Thanh toán đi, kể cả khi nhà không có TV…Bàn về những vấn đề “hài hước” liên quan đến khoản phí NHK
Vào ngày 3 tháng 6, Hạ viện đã thông qua bản sửa đổi đối với Đạo luật phát thanh truyền hình của Nhật Bản, đạo luật này có thể khiến tất cả mọi người ở Nhật Bản phải chịu phí NHK. Nhưng chính xác thì những khoản phí này để làm gì? Tại sao mọi người phải trả tiền? Và tại sao NHK lại bắt bạn trả tiền?
Lịch sử phát sóng NHK
NHK là một tập đoàn được thành lập theo các quy định của Đạo luật Phát thanh Truyền hình (sẽ giải thích chi tiết hơn bên dưới), mục đích là phổ biến chương trình công cộng trên cả nước, được cấp vốn chủ yếu thông qua phí tiếp nhận (受信 料; jushinryou), một hệ thống tương tự như phí cấp giấy phép ở các quốc gia khác.
NHK bắt đầu hoạt động vào năm 1924, với việc thành lập Đài phát thanh truyền hình Tokyo (東京放送 局). Năm 1926, Đài phát thanh truyền hình Tokyo hợp nhất với hai tổ chức riêng biệt nhưng tương tự nhau ở Osaka và Nagoya, tạo thành cơ quan đầu tiên của NHK. Công ty này được thành lập dựa trên cấu trúc của đài BBC (Vương quốc Anh) và bắt đầu phát sóng radio trên cơ sở thử nghiệm vào những năm 1930 với tên Radio Japan.
Mặc dù ban đầu là một đài quốc tế, nhưng vào năm 1941, Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã quốc hữu hóa tất cả các hãng thông tấn công cộng, chỉ phát các thông báo từ Trụ sở Quân đội Đế quốc Tokyo trong suốt Thế chiến thứ hai. Và mặc dù tất cả các chương trình phát sóng quốc tế đều bị cấm cho đến năm 1952, nhưng vào năm 1950, Đạo luật phát sóng mới (放送法) đã được ban hành. Phong trào này biến NHK Broadcasting thành một công ty độc lập với mục đích hỗ trợ người nghe, đồng thời mở ra thị trường phát sóng thương mại trên khắp Nhật Bản.
Đạo luật phát thanh truyền hình
Đạo luật phát thanh truyền hình áp dụng cho tất cả cư dân của Nhật Bản, không phân biệt quốc tịch. Mục đích của đạo luật này là nhằm đảm bảo việc phát sóng công cộng tuân thủ các tiêu chuẩn phúc lợi công cộng theo các nguyên tắc nêu tại Điều 1 quy định:
Mục đích của Đạo luật này là điều chỉnh việc phát sóng sao cho phù hợp với phúc lợi công cộng và đạt được sự phát triển lành mạnh dựa trên các nguyên tắc sau:
(i) Đảm bảo rằng việc phát sóng được phổ biến ở mức độ lớn nhất có thể đến công chúng và đạt được lợi ích của nó;
(ii) Đảm bảo quyền tự do ngôn luận thông qua việc phát sóng bằng cách đảm bảo tính khách quan, sự thật và quyền tự chủ của việc phát sóng;
(iii) Để cho phép việc phát sóng góp phần phát triển nền dân chủ lành mạnh bằng cách làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến việc phát sóng.
(Nguồn: Trang web của Bộ Nội vụ và Truyền thông)
Luật này đảm bảo đưa tin không thiên vị và yêu cầu báo chí không lật tẩy sự thật, và khi phát sinh vấn đề có ý kiến trái chiều, phải làm rõ vấn đề từ nhiều góc độ nhất có thể.
Đạo luật Phát thanh truyền hình tồn tại để NHK có thể “đạt được sứ mệnh của mình mà không bị những người khác, đặc biệt là Chính phủ can thiệp”. Nhưng để duy trì quyền tự chủ đó, NHK yêu cầu sự độc lập về tài chính với Chính phủ. NHK có được phương tiện tài trợ chính thông qua “phí tiếp nhận”, được thiết kế để tất cả người xem đều phải chịu như nhau.
Phí NHK
Đạo luật Phát thanh truyền hình quy định rằng mọi chủ sở hữu máy truyền hình phải trả phí. Nói cách khác, khi bạn lắp đặt TV tại nơi ở của mình, bạn sẽ tự động ký hợp đồng với NHK, bất kể bạn có định xem các chương trình của họ hay không.
“Điều đúng đắn” cần làm là thông báo cho NHK sau khi lắp đặt TV, theo đó một đại diện sẽ sắp xếp để bạn ký hợp đồng và bắt đầu tính phí cho bạn vào tháng sau, theo kiểu đăng ký. Cách duy nhất để không phải trả phí là xác nhận bạn không còn sở hữu TV nữa, một lần nữa bằng cách liên hệ với NHK để cung cấp bằng chứng.
Phí này được tiêu chuẩn hóa, có chiết khấu cho người đi làm, cũng như cư dân của tỉnh Okinawa. Bạn chỉ cần ký một hợp đồng cho mỗi hộ gia đình, không phụ thuộc vào số lượng TV mà bạn sở hữu. Tuy nhiên, nếu sở hữu nhiều bất động sản, bạn sẽ cần ký hợp đồng riêng cho từng nơi riêng biệt.
Ngay cả những bất động sản kinh doanh theo kiểu ký túc xá hay nhà ở xã hội cũng phải chịu phí. Trong trường hợp này, mỗi cá nhân sở hữu TV phải ký một hợp đồng riêng. Phí cũng áp dụng cho các cơ sở như khách sạn, trong đó khách sạn phải trả một khoản phí riêng cho mỗi phòng có TV.
Nhưng mọi người có thực sự trả những khoản phí này không? Và điều gì xảy ra với những người không trả? Mặc dù Đạo luật phát thanh truyền hình không chỉ định bất kỳ hình phạt nào đối với hành vi không trả tiền, nhưng họ có những cách để kiểm tra xem ai đã trả tiền và ai chưa. Một lực lượng với công việc duy nhất là theo dõi từng hộ gia đình và săn lùng họ cho đến khi họ trả tiền được thành lập, được biết đến với cái tên “NHK Man” huyền thoại.
NHK Man
NHK Man đã trở thành một “trò đùa” trong cộng đồng người nước ngoài sống ở Nhật Bản. Tuy nhiên không chỉ người nước ngoài mới gặp rắc rối với sự kiên trì của nhóm người này. Thậm chí có rất nhiều “chiến lược” xuất hiện trên các diễn đàn, do cả cư dân nước ngoài và người Nhật bản địa chia sẻ, về cách để tránh những NHK Man phiền phức này. Tất nhiên chúng ta ở đây không khuyến khích thực hiện nhé.
Nếu NHK có quyền tự do phát sóng, thì công dân cũng có quyền tự do chọn không xem.
Vậy chính xác thì NHK Man là gì? Người này về bản chất là nhân viên sale tận cửa, ngoại trừ việc anh ta không show hàng hoá mà anh ta bán ra trước mặt bạn. Người này đơn giản là muốn bạn trả phí NHK, và dù thái độ kiên trì của anh ta có thể khiến bạn nghĩ anh ta là người của nhà đài, về mặt kỹ thuật, anh ta không phải nhân viên của NHK. Họ đến từ nhà thầu độc lập không có giờ cố định, không có bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và không có lương hưu, làm việc trên cơ sở hoa hồng. Nói cho dễ hiểu, nếu bạn không chấp nhận trả tiền cho người này thì người này sẽ không nhận được tiền từ NHK.
Tuy nhiên, dù bản thân anh chàng NHK ở trên cũng đang đi bán hàng và làm việc của anh ta mà thôi, nhiều người cũng có lý do để phê phán hệ thống kiểu này. Ngay cả những nhân vật của công chúng cũng đã lên tiếng. Ví dụ diễn viên hài nổi tiếng Beat Takeshi đã từng đặt ra vấn đề vào năm 2015. Ông yêu cầu việc công dân nên có lựa chọn từ chối NHK và đề xuất cung cấp TV và thiết bị không tự động đi kèm với nhà đài này. Theo Beat Takeshi, nếu NHK có quyền tự do phát sóng, thì công dân cũng có quyền tự do chọn không xem, công bằng và hợp lệ.
Đảng chính trị chống lại NHK
Các chiến thuật khá phản cảm của NHK đã dẫn tới sự hình thành của một đảng chính trị chống đối lại với tên gọi NHKから国民を守る党 (Đảng bảo vệ người dân khỏi NHK), viết tắt là N-Koku (N国).
Đảng chính trị này thành lập vào năm 2013, do nhà hoạt động Takashi Tachibana, một cựu nhân viên NHK, người đã từ chức kế toán sau khi tiết lộ thông tin về tham nhũng nội bộ cho tạp chí hàng tuần, Shukan Bunshun, vào năm 2005 lập nên. Bản thân Tachibana khởi nghiệp với tư cách là một Youtuber vào năm 2012. Qua Kênh Youtube, người này thề sẽ chiến đấu chống lại NHK, cuối cùng phát triển thành Đảng với cái tên chính thức ở trên.
Mục tiêu ban đầu của đảng là loại bỏ hệ thống tính phí và thay thế bằng dịch vụ đăng ký. “Tuyên ngôn” của họ chỉ bao gồm một chính sách: sửa đổi Luật phát thanh truyền hình và “gây nhiễu tín hiệu phát sóng của NHK”, tóm lại đề xuất chỉ những người muốn đăng ký NHK mới phải trả tiền. Khẩu hiệu của đảng là “NHK o bukkowasu!” (NHKをぶっ壊す! Nghĩa đen là “Tiêu diệt NHK!”), Họ thậm chí đã đề xuất việc phản đối khoản phí này với đại diện ở Thượng viện. Đảng đã giành được ghế đầu tiên trong Quốc hội tại cuộc bầu cử Hạ viện vào mùa hè năm 2019 và một ghế trong Hạ viện vào cuối năm đó.
N-Koku đã trải qua rất nhiều lần đổi tên, gần đây nhất (tính đến tháng 5 năm 2022) là “Đảng NHK” (và thú vị nhất có lẽ là cái tên “Đảng dạy cách không trả phí cấp giấy phép NHK” vào năm 2021). Mục đích chính của Đảng chỉ đơn giản là để chống lại “hành vi xấu” của những NHK Man, nhóm người mà Tachibana ví như Yakuza.
Phí NHK liệu có hợp pháp không?
Vậy liệu hành động gõ cửa từng nhà để “xin tiền” của những NHK Man kia có hợp pháp không? Câu trả lời là có.
Như đã đề cập ở trên, theo Đạo luật phát thanh truyền hình, về mặt kỹ thuật, việc không thanh toán là bất hợp pháp. Điều 64 của Đạo luật Phát thanh truyền hình quy định rằng người nào đã lắp đặt bất kỳ thiết bị nào có khả năng nhận tín hiệu phát sóng NHK một cách hợp pháp sẽ ký hợp đồng với NHK. Nhưng do không có bất kỳ chế tài nào, nhiều người tiếp tục né tránh. Một số thậm chí đã thẳng tay đem vụ việc ra tòa để chứng minh họ được miễn trừ khỏi luật.
Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng diễn ra như kế hoạch.
Có trường hợp một phụ nữ, mua TV vào năm 2018 với một thiết bị đặc biệt để làm nhiễu tín hiệu NHK. Vào tháng 6 năm 2020, Tòa án Quận Tokyo tuyên cô thắng kiện, theo đó cô được miễn hợp đồng, do cơ sở Đạo luật phát thanh truyền hình quy định nghĩa vụ đối với chủ sở hữu của những người có thiết bị, có thể hiển thị kênh NHK.
Thật không may cho người phụ nữ này khi vào năm 2021, Tòa án tối cao bác bỏ phán quyết của tòa án địa phương. Họ lưu ý rằng cô ấy vẫn có thể dễ dàng xem NHK bằng cách cài đặt bộ khuếch đại tín hiệu.
Không Ai Được Miễn Phí NHK?
Như hiện tại, Luật Phát thanh truyền hình chỉ áp dụng cho những hộ gia đình có TV. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta đang ở thời điểm mà cái cớ “Tôi không có TV” cũng có thể sớm trở nên lỗi thời.
Quy định của Tòa án buộc bất kỳ ai có thiết bị có khả năng xem NHK phải trả phí. Trang web chính thức của NHK cũng tuyên bố rằng luật có thể áp dụng cho bất kỳ thiết bị nào có khả năng nhận tín hiệu TV, từ máy tính xách tay đến hệ thống định vị ô tô, thậm chí đến cả điện thoại thông minh có khả năng phát trực tuyến! Về cơ bản, tất cả những ai sống ở Nhật Bản trong thế kỳ này đều là đối tượng mục tiêu.
Trong thời đại phát trực tuyến, ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến và ngày càng ít người mua TV truyền thống. Nếu TV cũng có cái kết như đầu đĩa CD, các NHK Man sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn. Chưa kể, dịch bệnh COVID-19 không chừa bất kỳ ai, làm bất kỳ ngành nghề gì, đặc biệt với những NHK Man phải thường xuyên ra ngoài tiếp cận với người khác. (Mặc dù NHK đã thay đổi chiến thuật của họ trong đại dịch, sử dụng tờ rơi hay gửi thư nhắc nhở thanh toán qua JP Post).
Sửa đổi Đạo luật Phát thanh Truyền hình
Luật sửa đổi đã được công bố, bao gồm một hệ thống quỹ dự trữ nhằm giảm phí NHK, cũng như một hệ thống thu phí bảo hiểm từ những người chưa thanh toán mà không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, chính xác họ dự định thực hiện điều này như thế nào vẫn còn rất mơ hồ.
NHK chỉ đơn giản tuyên bố trong Ủy ban các vấn đề chung của Hạ viện như thế này: “Chúng tôi sẽ làm việc cẩn thận để giải thích giá trị của NHK và thuyết phục mọi người hợp tác, ký kết hợp đồng mà không phải ép buộc”.
Chờ xem trong tương lai có ai gõ cửa nhà bạn đòi phí NHK không để biết thêm tình hình nhé !
Sacchan