Hệ thống quy tắc ứng xử của người Nhật từ đâu ra?

Người Nhật nổi tiếng cư xử tốt, đặc biệt là cách họ để ý và tránh tối đa việc gây phiền phức cho người khác. Tôi đã đi nhiều quốc gia khác nhau, và vì là người Nhật nên đi đến đâu cũng được chào đón.

Vậy thì nguồn gốc hệ thống cư xử của người Nhật được thế giới nể phục này từ đâu ra?
Nhưng trước đó, cũng phải nói là số người Nhật quên mất cách cư xử sao cho phải phép đang ngày càng nhiều hơn.

Văn hoá ứng xử của người Nhật không phải thứ nằm trong Gen di truyền mà được hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử dân tộc.

Hơi ngược đời một chút, nhưng nhiều người cho rằng văn hoá này bắt đầu từ môi trường sống nghèo khó của người Nhật xưa. Chưa kể thời tiết Nhật Bản vô cùng khắc nghiệt. Mùa hè nắng nóng, độ ẩm cao, mùa đông lạnh cóng vì tuyết rơi.

Thiên tai là một “đặc sản” khác của nước Nhật. Việc bão lớn, động đất, sóng thần phá huỷ cả một thành phố không phải tin tức gì quá đặc biệt ở Nhật. Núi lửa phun trào cũng chẳng phải hiện tượng lạ. Thiên nhiên 4 mùa tươi đẹp chỉ là mặt ngoài, đằng sau đó là một môi trường sống khó khăn.

Ngày nay, công nghệ Nhật Bản tiến bộ để ngăn chặn thiệt hại của thiên tai, nhưng để làm được như vậy, người Nhật đã phải trả giá bằng những bài học đau thương trong quá khứ.

Nếu xã hội có sự phân hoá giàu nghèo, dễ xảy ra hiện tượng người nghèo nổi lòng tham, trộm cắp của người giàu. Nhưng khi thiên tai xảy ra, ai cũng trở thành nạn nhân. Điều gì xảy ra với mối quan hệ giữa người với người trong thảm hoạ?

Trong thiên tai, bạn không thể sống nếu chỉ nghĩ cho bản thân, phải nương tựa vào người khác để cùng nhau vượt qua. Khi hoàn cảnh đẩy chúng ta xích lại gần nhau hơn, nếu không để ý đến người khác sẽ rất khó sống, lợi ích của tập thể khi đó cũng trở thành lợi ích của từng cá nhân.
Đó chính là gốc rễ hệ thống quy cách ứng xử của người Nhật.

Thần đạo, tôn giáo của người Nhật cũng ra đời từ gốc rễ quy tắc ứng xử này, kết hợp cùng niềm tin vào sự tồn tại của Thần linh trong vạn vật. Thêm nữa bạn cũng có thể cảm nhận được quy tắc đặt tập thể lên trên cá nhân trong tiếng Nhật.
Trong tiếng Anh, cái tôi cá nhân được đề cao, do đó trong câu chủ ngữ thường được nhấn mạnh. Nhưng trong tiếng Nhật, chủ ngữ của câu thường xuyên biến mất, chưa kể còn xuất hiện thêm hệ thống tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ.

Đó cũng chính là lý do khiến tiếng Nhật phức tạp và là một nỗi ám ảnh thực sự với người nước ngoài.

Dù có mặt tốt mặt xấu, nhưng nhìn chung người Nhật luôn nhìn vào vị trí của đối phương và có xu hướng đặt người khác lên trên mình trong một cuộc hội thoại.

Kengo Abe
Xem thêm: