Liệu rằng hệ thống quảng bá Idol theo phong cách AKB48 có đang hạn chế sức hút toàn cầu của âm nhạc Nhật Bản?

Idol là một phần độc đáo trong ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản. Idol được tiếp thị gần như ở mọi phương diện, chứ không chỉ về chất lượng âm nhạc. Các Idol trở thành hình mẫu, từ ngoại hình đến tính cách, không chỉ biểu diễn trên sân khấu, Idol còn có cơ hội thử nghiệm trong những lĩnh vực khác như MC, diễn xuất,… Công ty cũng có nhiều chiến lược để tăng số lượng sản phẩm bán ra, ví dụ tặng kèm phiếu tham gia sự kiện bắt tay, giao lưu cùng thần tượng trong mỗi CD,…

Đây đã trở thành tiêu chuẩn cho nền âm nhạc thần tượng trong hơn một thập kỷ, phổ biến nhất là dự án AKB48 cùng các “đơn vị chị em” có tên tuân thủ theo công thức gồm 3 chữ cái và con số 48 trên toàn cầu.

Thế nhưng Reiko Yukawa, một nhà phê bình âm nhạc cho rằng hệ thống thần tượng này đã tạo tác động tiêu cực đến sức hấp dẫn của âm nhạc Nhật Bản trên toàn cầu.

Cụ thể cô Tweet rằng:

Hệ thống lưu hành trong nước Kyabakura (Hostess club) mà họ gọi là “những Idol mà bạn có thể gặp mặt” đã gây nên nhiều thất thoát cho ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản trong khả năng cạnh tranh với quốc tế.

Có vẻ như bình luận này nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình, ví dụ:

– Nghiệp của ông Yasushi Akimoto (nhà sản xuất AKB48) rất lớn.
– Tôi cũng nghĩ thế. Thỉnh thoảng tôi muốn hỏi những nhóm Idol này là “thực ra bạn đang bán cái gì?” trong khi yếu tố âm nhạc thực thụ đã trở thành thứ yếu.
– Tại một số thời điểm, mục đích của họ chuyển từ nghĩ xem họ có thể làm gì để bán nhạc thành tìm cách bán đĩa CD. Âm nhạc bị xem như Daikon cắt nhỏ trên đĩa Sashimi vậy.

Thì đúng là Daikon trên đĩa Sashimi cũng quan trọng đấy, nhưng chẳng ai ăn Sashimi vì củ cải sợi cả…

Tuy nhiên ở mặt bên kia của cuộc tranh luận là những Fan Idol, hay đúng hơn là những người ủng hộ ý tưởng Idol, cho rằng các chiến lược Marketing của họ không nên bị đem ra làm lý do để đổ lỗi cho sự cạnh tranh của âm nhạc Nhật Bản trên thị trường thế giới. Nhóm này cũng chỉ ra rằng vốn dĩ “tính cạnh tranh” của nhạc Nhật cũng chẳng phải mục đích ban đầu của âm nhạc Idol.

– Khoan, từ khi nào âm nhạc là để cạnh tranh vậy?
– Nhật Bản là thị trường âm nhạc lớn thứ 2 thế giới, có lịch sử làm nhạc và hệ thống sale thu hút được người Nhật.
– Nếu vậy chẳng lẽ khi AKB48 biến mất thì âm nhạc Nhật Bản sẽ cạnh tranh hơn à? Chẳng lẽ ông Yasushi Akimoto tạo áp lực lên những công ty thu âm khác và cấm họ làm nhạc không phải nhạc Idol à?
– Nếu không có nhu cầu về nhạc Idol ở Nhật thì họ đã ngưng kinh doanh rồi. Idol khác biệt theo cách của họ.

Những ca sĩ nổi tiếng nhờ hình ảnh nhiều hơn là tài năng âm nhạc không phải hiếm trong giới Idol, nhưng họ bỏ ra thời gian luyện tập, trau dồi khả năng để thực hiện cái mà họ gọi là “ước mơ”, truyền tải nguồn năng lượng cũng như sự tự tin, cầu tiến cho rất nhiều người, và nếu đó cũng là một trong những mục đích của âm nhạc, sao phải khó khăn về tài năng ở đây?

Thêm nữa, quả nhiên những công ty sản xuất âm nhạc Idol định hướng đối tượng khách hàng là người Nhật, thay vì nghĩ đến tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và họ đã và đang thực hiện mục đích của mình rất hiệu quả. Có thể thấy lợi nhuận họ kiếm được từ nhóm Fan trung thành nội địa, có thể tương đương, hoặc thậm chí hơn rất nhiều từ việc tìm kiếm thêm hàng chục, hàng trăm Fan quốc tế. Và do đó, các hoạt động quảng cáo nhạc Idol sẽ vẫn tiếp diễn trong khoảng thời gian dài, và cũng chẳng có lý do gì để ngừng lại.

 

 

Sacchan
Xem thêm: