Câu chuyện “bánh bèo” ở Nhật Bản, làm “bánh bèo” cũng cần nhiều kỹ năng

Chúng ta thường gọi những người thích nhờ vả người khác làm gì đó cho họ, trong khi tỏ ra bản thân quá vô dụng là bánh bèo. Bánh bèo là câu chuyện không phải của riêng ai, của quốc gia nào. Tuy nhiên ở Nhật, bánh bèo đã trở thành một hệ tư tưởng.

Trong tiếng Nhật có một từ là amae (甘え), xuất phát từ động từ amaeru (甘える) nghĩa là làm nũng, nhõng nhẽo. Từ này do nhà phân tâm học Doi Takeo phổ biến vào đầu những năm 70, đã được phân tích mổ xẻ rất nhiều trong các bài báo khoa học để phân biệt thói quen nuôi dạy trẻ ở Nhật Bản và các nước phương Tây.

Góc nhìn về ngôn ngữ.

Amae tồn tại trong tiếng Nhật trước cả khám phá của Doi. Gốc của từ này là Amai (甘い) có nghĩa là “ngọt ngào” nhưng cũng có nghĩa khác là “ngây thơ”. Chúng ta cũng có động từ amayakasu (甘やかす) nghĩa là nuông chiều đến mức làm cho hư hỏng.

Ngoài ra chúng ta cũng có 甘えん坊 (amaenbo) được mô tả là người (hoặc động vật) thích nhõng nhẽo, luôn yêu cầu được quan tâm, để ý. Ví dụ mèo nhà bạn lúc nào cũng dụi đầu vào người bạn khi bạn đang cố tập trung làm việc. Thế nhưng khi dùng với người, từ này thường ám chỉ những cô gái đang nhõng nhẽo, vòi vĩnh người yêu.

甘え上手 (amae jouzu) chỉ những người vô cùng chuyên nghiệp trong việc khiến người khác phải làm theo yêu cầu của họ bằng cách tận dụng vẻ ngoài hay các cử chỉ ngây thơ, trong sáng.

Định nghĩa Amae của Doi.

Doi Takeo (土居 健郎) là người đã đưa Amae trở thành một hiện tượng tâm lý cốt lõi trong giao tiếp xã hội Nhật Bản. Doi Takeo từng có thời gian thực tập tại Hoa Kỳ và những cú sốc văn hoá tại thời điểm đó đã trở thành động lực cho ông ra mắt cuốn sách bán chạy Giải phẫu phụ thuộc ( 甘えの構造 , Amae no Kōzō ) vào năm 1971.

Doi định nghĩa Amae là mong muốn “phụ thuộc, mặc định tình cảm của người khác hoặc đắm chìm trong sự nuông chiều”. Mối quan hệ phù hợp nhất để diễn tả cho mong muốn này là giữa con cái và cha mẹ. Hình ảnh một đứa trẻ đòi ăn quà khi mẹ nó đang bận rộn làm việc là ví dụ điển hình cho Amae. Thực tế đây là một hành động mang lại lợi ích hai chiều, vì đứa trẻ thoả mãn yêu cầu của nó, còn mẹ đứa trẻ cảm thấy được con mình yêu thương, tin tưởng.

Doi chỉ rõ rằng Amae tồn tại trong những nền văn hoá khác, nhưng cũng lập luận rằng Nhật Bản là quốc gia duy nhất có từ vựng riêng cho hiện tượng trên, cũng như ăn sâu vào lối sống hằng ngày của người Nhật. Thế nhưng khả năng là vì Amae không thể được dịch một cách chính xác sang ngôn ngữ khác, chứ không phải vì nó không tồn tại. Các quốc gia phương Tây không đánh giá cao việc “nuông chiều” ai đó, nhưng nếu hiểu Amae là “mong muốn được yêu thương” hay “nhu cầu phụ thuộc” như bản dịch tiếng Anh của Giải phẫu phụ thuộc ( 甘えの構造 , Amae no Kōzō ), đó chưa hẳn là khái niệm xấu.

Các mặt của Amae.

Amae không phải là một khái niệm tiêu cực, ngược lại có thể xem như một kỹ năng sống. Nhưng áp dụng kỹ năng sống này là một thử thách, đặc biệt khi bạn là phụ nữ. Cũng giống như cách nhiều người nhìn nhận không được tích cực về “bánh bèo” thường được dùng cho nữ giới, việc một cô gái trở thành Amae có thể bị chỉ trích khá nhiều.

Amae không đơn giản là cảm xúc, mà bao gồm hành vi, mức độ quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau. Tuổi tác và địa vị xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Sẽ rất bình thường nếu một cô gái muốn bạn trai mình chiều chuộng và tỏ ra yếu đuối bên cạnh người yêu, nhưng sẽ có vấn đề nếu cô ấy cũng làm vậy với những đồng nghiệp nam khác. Một Amae chuyên nghiệp sẽ đọc được các dấu hiệu xã hội và đưa ra phản hồi phù hợp.

Đó là lý do dù biết rằng mình đang bị “nũng nịu”, nhiều người vẫn sẵn sàng làm mọi thứ để đáp ứng nhu cầu của các Amae. Vì xét cho cùng, đây là một kèo mà đôi bên cùng có lợi.

 

Sacchan
Xem thêm: