Lễ hội hằng năm vô cùng điên rồ ở Tokyo, “trai quấn rơm thổi vỏ ốc, bị tạt nước rồi bị vác đi khắp phố”

Đây là một trong những lễ hội điên rồ nhất ở Nhật, kể câu chuyện về hạn hán và những con Rồng.

Ngày xửa ngày xưa, có một ngôi làng ở Nhật rơi vào tình trạng khô hạn kéo dài. Người dân rất cần một cơn mưa. Đây cũng là khởi nguồn của một lễ hội thường niên ở Tokyo, với hình thức vô cùng độc đáo.

Các lễ hội mùa hè Nhật Bản thường có nguồn gốc từ niềm tin tôn giáo, về mối liên hệ với các vị thần, linh hồn, gắn liền với thiên nhiên. Lễ hội Mizudome no Mai diễn ra tại Đền Gonshoji ở khu phố Omori thuộc Phường Ota, Tokyo, cũng không ngoại lệ.

Rất nhiều năm về trước, trở lại những năm 1321, người dân ở Musashi no Kuni (miền Đông Nhật Bản ngày nay) đã phải trải qua những đợt hạn hán kinh khủng. Mặt đất khô cằn, mất mùa thường xuyên, người dân trong khu vực hướng về Trụ trì Chùa Gonsho, cầu xin ông gửi lời đến Thần linh ban phước cho một cơn mưa.

Lắng nghe lời khẩn cầu của người dân, vị sư trụ đã dựng lên một con Rồng bằng rơm. Rồng trong văn hoá Nhật Bản có liên hệ với nước và những cơn mưa trong các câu chuyện cổ. Chẳng lâu sau, lời khần cầu được nghe thấu, mưa đã rơi sau thời gian hạn hán kéo dài.

Mọi chuyện tưởng như đã ổn, thế nhưng trong năm sau, người dân lại phải đối mặt với một vấn đề trái ngược. Mưa quá nhiều gây ngập ruộng và vô số các phiền hà cho người nông dân, hậu quả kinh khủng chẳng khác gì hạn hán. Lúc này họ lại tỏ ra phẫn uất với vị trụ trì, cho rằng hành động của ông chính là lý do thảm hoạ này nối tiếp thảm hoạ khác.

Thế là một lần nữa, vị sư lại phải chịu trách nhiệm. Ông tạo ra những chiếc mặt nạ sư tử, vì sư tử trong tiếng Nhật đọc là “Shishi”, nhưng nếu viết bằng Kanji và đọc theo một cách khá tối nghĩa, “Shishi” cũng có thể hiểu là “ngừng mưa”.

Lần này vị sư trụ trì giao những chiếc mặt nạ cho dân làng, hướng dẫn họ nhảy, đánh trống và thổi vào vỏ ốc xà cừ. Ông nói rằng làm vậy sẽ xoa dịu con Rồng đang gây ra mưa bão. Quả đúng như vậy, mưa giông ngừng lại, và những trận lụt cũng kết thúc.

Để kỷ niệm chuỗi sự kiện đầy chông gai này, hằng năm tại Gonshoji sẽ tổ chức Mizudome no Mai (Tạm dịch: Vũ điệu ngừng mưa). Phần độc đáo nhất của sự kiện đó là hai anh chàng, thường có thân hình to lớn, sẽ được quấn vào trong ụ rơm và được khuân vác diễu hành khắp đường phố Omori. Họ sẽ thổi vỏ ốc xà cừ và bị “tưới nước” không thương tiếc.

Hai người đàn ông này đại diện cho những con Rồng mang theo bão tố, và người dân cần vận chuyển họ đến Gonshoji. Những con Rồng có phần nổi loạn này đương nhiên sẽ không tự đi mà cần người “rước”.

Mizudome no Mai diễn ra vào tháng 7, trùng với thời điểm nóng nhất trong năm ở Nhật Bản, do đó bị tạt nước vào người cũng không phải trải nghiệm gì quá khủng khiếp. Thêm nữa do trọng lượng của “Rồng”, đám rước thường xuyên phải dừng lại và khi đoàn đến điểm cuối, một đội vũ công mang mặt nạ sư tử sẽ biểu diễn, tái diễn những chiếc mặt nạ và vị sư trụ trì đã làm.

Những người tham gia lễ hội mặc áo có hoạ tiết hình tam giác, đó chính là vảy Rồng.

Đáng tiếc Mizudome no Mai không thể tổ chức trong năm 2020 và 2021 do dịch bệnh. Lễ hội trở lại vào năm 2022, vào lúc 1 giờ chiều vào Chủ nhật, 10 tháng 7.

Thông tin 
Gonshoji / 厳正寺
Địa chỉ: Tokyo-to, Ota-ku, Omori Higashi Sanchome 7-27
東京都大田区大森東三丁目7番27号

 

 

Sacchan
Xem thêm: