Lương bèo bọt, mệt mỏi nhưng không thể đi khám, “bến đỗ” nào cho những giấc mơ thực tập sinh bị nghiền nát trên đất Nhật

Kobe, thành phố phía Tây thuộc Hyogo Nhật Bản là nơi trú ẩn của rất nhiều lao động nước ngoài, bỏ trốn khỏi điều kiện làm việc tồi tệ và không còn nơi nào khác để ở. Báo Mainichi đang điều tra tình hình khắc nghiệt mà những người lao động này đang phải đối mặt, khi Nhật Bản sẽ chấp nhận nhiều thực tập sinh nước ngoài hơn khi các lệnh cấm vận do dịch bệnh được nới lỏng.

Đau đầu, chóng mặt nhưng không thể đi khám

Một người phụ nữ Indonesia 30 tuổi sống trong khu tạm trú do Trung tâm giao lưu Nhật Việt Hyogo quản lý giải thích về công việc mà cô đang làm. Việc của cô là bó lá trà Shiso, sau 10 bó thì buộc lại với nhau bằng dây thun cao su rồi cho vào túi nhựa. Tiền lương của cô là 40 Yên/túi. Khi đã quen việc, cô có thể gói khoảng 10 túi trong vòng 1 giờ, có nghĩa là 1 tiếng cô kiếm được 400 Yên.

Người phụ nữ này có tư cách lưu trú kỹ năng đặc biệt. Cô ký hợp đồng với một nông trường Shiso ở trung tâm Aichi, đồng ý làm việc từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều mỗi ngày trong tuần với mức lương 960 Yên/giờ. Công việc bắt đầu vào tháng 4, nhưng mọi thứ không diễn ra như trong hợp đồng.

Vì chưa quen được ngay, tốc độ của cô rất chậm và những lúc như vậy, người hướng dẫn là một nông dân sẽ hét lớn “Không, làm nhanh lên”. Cô không thích mùi lá và bắt đầu mất vị giác, bị nhức đầu và thường xuyên cảm thấy chóng mặt. Cô đã yêu cầu đi bệnh viện để kiểm tra nhưng nhận lại câu trả lời “chúng ta không có thời gian làm việc đó”.

Sau khi làm việc khoảng 3 tuần, cô chỉ còn lại 40,000 Yên sau khi đã trừ đi tiền thuê nhà và các chi phí khác. Yoshihisa Saito, phó giáo sư đại học Kobe chỉ ra rằng mức lương này không phù hợp với những gì được quy định trong hợp đồng, cô bị buộc phải làm công việc không được liệt kê trong hợp đồng. Điều này vi phạm Đạo luật về tiêu chuẩn lao động.

Người phụ nữ do không chịu được công việc nên tuyên bố nghỉ, khi đó bên môi giới ở quốc gia mẹ đẻ yêu cầu cô bồi thường 300,000 Yên, và đe doạ “Nếu cô không trả, chúng tôi sẽ báo cảnh sát”.

Sau đó cô biết về khu tạm trú (nơi ở hiện tại của cô) từ một người quen Indonesia mà cô có dịp nói chuyện. Khi được nghỉ một ngày, cô đã rời khỏi nơi ở khi đó và dọn đồ đạc lên xe buýt đi Kobe. Khu tạm trú bắt đầu hoạt động từ năm 2019, là một căn nhà 3 tầng, nơi cư ngụ của rất nhiều thực tập sinh kỹ thuật bị buộc phải rời khỏi nơi làm việc và nơi ở trước đó. Người phụ nữ đã chạy trốn khỏi nông trường ở Aichi, đến sống trên tầng 2 của khu tạm trú. Có 1 người phụ nữ Việt Nam sống ở tầng 2, và 4 người đàn ông Việt Nam sống ở tầng 3.

Về nguyên tắc tiền thuê nhà được miễn phí, nhưng nếu người sống ở đó đang đi làm, họ sẽ trả cho tổ chức phi lợi nhuận khoản phí 5000 Yên/tháng. Cho đến nay, 13 người đã chuyển đến và 7 người rời khỏi, về nước hoặc tìm được việc cung cấp chỗ ở.

Câu chuyện tại khu tạm trú của những người cùng số phận

Một người đàn ông Việt Nam 32 tuổi, cũng đang sống ở khu tạm trú kể về câu chuyện của mình. Anh cho biết đã từng làm việc tại một công ty xây dựng ở tỉnh Toyama. Anh ấy vay số tiền tương đương khoảng 1 triệu yên từ một ngân hàng ở quê nhà và đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật vào tháng 7 năm 2018. Tiền lương mang về nhà của anh từ công ty xây dựng là 84.000 yên mỗi tháng.

“Người môi giới nói với tôi rằng nếu làm việc ở Nhật Bản, bạn sẽ có thể trả lại tiền ngay lập tức, nhưng đó là một lời nói dối khủng khiếp,” anh nói.

Thực tập sinh kỹ thuật không được phép thay đổi công việc trừ khi có vấn đề với công ty tiếp nhận, chẳng hạn như đối phương có hành vi bất hợp pháp. Người đàn ông Việt Nam để lại cậu con trai 7 tuổi ở quê với mục tiêu sang Nhật Bản làm việc để trang trải chi phí học tập cho con trai. Sau khoảng một năm, anh rời công ty xây dựng mà anh đã từng làm việc và bắt đầu làm cho một nhà máy sản xuất giày ở Kobe được họ hàng giới thiệu cho. Thông qua công việc bất hợp pháp này, thu nhập của anh tăng lên khoảng 150.000 yên một tháng.

Nhưng tình hình này không kéo dài, do COVID-19, số ngày làm việc của anh bị rút ngắn và tư cách cư trú cũng hết hạn. Không biết phải làm gì, anh hỏi ý kiến một người quen, và đến sống ở khu tạm trú. Nhờ sự giúp đỡ từ nhóm phi lợi nhuận, anh đã có tư cách cư trú hợp lệ, kiếm sống bằng cách thu thập phế liệu kèm theo công việc bán thời gian. Anh đã trả hết khoản vay của mình, thế nhưng…

“Tất cả những gì tôi đã làm là vay rất nhiều và trả lại. Tôi không còn gì cả”

Anh đang chuẩn bị về nước với vợ và con trai.

Rất nhiều thực tập sinh biến mất

Nhật Bản bắt đầu nhận thực tập sinh kỹ thuật từ các nước đang phát triển vào năm 1993 dưới chiêu bài chuyển giao công nghệ cho các nước đó. Trong hầu hết các trường hợp, họ được phép ở lại đến ba năm. Năm 2019, số lượng thực tập sinh đạt đỉnh cao là 410.972 người. Tuy nhiên, con số này sau đó giảm mạnh do đại dịch COVID-19, ở mức 276.123 vào năm 2021. Vào mùa xuân năm nay, các hạn chế nhập cảnh đã được nới lỏng đồng nghĩa với việc thực tập sinh có thể được chấp nhận trở lại. Từ ngày 1 tháng 6, các hạn chế về biên giớiđược nới lỏng hơn nữa và dự kiến ​​lượng khách đến Nhâth sẽ tăng theo.

Bản sửa đổi năm 2019 đối với Đạo luật Kiểm soát Nhập cư và Công nhận Người tị nạn đã bổ sung tình trạng cư trú mới theo “kỹ năng đặc biệt” cho người lao động nước ngoài bao gồm 14 lĩnh vực công nghiệp bao gồm ngành nông nghiệp và nhà hàng, vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Với điều kiện người lao động phải vượt qua kỳ kiểm tra kỹ năng và tiếng Nhật hoặc hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ thuật nhất định, về nguyên tắc, họ được phép ở lại Nhật Bản tối đa 5 năm sau khi đạt yêu cầu.

Theo Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3 năm nay, có 64.730 người đang cư trú tại Nhật Bản theo diện “kỹ năng đặc biệt”. Trong số này, 40.696 là người Việt Nam, đại diện cho nhóm lớn nhất theo quốc tịch hoặc khu vực. Tổng cộng 79% trong số họ là cựu thực tập sinh kỹ thuật đang làm việc thay cho thực tập sinh kỹ thuật mới không thể đến Nhật Bản do khủng hoảng COVID-19, tạo nên sự thiếu hụt trong ngành.

Theo Bộ Tư pháp, số lượng thực tập sinh kỹ thuật được cơ quan giám sát của họ và các bên khác báo cáo mất tích vào năm 2021 đạt 7.167, tăng hơn tổng số 1.282 so với năm 2020. Người ta tin rằng nhiều trường hợp công nhân mất tích do bạo lực ở nơi làm việc, không trả lương và các vấn đề về môi trường làm việc, hoặc vì họ không kiếm được nhiều tiền như mong đợi để trả nợ.

Toshiaki Torimoto, 74 tuổi, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Nhật-Việt Hyogo chỉ ra rằng “Khi những người gặp hoàn cảnh khác nhau rời khỏi nơi làm việc, họ bị coi là những kẻ bỏ trốn và họ sẽ khó nhận được sự hỗ trợ về mặt hành chính”. Anh nói rằng có những trường hợp thực tập sinh không còn nơi nào để ở dẫn tới phạm tội như trộm cắp để trả nợ và kiếm sống.

“Để ngăn chặn tội phạm, họ cần một nơi để nương tựa.”

Sacchan
Xem thêm: