Nhật Bản đề xuất tuần làm việc 4 ngày để cải thiện cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố các hướng dẫn chính sách kinh tế hàng năm, trong đó có khuyến nghị mới đề xuất các công ty cho phép nhân viên của họ chọn làm việc bốn ngày một tuần thay vì năm ngày như thông thường.

Nhật Bản nổi tiếng với hình ảnh về những nhân viên làm công ăn lương chăm chỉ. Họ làm nhiều đến mức đây không còn là động thái tích cực, mà đã trở thành vấn nạn xã hội khi tình trạng tử tự do áp lực công việc tăng cao. Hiện tại, khuyến khích giảm thời gian làm việc trên văn phòng được Chính phủ đưa ra nhằm cải thiện sự cân bằng giữa cuộc sống công việc và đời thường của người dân.

Đại dịch COVID-19 đã mang lại những thay đổi lớn đối với cách thức hoạt động của các tập đoàn Nhật Bản, tuy nhiều công ty vẫn còn rất cứng nhắc và truyền thống. Các nhà lãnh đạo chính trị hy vọng sẽ thuyết phục được những tập đoàn này về các hệ thống mới như giờ làm việc linh hoạt, làm việc từ xa,… sẽ vẫn đem lại nhiều lợi ích, kể cả khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giảm bớt.

Điểm cộng cho doanh nghiệp.

Chính phủ cho biết trong đề cương chiến dịch rằng, với một tuần làm việc bốn ngày, các công ty sẽ có thể giữ lại những nhân viên có năng lực và kinh nghiệm, những người có thể đang có ý muốn bỏ việc vì các lý do liên quan đến vấn đề gia đình. Thêm nữa, một tuần làm việc bốn ngày cũng sẽ khuyến khích nhiều người học tập, trau dồi thêm các kỹ năng liên quan đến công việc, hay thậm chí cho phép họ làm thêm việc, bên cạnh công việc chính.

Quan trọng nhất, các nhà chức trách hy vọng rằng mỗi tuần được nghỉ thêm một ngày sẽ khuyến khích người dân đi ra ngoài để chi tiêu, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.

Một kết quả khác mà Chính phủ mong muốn sẽ đạt được thông qua đề xuất này đó là người trẻ sẽ có nhiều thời gian hơn để gặp gỡ, kết hôn và sinh con, giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm đang ngày càng nghiêm trọng.

Về phía người dân, có những lo ngại các doanh nghiệp sẽ miễn cưỡng loại bỏ những nhân viên đã cống hiến qua nhiều thế hệ, mặc dù đúng là các cách tiếp cận thông thường đã trở nên kém hiệu quả so với trước đây. Thêm nữa, dù nhiều nhân viên có hứng thú với ý tưởng giảm bớt ngày làm việc, họ đồng thời cũng lo rằng lương sẽ bị giảm và công ty sẽ cho rằng họ không thực hiện đúng cam kết với công ty.

Junko Shigeno vừa hoàn thành chương trình học về kinh doanh và ngôn ngữ và nhận được một số lời mời làm việc tại các tập đoàn lớn, nhưng thay vào đó, cô đã chọn một công ty công nghệ thông tin nhỏ. Chỗ làm của nơi này cũng cách xa nhà cô hơn nhưng cô cho rằng “triết lý” của công ty phù hợp với mình.

“Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về những công ty đưa ra lời mời, và cũng đã nói chuyện với ít nhất 4-5 nhân viên đang làm việc ở mỗi nơi. Tôi đã rất sốc khi một người phụ nữ kể cho tôi về sự tồi tệ trong việc cân bằng cuộc sống giữa đời thường và công việc”.

Một trong những vấn đề lớn nhất của giới trẻ đó là làm thêm giờ không lương. Công ty công nghệ thông tin mà Shigeno lựa chọn hứa rằng cô sẽ không bao giờ phải làm thêm quá 15 giờ/tháng. Trong khi đó, một công ty khác cho biết sẽ đánh giá cao nếu cô có thể tham gia làm khoảng 60 giờ/tháng.

Chết do làm việc quá sức.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản thường xuyên đưa bản tin về những nhân viên trẻ từ bỏ cuộc sống của mình vì làm việc quá sức hay tự tử do căng thẳng. Khái niệm “chết do làm việc quá sức” trong tiếng Nhật là Karoshi, thường được xác định khi một người tử vong sau hơn 100 giờ làm việc liên tục mỗi tháng.

Shigeno cho biết “Đây không phải trường hợp của tôi. Tôi hy vọng làm việc và học hỏi thêm kỹ năng mới, nhưng tôi cũng muốn có thời gian của riêng mình, với gia đình và những người bạn, đồng thời nuôi dưỡng những sở thích riêng. Điều này rất quan trọng với tôi, do đó tôi chọn công ty này”.

Chìa khoá nằm ở năng suất.

Trong năm ngoái, có nhiều điều đã thay đổi trong văn hoá công sở Nhật Bản. Nhiều nhân viên nhận ra rằng họ không cần phải ở văn phòng 05 ngày 1 tuần, từ sáng cho đến đêm để duy trì năng suất công việc.

Khi dịch bệnh đã kết thúc, nhiều công ty đang lên kế hoạch trở lại với guồng làm việc trước kia. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đó là một sai lầm, và việc giữ lại hệ thống như trong thời dịch bệnh là một lựa chọn mà đôi bên cùng có lợi.

 

Sacchan
Xem thêm: