Cái bóng YOKAI – Bí ẩn nước Nhật, những câu chuyện kinh điển và tác động đến hiện tại

Yokai không đơn giản chỉ là yêu quái, yêu tinh,…cũng không thể được dịch là “quái vật” hay “hồn ma”, chính xác mà nói, Yokai là “hiện tượng không thể lý giải”, “vượt ra khỏi tầm hiểu biết của con người”.

Từ Yokai đã có từ nền văn minh cổ đại Nhật Bản, do người Nhật nghĩ ra để giải thích cho những điều mà họ không thể lý giải. Ví dụ ai đó chết đuối trên sông là do bị Kappa kéo xuống, hay tiếng vang là do Yamabiko nhại lại bạn. Càng về sau càng có nhiều loại Yokai mới xuất hiện.

Bạn không thể kể hết tên các loại Yokai vì chúng có rất nhiều, thêm nữa mỗi vùng lại có Yokai đặc trưng riêng. Một số Yokai bị cho là xấu xa, nhưng số khác lại sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Trong lịch sử, xã hội Nhật Bản luôn theo hướng đa thần và duy vật trước sự du nhập của các tín ngưỡng tôn giáo khác. Không có một vị Thần duy nhất, Thần tồn tại ở mọi nơi. Việc người Nhật tôn sùng thiên nhiên đã nâng tầm một số Yokai. Vài Yokai được ca tụng là những “Thần”, những “Linh” bảo vệ rừng núi, sông ngòi. Và vì con người sống trong môi trường thiên nhiên nên họ cũng thờ phụng các Yokai để những Yokai này yêu thương và bảo vệ họ. Xung quanh ta có muôn vàn vật thể, do đó mà cuộn thư viết về những Yokai ngày một dài thêm, và vô cùng sống động.

Nếu trước kia Yokai gắn liền với các yếu tố tự nhiên thì về sau Yokai còn xuất hiện trong những vật thể đời thường do con người tạo ra như chiếc ô, cái nón, cánh cửa,… Nếu con người đối đãi không tốt với những vật thể hữu linh này, chúng sẽ biết căm hận và trở nên tinh quái.

Yokai trở thành văn hoá dân gian lan rộng khắp đất nước nhờ được phổ biến bởi các nghệ sĩ. Một trong những cuộn thư nổi tiếng minh hoạ Yokai là “Bách quỷ dạ hành” (画図百鬼夜行) của bậc thầy ukiyo-e Toriyama Sekien vào thừoi Edo năm 1776.

Thời kỳ Edo đánh dấu một trong những giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử Nhật Bản về mặt mỹ thuật và sản xuất nghệ thuật nói chung. Đây là một thời kỳ hoà bình kéo dài, đất nước thịnh vượng, giàu có với sự xuất hiện của các thương gia, chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu. Nhiều người có tiền đồng nghĩa với việc nhu cầu giải trí nghệ thuật cao hơn, và những hình thức mới được ra đời. Tại thời điểm này, Yokai phổ biến đến mức vô số câu chuyện và truyền thuyết được tạo ra, thậm chí được phóng đại cho thêm phần kịch tính, nhằm mục đích gây ấn tượng mạnh với dân chúng.

Các hiện tượng kỳ dị không thể giải thích trở thành một hiện tượng văn hoá, xuất hiện trong các trò chơi bài cho trẻ em, trên các bản khắc in, thậm chí trên lá bùa cầu may. Yokai còn lấn sân sang lĩnh vực thời trang, trở thành những hình mẫu in ấn trên trang phục rất được yêu thích.

Trong suốt nhiều thế kỷ, những tác phẩm nghệ thuật với đề tài Yokai được tạo ra bởi các bậc thầy và các hình tượng thu thập từ hàng trăm năm trước, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm, vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Nhờ những bậc thầy ukiyo-e như Katsushika Hokusai và Utagawa Kuniyoshi, một số tác phẩm đáng kinh ngạc đã được cả thế giới công nhận bởi những con mắt không chuyên vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là vì những kiệt tác này là tài liệu tham khảo cho việc tạo ra những bộ anime, manga, phim ảnh hay trò chơi điện tử.

Văn hóa Yokai phát triển từ sự sợ hãi các vị thần, trở thành một phần của văn hóa đại chúng với mức độ ảnh hưởng đáng kinh ngạc đối với quốc gia. Tuy nhiên, những niềm tin này đã bị phai nhạt trong một số thời đại nhất định, nhường chỗ cho những học thuyết mới.

Đặc biệt trong quá trình quân sự hóa của Nhật Bản vào thời điểm Thế chiến II, các tín ngưỡng văn hóa khác được du nhập cũng như triết lý siêu dân tộc đã khiến nét văn hoá Yokai bị lu mờ. Tuy nhiên, vào những năm 1960, huyền thoại Shigeru Mizuki đã đưa văn hóa Yokai trở lại mainstream nhờ bộ anime và manga nổi tiếng “Gegege no Kitaro”. Sức hấp dẫn của những câu chuyện thần thoại này một lần nữa được nhắc lại trên đất nước Mặt trời mọc, khơi dậy một điều gì đó đã bị lãng quên trong quãng thời gian dài.

Shigeru Mizuki đã từng nói trong các cuộc phỏng vấn, anh bị lạc trong một khu rừng trong Thế chiến II. Một đêm nọ, anh được một Yokai cứu khi đang cảm thấy có một bức tường ngăn anh tiến về phía trước trong bóng tối. Sáng hôm sau, anh nhận ra không có bức tường nào cả mà chỉ có một vách đá khổng lồ. Điều này khiến Shigeru vô cùng kinh ngạc, và từ đó anh quyết định cống hiến cuộc đời mình với chủ đề Yokai, nhằm đánh thức xu hướng thời kỳ Edo đồng thời giáo dục hàng triệu người về văn hóa dân gian truyền thống Nhật Bản theo cách tiếp cận hiện đại. Shigeru không phải là người duy nhất ở Nhật Bản sử dụng yokai trong các sáng tạo của mình. Nhờ sự hiện diện quan trọng của yokai trên các phương tiện truyền thông mà niềm đam mê đối với những câu chuyện thần thoại đã được quay trở lại và thâm nhập vào giới nghệ thuật giải trí.

Sẽ không thể đếm được có bao nhiêu dự án khác nhau lấy cảm hứng từ Yokai cho đến hiện tại. Nhưng có thể thấy được xu hướng thay đổi về cách nhìn nhận về Yokai trong nghệ thuật từ trước đến nay. Lúc đầu Yokai thường được mô tả rất trừu tượng, khiến con người cảm thấy sợ hãi hoặc tôn kính, nhưng các thiết kế bắt đầu được chỉnh sửa để trở nên hợp khẩu vị hơn. Yokai được tưởng tượng có thân hình tròn trịa, đáng yêu và gần gũi với con người hơn.

Tuy chỉ là suy đoán nhưng nhiều người cho rằng Yokai chính là nguyên nhân khiến người Nhật ám ảnh với linh vật. Một ví dụ dễ nhận biết là Pokémon. Ý tưởng đằng sau Pokémon rõ ràng có liên quan đến Yokai. Chúng không phải động vật, và phần lớn có liên hệ với thiên nhiên, sở hữu năng lượng nguyên tố, không phải ma quỷ, linh hồn,…

Nhìn chung, Yokai do không có một định nghĩa nào cả, nên chỉ có thể ngày càng phát triển và biến tấu dựa trên trí tưởng tượng của con người, chứ khó mà mai một đi. Thật hào hứng khi nghĩ về việc giới Yokai sẽ đi theo chiều hướng nào trong tương lai.

 

Sacchan
Xem thêm: