gom 3,52 triệu tấn, năm 2008 chỉ còn 2,55 triệu tấn.

Người dân cũng sử dụng lưới ngăn chim cùng với thùng rác có nắp đậy. Lượng rác mà chim ăn được cũng giảm xuống. Trong tương lai, nếu các biện pháp được thực hiện chặt chẽ hơn nữa, số lượng quạ dự kiến sẽ giảm mạnh. Thế nhưng quạ ăn xác động vật nhỏ và phát tán hạt của cây nhờ ăn và thải ra ngoài, vì vậy nếu hạn chế số lượng quá mức có thể làm phát sinh các vấn đề vệ sinh cũng như ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Hajime Matsubara, phó giáo sư được bổ nhiệm đặc biệt tại Bảo tàng Đại học Tokyo, ông đã nghiên cứu về quạ trong hơn 20 năm, chỉ ra rằng “Số lượng quạ tăng nếu bạn thải nhiều rác ra tự nhiên, và giảm nếu bạn có ý thức tốt trong việc gom rác. Có thể nói rằng vấn đề quạ phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử của con người”.

Hầu hết các loài quạ sống ở Nhật là Quạ rừng (Corvus macrorhynchos) và Quạ Carrion. Chúng ăn trái cây, côn trùng và động vật nhỏ, nhưng cũng thích ăn thực phẩm có nhiều chất béo và dầu như Mayonnaise và khoai tây chiên.

Quạ thích tắm hằng ngày và thích cọ mỏ vào cành cây để đánh bóng. Nhiều cá thể kiếm ăn trong khoảng từ bình minh cho đến khi trời sáng rõ, và tụ tập ở các mái nhà, công viên, Đền thờ về đêm. Quạ làm tổ bằng cách dùng mỏ uốn cành, đẻ trứng từ tháng 3 và tháng 4, mỗi lần khoảng 4 hoặc 5 quả trứng. Hãy cẩn thận vì quạ có thể rất hung dữ khi bạn đến gần tổ của chúng.

Sacchan
Xem thêm: