Câu chuyện về nỗ lực “10 năm đuổi theo sự thật” của phụ huynh bé gái chết đuối trong hồ bơi trường tiểu học Nhật Bản
Vào mùa hè 10 năm trước, Hana Asada, học sinh năm nhất tiểu học Yotoku ở Kyoto gặp tai nạn chết đuối. Gia đình hạnh phúc bỗng chốc tang thương vì mất đi thành viên, cha mẹ cô bé muốn lời giải đáp cho câu hỏi “Tại sao con gái tôi lại chết đuối?”. Cuộc điều tra của hội đồng giáo dục và nhà trường không hoàn thiện, bên thứ 3 cũng không thể đưa ra câu trả lời thuyết phục. Kể từ khi đó, những bậc phụ huynh vẫn tiếp tục tự mình điều tra. Sau 10 năm, những nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa đi đến hồi kết.
Phép màu trời ban
“Đối với chúng tôi, Hana là đứa bé trời ban”.
Hai vợ chồng nhà Asada gần như đã từ bỏ điều trị hiếm muộn sau 5 năm cố gắng. Nhưng khi tưởng chừng đã tuyệt vọng thì mẹ Hana mang thai tự nhiên.
“Cháu đã cho chúng tôi được làm cha mẹ, đã cứu lấy đời chúng tôi”
Về nhà thôi con
Vào ngày 30 tháng 7 năm 2012, Hana chuẩn bị tham gia buổi học trong kỳ nghỉ hè. Khi cô bé nói câu “con đi nhé” với mẹ mình, trên mặt em khi ấy thoáng biểu hiện bất an.
“Hana đuối nước trong hồ bơi”
Chiều hôm đó, mẹ Hana nhận được tin dữ qua cuộc gọi từ nhà trường. Bà tức tốc chạy đến bệnh viện và thấy con mình nằm trên giường, với rất nhiều ống gắn phức tạp. Bác sĩ nói “chúng ta hãy cầu cho phép màu xảy ra”. Cô bé đang trong tình trạng nguy kịch. Trong phòng chăm sóc đặc biệt, người mẹ chỉ biết liên tục nói chuyện với con gái:
“Về nhà con nhé, Hana thích ăn gà rán nhỉ, về nhà rồi ăn nhé”.
“Con cứ ngủ như vậy cũng được, nhưng hãy sống con nhé”.
Tuy vậy không có phép màu nào xảy ra cả, tim cô bé ngừng đập vào tối ngày 31.
Chuyện gì đã xảy ra? Nhà trường phản hồi “Chúng tôi không biết”
Hai phụ huynh bất hạnh mãi chẳng hiểu tại sao lại mất con, họ tin nhà trường sẽ tìm ra nguyên nhân, rốt cục chuyện gì đã xảy ra tại hồ bơi hôm ấy? Mười tám ngày sau vụ tan nạn, tại văn phòng hiệu trưởng trường tiểu học Yotoku, họ nhận được lời giải thích như sau.
Ngày xảy ra tai nạn, 69 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tham gia học bơi với 3 giáo viên giám sát. Có rất nhiều nguy hiểm rình rập tại hồ bơi ngày hôm đó. Mực nước là quá cao so với các em học sinh tiểu học. Hana cao 113 cm trong khi mực nước hồ bơi nơi phát hiện xác em là 95 cm. Khi đó có 2 giáo viên ở khu vực hồ bơi, một người đang phun nước dọn dẹp ở thành hồ. Cả hai người đều không ai cảnh giác về vụ tai nạn và cũng không giám sát đầy đủ. Thêm vào đó trên mặt nước có rất nhiều ván phao nổi che khuất tầm nhìn.
Tuy nhiên hiệu trưởng không đề cập đến nguyên nhân Hana chết đuối. “Không ai nhìn thấy, tôi không biết”. Phụ huynh yêu cầu mở cuộc điều tra, nhưng không có bất kỳ tiến triển nào.
Trên thực tế, cuộc điều tra của nhà trường không được thực hiện đến nơi đến chốn. Một nữ giáo viên làm chứng rằng trong lúc hỏi thăm 68 em học sinh có mặt tại hiện trường hôm ấy, chỉ thị từ cấp trên là “không được hỏi về vụ tai nạn”. Nhà trường ưu tiên “chăm sóc tinh thần” cho các em hơn là điều tra sự thật. Kết quả chỉ có 7 học sinh nhắc đến vụ tai nạn, nhưng không có thông tin nào về nguyên nhân chết đuối của Hana. Giáo viên ấy vô cùng hối hận “Đáng lẽ phải hỏi chuyện khi các em còn nhớ, ưu tiên của nhà trường là một sai lầm”.
Sau khi nói chuyện với giáo viên, hội đồng giáo duc thành phố và phía nhà trường quyết định đóng điều tra, đồng thời thực hiện các bước tiếp theo để ngăn vụ việc tái diễn. Vào tháng 2 năm 2013, hội đồng giáo dục thông báo với phụ huynh rằng “không xác định được nguyên nhân” và trình bày dự thảo hướng dẫn dạy bơi cải thiện độ sâu của hồ cũng như lắp thêm hệ thống giám sát.
Không ngừng nỗ lực tìm kiếm sự thật
“Nhà trường không điều tra, chúng ta phải tự làm thôi”.
3 tháng sau vụ tại nạn, bố mẹ của Hana đệ đơn kiện nhà trường và những người liên quan. Trong phán quyết của Toà án, dù phụ huynh bé Hana đã thằng kiện và phía nhà trường thừa nhận không giám sát đầy đủ, nhưng cũng chẳng có tiến triển nào cho con đường tìm kiếm sự thật của họ.
Hai người quyết định thành lập nhóm điều tra với khoảng 10 người. Vào tháng 8 năm 2015, họ thuê một hồ bơi tại trường tiểu học Yotoku để tái hiện hiện trường.
Mặc dù có thể đưa ra vài giả thiết, nhưng con đường đến sự thật vẫn còn rất xa vời. Ngay cả khi hiểu rõ việc biết được nguyên nhân không làm con gái sống lại, họ không thể ngừng ám ảnh về “giọng nói cuối cùng” của con gái trong giờ phút lâm chung.
“Nếu không ai tìm kiếm sự thật, vụ án của con tôi sẽ trở thành tai nạn không nhân chứng. Suy nghĩ cuối cùng của Hana trong hồ bơi là gì? Là bậc cha mẹ, chúng tôi không thể phớt lờ tiếng gọi của con.
Sự ra đời của “HANA model”
Tại nạn ở các hồ bơi trường học xảy ra rất thường xuyên. Có số liệu thống kê rằng có 14 người chết và 55 người bị thương tật vĩnh viễn do các tai nạn hồ bơi gây ra từ năm 2012 đến 2021.
Vấn đề chung của các trường học là không có hệ thống cứu trợ thích hợp. Trong trường hợp của Hana, không có người chỉ huy cứu hộ, các giáo viên bối rối trong khâu hô hấp nhân tạo cho người bị nạn.
Dựa trên bài học này, trường tiểu học Yotoku đã lập ra phương châm cứu hộ, nêu rõ việc phân chia vai trò của người cứu hộ và giáo viên hướng dẫn. Theo yêu cầu của bố mẹ Hana, phương châm này được đặt tên “HANA model” kể từ năm ngoái.
“Xin đừng để tính mạng của bất kỳ ai bị lãng phí”.
Phụ huynh bé Hana đã đến trường tiểu học Yotoku vào ngày giỗ của bé để bộc lộ những suy nghĩ của mình. Họ hy vọng nhà trường sẽ đối mặt trực tiếp với vụ việc, để bảo vệ tính mạng cho các em.
Vào ngày 31 tháng 7 năm nay, trước khoảng 40 giáo viên và nhân viên hội đồng giáo dục thành phố, mẹ Hana phát biểu:
“Tôi không muốn tính mạng của Hana bị lãng phí. Cũng như chúng tôi, tôi tin rằng đây cũng là mối quan tâm của nhà trường. Tôi muốn các bạn truyền bá mô hình Hana ra toàn quốc và cùng nhau suy nghĩ về những thay đổi có thể thực hiện để bảo vệ tính mạng cho lũ trẻ”.
Dù không thể thay đổi quá khứ, họ không muốn sai lầm lặp lại. Đó là nguyện vọng, ước muốn của những phụ huynh bất hạnh vẫn không ngừng tìm kiếm “tiếng nói cuối cùng” của con.
Sacchan