5 tuổi giết chó 15 tuổi chém người – Sự khắc nghiệt của quá trình rèn luyện thành Samurai
Bạn nghĩ thanh gươm dắt trên hông của Samurai để làm gì? Để giết người?
Một Samurai phải trải qua khoá huấn luyện rất nghiêm khắc.
Tất nhiên công việc của kiếm sĩ không tránh khỏi giết người, nhưng trước đó, anh ta phải trải qua quá trình thu nạp kiến thức và học cách vững vàng trước mọi tình huống.
Tồn tại một quyển sách giáo khoa của các Samurai, gọi là Hagakure.
Yamamoto Kichizaemon đã được nuôi dạy bằng cuốn văn thư này, với sự nghiêm khắc quản giáo của cha ông là Yamamoto Jinemon.
Khi mới 5 tuổi, người này đã được cha trao cho mệnh lệnh đầu tiên là giết một con chó. Năm 15 tuổi, anh ta đã phải chặt đầu của một tử tù.
Nếu đã giết 10 người, lần giết người tiếp theo sẽ không còn ngần ngại nữa. Vì vậy Samurai này phải trải qua khoá huấn luyện tàn khốc là chặt đầu người.
Anh đã được dặn dò như thế này:
“Là Samurai không được kinh sợ trước máu và nội tạng người.
Điều đáng kinh sợ là một kẻ nhút nhát”.
Đây rõ ràng không phải một câu nói có thể lý giải bằng quan điểm giáo dục thời hiện đại.
Thế nhưng có một nội hàm đằng sau câu nói này mà Samurai nào cũng phải ghi nhớ “Trong những thời khắc quan trọng, nếu không thể xuống tay với kẻ thù, sẽ không thể bảo vệ những gì quý giá với bản thân”.
Những thứ quý giá đó chính là gia đình, tài sản, sinh mệnh của bản thân, và trên hết là tính mạng của chủ nhân, người mà Samurai trung thành phục vụ.
Khi đó việc rèn luyện trở thành Samurai, bao gồm chuyện giết người một cách vô cảm, không chỉ là một phần trong huấn luyện, mà là một loại trách nhiệm nặng nề.
Thế nhưng điều đáng thương đó là nhiều đứa trẻ không có lựa chọn nào khác ngoài trở thành một Samurai vì quan niệm “cha truyền con nối”. Dù không muốn chặt đầu kẻ khác, chúng vẫn phải xuống tay vì một hệ thống giáo dục tàn bạo như vậy.
Thế nhưng việc một Samurai phải có chủ nhân và bị cuốn vào các cuộc tranh giành quyền lực của các lãnh chúa đã có sự thay đổi lớn vào năm 1603.
Thời kỳ Edo, kéo dài khoảng 300 năm, là một giai đoạn hoà bình. Về lý thuyết, trong thời này các Samurai gần như không có chuyện gì để phải chém giết, nhưng các gia đình Samurai vẫn giáo dục con cái của họ theo cách này để không làm biến chất trái tim Samurai.
Đến thời cận đại thì nghề Samurai cũng biến mất, đồng nghĩa với nền giáo dục này cũng ra đi. Nhưng qua đó có thể thấy không phải cứ là con trai của Samurai thì sẽ được hưởng thụ vinh hoa hay được chiều chuộng.
Nếu vậy có khi sinh trưởng trong gia đình bần nông lại ổn hơn nhỉ?
Abe Kengo