Sản phẩm hỗ trợ cặp đi học cho học sinh tiểu học mới của Nhật Bản bị người lớn chỉ trích, nhưng các em nghĩ gì?

Mặc dù ngay khi sản phẩm được ra mắt vào tháng 4, sản phẩm hỗ trợ này đã nhận được đơn đặt hàng khủng vì khiến cho chiếc cặp đi học thông thường nhẹ hơn đến 90%. Tuy nhiên sản phẩm cũng vấp phải nhiều tranh cãi.

Theo một cuộc khảo sát, sách giáo khoa của học sinh Nhật Bản đang nặng hơn khoảng gấp đôi vào năm 2002 do các biện pháp đối lập với chính sách giảm tải giáo dục trước đó. Trọng lượng trung bình của bộ sách cho học sinh năm 1 là 20kg, và trọng lượng cặp trung bình vào khoảng 6kg. Có thể thấy hành trang đi học của các em là khá nặng nề.

さんぽセル (Sanposeru) là sản phẩm hỗ trợ được quảng cáo là giải quyết “hội chứng cặp sách” – những tổn hại sức khoẻ do mang cặp nặng mà nhiều học sinh đang đối mặt. Với sản phẩm này bạn có thể kéo cặp đi như vali thay vì mang trên lưng.

Khung kéo có thể được gắn vào tất cả các loại cặp học sinh thông dụng hiện giờ, giúp giảm tải 5kg xuống còn khoảng 500g.
Tuy nhiên khi quảng cáo phát hành sản phẩm được xuất bản trên Yahoo News, có khoảng 1000 comment chỉ trích, đa số từ phụ huynh.

“Tại sao các em phải mang cặp, là bởi vì khi mang như vậy, hai tay sẽ được tự do, giảm bớt nguy hiểm khi đi trên đường. Thay vì chỉ trích vì sản phẩm vô nghĩa, tôi cảm thấy sản phẩm này rất nguy hiểm”.

“Đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng, các em phải đi cầu thang, đi dốc,…Tôi nghĩ vác cặp trên lưng đi sẽ dễ hơn”

và rất nhiều ý kiến khác.

Thế nhưng đó là ý kiến của phụ huynh, những người trong cuộc nghĩ như thế nào?

“Nghĩ đã rồi hãy phàn nàn” – Phản biện của các em học sinh

Dường như những lập luận của phụ huynh không phản ánh đúng mong muốn của các em, những người thực sự sử dụng cặp.

Với ý kiến đầu tiên liên quan đến tính nguy hiểm, một em trả lời: “Thế sao mọi người nghĩ dùng khung kéo sẽ dễ ngã hơn nhỉ? Bình thường thì cũng thả tay ra mà. Nếu người lớn có thể vừa cười vừa tự mãn việc ngày nào cũng mang 20 kg can dầu trên lưng, đi bộ 30 phút, bọn em sẽ bỏ qua. Đó chắc chắn là địa ngục”.

Với ý kiến về địa hình, có nhận xét phản biện như sau “Ủa thì có khung kéo hay không thì bản chất nó vẫn là cái cặp đi học mà, lúc gặp cầu thang hay dốc thì tháo ra rồi mang trên lưng là được. Xin nghĩ kỹ đi đã rồi hãy phàn nàn”.

Nhân vật đằng sau sản phẩm gây tranh cãi này là Asahi Ota, một sinh viên đại học đã tạo ra Sanposeru sau quá trình thử và sai, tiếp xúc trực tiếp với các em học sinh. Anh cho biết: “Do các cải cách giáo dục mà chiếc cặp đi học của các em nặng bất thường. Người lớn vẫn hay bảo bọn trẻ tội nghiệp, nhưng chẳng ai làm gì để thay đổi tình hình”.

Để chống lại làn sóng chỉ trích trên, Ota đã bắt đầu gây quỹ cộng đồng từ ngày 30 tháng 5, cho biết “Số tiền gây quỹ sẽ được dùng để phân phối Sanposeru. Xã hội này sẽ không thể làm ngơ bởi vì học sinh tiểu học sẽ không nhượng bộ. Hãy ủng hộ chúng tôi để tạo nên sự đột phá”.

Sacchan
Xem thêm: