Tìm hiểu về lịch sử phá thai ở Nhật, tình hình của nước này với các quốc gia phát triển khác

Hôm nay hãy cùng nhìn lại cách mà người Nhật nhìn nhận về phá thai qua từng thời kỳ, từ những yêu cầu tài chính và những hiểu biết liên quan đến quyền phụ nữ.

Đây có thể không phải là một đề tài lịch sự để bàn tán trong xã hội, nhưng nạo phá thai ở Nhật Bản đã tồn tại từ rất lâu. Vào thời kỳ đầu, nguyên nhân chính của việc phá thai đến từ nạn đói, nghèo và các vấn đề sức khoẻ. Trong thời kỳ Edo, mang thai là gánh nặng đối với những phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. Do đó không phải bất thường khi nhiều phụ nữ xem việc mang thai là một sự bất tiện, và phá thai là cần thiết.

Tuy nhiên thời đó không có các biện pháp tránh thai cũng như phá thai đúng cách. Thêm vào đó là sự nghèo đói và thiếu khả năng tiếp cận đến các biện pháp an toàn thường đẩy phụ nữ muốn phá thai vào các tình huống nguy hiểm. Các biện pháp bao gồm uống độc dược từ thảo mộc có độc,… tất cả đều thiếu cơ sở khoa học. Nhiều loại có tác dụng phụ. Các biện pháp khác có thể kể đến châm cứu, ngâm lước lạnh, đặt vật sắc nhọn vào âm đạo để làm vỡ túi ối,… Thậm chí tồn tại biện pháp khủng khiếp hơn đó là thuê một ‘kosashibaba‘ (dịch theo nghĩa đen là người đâm thai nhi).

Giết một đứa trẻ dưới 1 năm tuổi là một biện pháp chấp nhận được thay thế cho nạo phá thai tại Nhật Bản thời kỳ tiền hiện đại.

Điều gì xảy ra khi nỗ lực phá thai không thành công, hoặc người phụ nữ quyết định sinh đứa trẻ? Ngày xưa người ta nhìn nhận việc giết một đứa trẻ dưới 1 tuổi hay bỏ mặc chúng là an toàn hơn và có thể thay thế cho việc phá thai. Biện pháp này gọi là 間引き (mabiki: tỉa bớt, hiểu là sinh con mà nuôi không nổi thì giết bớt). Mabiki đã có lịch sử hơn 1000 năm ở Nhật, trở thành một biện pháp phổ biến vào thời Edo như một biện pháp kiểm soát dân số.

Phá thai trong văn hóa dân gian và tôn giáo Nhật Bản

Ngày nay, một hành động như vậy sẽ không thể được chấp nhận. Tuy nhiên vào thời đó Mabiki không đồng nghĩa với giết người. Niềm tin tâm linh cổ xưa cho rằng cuộc sống của một đứa trẻ thuộc về cõi linh hồn cho đến khi bảy tuổi. Như vậy, phá thai hoặc có thể hiểu đơn giản là “gửi trả đứa trẻ lại cho Thần”. Sau đó, với sự du nhập của Phật giáo và ý tưởng về luân hồi, mọi người tin rằng đó cũng là vì lợi ích của đứa trẻ, vì họ chỉ đơn giản là “tạm ngưng” một kiếp của đứa trẻ cho đến khi nó có thể được tái sinh vào một gia đình có thể chấp nhận nó.

Kojiki, tuyển tập thần thoại và truyền thuyết về sự sáng tạo lâu đời nhất của Nhật Bản, có ghi lại định nghĩa sớm về phá thai, cũng như nêu ra sự bất bình đẳng về quyền sinh sản của phụ nữ. Theo truyền thuyết, khi hai vị thần sáng tạo, Izanagi và Izanami, cố gắng tiến tới hôn nhân, một ‘lỗi’ từ phía Izanami (cụ thể, cô là người chủ động dù là phụ nữ) dẫn đến việc cô ấy thụ thai một đứa trẻ dị dạng, Hiruko. Hiruko không có xương, và trong một số câu chuyện, không có tay chân. Người ta cho đây là điềm xấu nên đã cho Hiruko vào một cái giỏ và thả trôi xuống sông.

Mặc dù Hiruko cuối cùng trôi đến một vùng đất xa xôi và sống sót (nhiều người tin rằng Hiruko sau đó trở thành vị thần may mắn của Nhật Bản, Ebisu), câu chuyện cho thấy sự kỳ thị tiêu cực đối với người khuyết tật. Khi đó, người ta coi tật nguyền là một điềm xấu. Một số người thậm chí còn tin rằng trong nhà có một đứa trẻ khuyết tật sẽ mang lại bất hạnh cho gia đình và nạn đói cho cộng đồng. Theo nghĩa này, việc loại bỏ một ‘đứa trẻ bất thường’ được coi là hành động có ích cho cộng đồng.

Phá thai, Phật giáo và các nghi lễ thanh tẩy

Ngày nay, hầu hết các quan điểm chống phá thai ở các nước phương Tây đều xuất phát từ niềm tin tôn giáo có nguồn gốc từ Công giáo châu Âu và Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, Nhật Bản chưa bao giờ sùng đạo theo các tiêu chuẩn phương Tây, ngay cả với tôn giáo bản địa của mình là Thần đạo. Mọi người không xem phá thai như một điều gì đó tiêu cực cho đến khi Phật giáo du nhập. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, phá thai không bị coi là một trọng tội mà chỉ là một sự ô uế, và các nghi lễ thanh tẩy được phát triển để tẩy sạch sự ô uế.

Một tu sĩ Phật giáo chia sẻ quan điểm của mình về việc phá thai: “Tất nhiên là chúng ta không thể lấy đi mạng sống của ai đó. Quy tắc Phật giáo không cho phép chúng tôi làm điều đó. Mặt khác, một người phụ nữ không nhất thiết phải sinh con nếu cô ấy không muốn. Một đứa trẻ không nhất thiết phải sinh ra trong một gia đình không mong muốn nó. Chúng ta phải có lòng trắc ẩn”.

Phá thai là tội ác

Luật chống phá thai đầu tiên xuất hiện vào thời Edo. Vào thời điểm này, mặc dù Nhật Bản có vẻ hưng thịnh, nhưng dân số lại rơi vào tình trạng trì trệ rất rõ ràng. Shogun Tokugawa Iemitsu cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến các hoạt động phá thai, giết người, bỏ rơi trẻ em và đặt cả ba hoạt động này ra ngoài vòng pháp luật trên khắp Edo. Cha mẹ bỏ rơi con cái phải chịu cảnh đày ải hoặc tù đày. Những kẻ phạm tội giết người có thể bị xử tử.

Với sự bắt đầu của thời kỳ Minh Trị vào năm 1868, Chính phủ mới của Nhật Bản ưu tiên tăng dân số như một điều cần thiết cho quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng. Phụ nữ được mong đợi sẽ sinh nhiều con để cung cấp lực lượng lao động và binh lính.

Chính phủ tuyên bố các luật mới thiết lập quyền kiểm soát đối với các nữ hộ sinh. Họ phải hạn chế sử dụng thuốc, dụng cụ sản khoa, giám sát phụ nữ có thai, phải thông báo cho cơ quan chức năng về thai chết lưu, sẩy thai. Năm 1880, họ ban hành lệnh cấm phá thai trên toàn quốc đầu tiên theo Bộ luật Hình sự mới, đánh dấu lần đầu tiên phá thai trở thành tội hình sự.

Luật này chuyển thành Bộ luật hình sự năm 1907, cơ sở cho luật phá thai tồn tại ngày nay, trong đó tuyên bố rằng bất kỳ phụ nữ nào tự ý phá thai, bất kể vì lý do gì, đều phải đối mặt với án tù lên đến một năm.

Quyền phá thai và Phong trào Nữ quyền tại Nhật Bản

Bất chấp các hành động của Chính phủ, người dân vẫn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Các luật và sắc lệnh mới không đủ để ngăn những người phụ nữ tuyệt vọng với cuộc sống từ bỏ đứa con của họ. Các phòng khám phá thai ngầm và những kẻ lừa đảo hứa hẹn phá thai an toàn mọc lên khắp nơi. Điều này đã thúc đẩy một lời kêu gọi kiểm soát sinh sản và quyền sinh sản để giúp những phụ nữ đau khổ tránh thực hiện các biện pháp nguy hiểm.

Ở Nhật Bản bắt đầu một trong những phong trào nữ quyền đầu tiên. Các nhà hoạt động trung tâm như Yamamoto Senji, Majima Yutaka, Ishimoto Shizue và Abe Isoo thực hiện các hoạt động và diễn thuyết thúc đẩy kiểm soát sinh sản ở các khu vực đô thị như Tokyo, Kyoto và Osaka. Margaret Sanger, lãnh đạo phong trào kiểm soát sinh sản ở Hoa Kỳ, sau đó cũng tham gia, giúp thành lập các phòng khám kiểm soát sinh sản đầu tiên của Nhật Bản. Các biểu tượng nữ quyền khác, bao gồm Ichikawa Fusae và Hiratsuka Raicho, đấu tranh đòi phá thai vì quyền của phụ nữ thông qua Liên đoàn Cải cách Luật Phá thai vào năm 1932.

Cuộc chiến về quyền phá thai ở Nhật Bản

Mặc dù ban đầu, phong trào nhận được sự thành công, Chính phủ đã bắt đầu đàn áp các phong trào này trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật vào năm 1937. Năm 1941, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố mục tiêu tạo ra thặng dư dân số và gửi người nước ngoài đến các vùng lãnh thổ bị chinh phục. Nội các đã đặt ra “Hướng dẫn về Chính sách Dân số”, cấm phá thai và tránh thai, đồng thời đưa ra chính sách quốc gia rằng một gia đình trung bình nên có 5 con. Nhưng sau chiến tranh và với việc mất hầu hết các lãnh thổ, Nhật Bản bị mắc kẹt với tình trạng thừa người và không đủ nguồn lực để hỗ trợ.

Tình trạng thiếu lương thực và nhà ở trầm trọng sau chiến tranh dẫn đến tình trạng phá thai, giết người và bỏ rơi trẻ em ngày càng gia tăng. Đến năm 1947, thường xuyên có những bản tin đăng tìm nhận con nuôi trong các bài báo hằng ngày. Điều này làm dấy lên một sự cố với Bệnh viện Phụ sản Kotobuki, nơi tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng phát hiện ra rằng họ không thể chăm sóc chúng đầy đủ, dẫn đến có tới 160 trẻ tử vong trong khi bệnh viện tiếp tục thu phí hỗ trợ trẻ em từ các bậc cha mẹ.

Chính phủ miễn cưỡng thừa nhận sự cần thiết của các biện pháp tránh thai, và buộc phải đảo ngược các chính sách dân số của mình. Điều này dẫn đến sự hồi sinh sau chiến tranh của phong trào nữ quyền tại Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để đảm bảo một con đường dễ dàng cho các nhà hoạt động vì quyền phá thai.

Sự hồi sinh của phong trào kiểm soát sinh sản ở Nhật Bản

Năm 1947, nhà hoạt động nữ quyền và kiểm soát sinh sản Kato Shizue đã đề xuất một dự luật về luật kiểm soát sinh sản mới sau khi đảm bảo một ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, đề xuất của cô đã bị từ chối, thay vào đó, Chính phủ đưa ra một dự luật mới tập trung vào phá thai. Luật Bảo vệ Ưu sinh (優生保護法; Yūsei Hogo Hō) có hiệu lực vào năm 1948. Luật này cho phép phá thai vì lý do kinh tế khó khăn, đồng thời hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận kiểm soát sinh sản và cưỡng chế triệt sản đối với người khuyết tật.

Trên thực tế, đây chỉ là một bản sửa đổi của Luật Ưu sinh Quốc gia năm 1940. Thay vì ưu tiên các quyền của phụ nữ, nó tập trung vào việc kiểm soát dân số thông qua các biện pháp ngăn chặn điều mà họ coi là ca sinh “không mong muốn”.

Đến năm 1949, dân số vượt quá 80 triệu người và những khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn, trở thành một cuộc khủng hoảng quốc gia. Năm đó, Quốc hội đã đảo ngược Luật Bảo vệ Ưu sinh. Lần đầu tiên, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội thừa nhận việc kiểm soát sinh sản thông qua các biện pháp tránh thai thay vì phá thai, đồng thời phê duyệt việc sử dụng chất diệt tinh trùng và bao cao su. Tuy nhiên, thuốc tránh thai vẫn bị đặt ngoài vòng pháp luật và sẽ vẫn như vậy cho đến năm 1999.

Do đó, nhiều phụ nữ vẫn mang thai và tỷ lệ nạo phá thai tiếp tục tăng. Kế hoạch hóa gia đình bắt đầu được ưu tiên. Năm 1951, nội các quyết định ủng hộ các biện pháp tránh thai với quan điểm rằng kiểm soát sinh sản là cách duy nhất để đảm bảo “gia đình văn minh, lành mạnh, hạnh phúc”. Năm 1952, họ sửa đổi Luật bảo vệ ưu sinh một lần nữa, cho phép phá thai với sự đồng ý của bác sĩ.

Tình trạng thiếu lao động, tình trạng trẻ sơ sinh trong tủ đựng đồ và sự phục hồi của nạn phá thai

Năm 1967, khi Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, Thủ tướng Saito Eisaku đã đổ lỗi cho việc phá thai. Điều này khiến Bộ Y tế và Phúc lợi một lần nữa phải xem xét việc áp dụng Luật Bảo vệ Ưu sinh một cách chặt chẽ hơn. Phong trào cải cách Luật Bảo vệ ưu sinh lại một lần nữa nổi lên vào năm 1972, kèm theo đó là các phong trào nữ quyền và quyền ủng hộ phá thai.

Khi các cuộc chiến tranh phá thai kéo dài, một hiện tượng mới đã xảy ra vào những năm 1970: những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ trong tủ đựng đồ. Phụ nữ bỏ rơi trẻ sơ sinh trong tủ khóa sử dụng tiền xu, phát minh mới trong quá trình hiện đại hóa của Nhật Bản vào những năm 1960-1970.

Đạo luật sức khỏe bà mẹ

Đồng thời, phá thai đã được thừa nhận trên toàn thế giới. Các phong trào nữ quyền ở nước ngoài đã dẫn đến việc xã hội ngày càng tán thành việc phá thai ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác. Hội nghị Dân số Thế giới và Hội nghị Lương thực Thế giới đã kêu gọi sự cần thiết phải kiểm soát dân số, và kiểm soát sinh đẻ là giải pháp. Việc hình sự hóa phá thai một lần nữa sẽ khiến Nhật Bản rơi vào tình thế bất lợi so với phần còn lại của thế giới.

Chính phủ đã sửa đổi Luật Bảo vệ Ưu sinh thành Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Bà mẹ. Tuy nhiên, mặc dù luật này chấp thuận cho bác sĩ thực hiện phá thai vì lý do kinh tế, nhưng vẫn phải có sự đồng ý của vợ hoặc chồng. Và mặc dù Bộ Y tế Nhật Bản gần đây đã sửa đổi các hướng dẫn này để loại bỏ yêu cầu chấp thuận đối với phụ nữ trong các cuộc hôn nhân bị lạm dụng hoặc bị cưỡng hiếp, vẫn còn rất nhiều điều còn sót lại liên quan đến quyền sinh sản cho tất cả phụ nữ.

Phá thai ở Nhật Bản dễ tiếp cận hơn biện pháp tránh thai?

Bất chấp việc tiếp cận khó khăn, trong năm 2015, có một triệu ca mang thai, 17% (khoảng 176.388) trong số đó kết thúc bằng phá thai. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phá thai cao tiếp tục được cho là do Chính phủ Nhật Bản miễn cưỡng cải thiện khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai. Thậm chí ngày nay, các nghiên cứu cho rằng bao cao su và xuất tinh ngoài âm đạo là những biện pháp tránh thai phổ biến nhất mà phụ nữ sử dụng.

Năm 1931, Quy định về Kiểm soát Thiết bị Tránh thai có hại đã cấm sử dụng DCTC. Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội đã phê duyệt viên uống nội tiết tố vào năm 1960, nhưng chỉ như một phương pháp khắc phục các vấn đề kinh nguyệt (Mặc dù nhiều phụ nữ đã bí mật lấy chúng để kiểm soát sinh sản, bất chấp luật pháp). Năm 1972, một loại thuốc viên đã được phê duyệt, nhưng chỉ có thể được mua khi có toa bác sĩ. Và thuốc tránh thai là bất hợp pháp cho đến năm 1999.

Ngày nay, biện pháp tránh thai có thể tốn tới 5.000 yên một tháng, và vẫn cần sự chấp thuận của bác sĩ. Hầu hết các ca nạo phá thai vẫn được thực hiện bằng các phương pháp phẫu thuật lạc hậu, mà WHO cho rằng nên chấm dứt.

Gần đây, nhiều người vẫn đang thúc đẩy sự chấp thuận của thuốc phá thai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thuốc phá thai hiện được bán trên 65 quốc gia trên thế giới và là một loại thuốc thiết yếu. Tuy nhiên, giống như các động thái trước đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đang cố gắng làm cho điều này không thể tiếp cận được, với đề xuất một mức giá có thể lên tới 1.000 USD.

So với các nước khác, Nhật Bản vẫn còn kém xa về phá thai và quyền sinh sản. Tuy nhiên, từng chút một, chúng ta có thể thấy những bước tiến nhỏ. Đầu năm nay, cuốn sách ‘My Body My Choice: Cuộc đấu tranh cho quyền phá thai’ của Robin Stevenson đã được dịch sang tiếng Nhật. Tuy nhiên, cho đến khi quyền sinh sản được thừa nhận trên bình diện quốc gia, quốc gia này vẫn còn nhiều việc phải làm.

Sacchan
Xem thêm: