Nhắc lại thảm kịch mang tên Ehime Maru và câu chuyện về “Ngày an toàn biển” ở Nhật

Một bi kịch đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, đồng thời khiến rất nhiều gia đình phải vật lộn đối diện với hậu quả của nó.

Vào ngày 10 tháng 2 hằng năm tại trường trung học ngư nghiệp Uwajima (宇和島水産高校) ở Uwajima, Ehima, khoảng 300 học sinh và nhân viên tập trung lại, cúi đầu trong sự tĩnh lặng trang nghiêm để tưởng nhớ những người đã khuất. Hồi chuông đổ chín lần, gửi đến chín người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn hàng hải năm 2001, một vụ va chạm giữa tàu huấn luyện của trường và tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ. Tai nạn này được gọi là sự cố Ehime (えひめ丸事故; Ehimemaru jiko). Bên cạnh các nạn nhân đã qua đời, biến cố cũng gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia, và đặt ra câu hỏi về cách Hải quân Hoa Kỳ xử lý các vụ tai nạn hàng hải quốc tế. Đồng thời, biến cố Ehime làm bật lên những nghi ngờ nảy sinh giữa hai quốc gia, với hai quan điểm khác nhau trong việc bày tỏ sự hối tiếc, lời xin lỗi.

Một ngày bi kịch

Vào ngày 9 tháng 2, tàu Ehime Maru rời Honolulu để đến ngư trường ngoài khơi Oahu. 13 sinh viên trên tàu đang được đào tạo nghiệp vụ đánh cá.

Trong khi đó, USS Greeneville, tàu ngầm của hải quân Nhật Bản, là một trong nhiều tàu ngầm dùng để tiếp đón các thành viên có ảnh hưởng trong xã hội, nhằm gây ấn tượng với họ, thuyết phục họ về sự cần thiết phải duy trì một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Để gây ấn tượng hơn nữa với các khách VIP trên tàu, Chỉ huy Scott Waddle đã ra lệnh cho USS Greeneville thực hiện một động tác nổi lên mặt nước bằng đòn dằn khẩn cấp. Kỹ thuật này yêu cầu giải phóng không khí áp suất cao vào các két dằn, đẩy nước ra ngoài để làm nhẹ tàu, để tàu có thể nhanh chóng nổi lên mặt nước. Tàu ngầm nổi lên với tốc độ đủ để mũi tàu vọt lên, giống như một con cá voi lao lên mặt nước.

Nhưng khi tàu ngầm bất ngờ nổi lên, nó va chạm với Ehime Maru, đâm xuyên thân tàu. Tàu Ehime Maru chìm trong 10 phút. Trong số 35 người trên Ehime Maru lúc đó có 9 người thiệt mạng, bao gồm 3 thuỷ thủ đoàn, 2 hướng dẫn viên và 4 học sinh, được cho là bị kẹt ở khoang tàu gần phòng máy. 26 người khác bị cú sốc hất văng xuống biển và được cứu sống. Trái lại Greeneville chỉ bị thiệt hại rất nhỏ, nếu so sánh tương quan thiệt hại giữa hai bên.

Hai phản ứng khác nhau.

Sau vụ việc…

Máy bay trực thăng của phương tiện truyền thông bám sát đuôi máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn và Cảnh sát biển, tin tức về vụ việc nhanh chóng được lan truyền. Tổng thống Mỹ George W. Bush nhanh chóng ra tuyên bố bày tỏ sự đau buồn về vụ việc. Điều tương tự không  xảy ra với Thủ tướng Nhật Bản Mori Yoshiro (森喜朗), cựu tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Được biết đến là người có “trái tim của bọ chét và bộ não của cá mập” (サメの脳、ノミの心臓), Mori không được lòng công chúng Nhật Bản. Các cuộc thăm dò ý kiến ​​​​phản ánh không tốt về ông, và nhiệm kỳ của ông đầy rẫy những nhận xét hớ hênh và sáo mòn. Khi tai nạn Ehime Maru xảy ra, Mori đang đi nghỉ ngơi, chơi gôn với các cổ đông tại một khu nghỉ dưỡng độc quyền. Mặc dù nhận được không chỉ một mà đến ba báo cáo về vụ việc, Mori vẫn tiếp tục cuộc vui của mình. Khi các phương tiện truyền thông nắm bắt và phản ánh thông tin này, người dân Nhật Bản đã rất tức giận. Sự phẫn uất từ công chúng buộc Mori phải từ chức vào tháng 4 năm 2001.

Ai là người có lỗi?

Sau phản ứng với động thái của những người đứng đầu quốc gia, dư luận bắt đầu thảo luận về những gì đã thực sự xảy ra.

Thuyền trưởng Onishi (大西) của tàu Ehime Maru, người may mắn sống sót ngay lập tức bị gọi đến để lấy lời khai. Hàng loạt các câu hỏi và giả thiết được đặt ra. Nếu Greeneville đã phát hiện ra Ehime Maru bằng sonar (phương tiện định vị bằng âm thanh), tại sao nó không tránh ra trước khi thực hiện thao tác nổi lên mặt nước? Tại sao Greeneville không hỗ trợ nỗ lực cứu hộ? Khi thông tin về các VIP trên tàu Greeneville được tiết lộ, dư luận lại càng lùm xùm hơn. Tại sao Hải quân lại tham gia vào các cuộc diễn tập rủi ro cao với thường dân trên tàu? Có đúng là có hai thường dân đang điều khiển tàu khi vụ va chạm xảy ra không?

Những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác đã được đặt ra cho Waddle và thủy thủ đoàn Greeneville khi họ phải đối mặt với yêu cầu của Hải quân Hoa Kỳ và Ủy ban An ninh Giao thông Quốc gia ở Hawaii. Các thành viên gia đình của nạn nhân đã có mặt trong các phiên điều trần. Tòa án phát hiện ra một số vấn đề dẫn đến vụ việc, đáng chú ý nhất là sự sơ suất của thuỷ thủ đoàn. Chẳng hạn, thay vì giữ nguyên lộ trình và đợi 3 phút để khả năng sonar được khôi phục sau các cuộc diễn tập dưới biển sâu trước đó, Waddle chỉ đợi 90 giây. Những hành động lược bỏ quy trình xảy ra với tần suất đáng lo ngại. Không ai trong số những vị khách VIP trên tàu Greeneville được yêu cầu làm chứng.

Cuối cùng, sau khi xem xét bằng chứng và lời khai, Hải quân Hoa Kỳ xác định không cần thiết phải đưa ra tòa án quân sự. Waddle được xuất ngũ trong danh dự, và các thành viên thuỷ thủ đoàn khác chỉ bị tạm đình chỉ hoạt động. Nói một cách nhẹ nhàng, kết quả này không thể thoả mãn thân nhân của những người đã khuất.

Nghệ thuật xin lỗi

Các chính trị gia của cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đã được triệu tập tại Hawaii để điều hướng hậu quả của vụ tai nạn. Tuy nhiên, những người chịu trách nhiệm về vụ việc và thứ tự đưa ra lời xin lỗi của họ không được lòng nhiều người Nhật. Một Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ không liên quan đến vụ việc đã xin lỗi thay cho những người lẽ ra phải chịu trách nhiệm. Ở Hoa Kỳ, lời xin lỗi phần lớn được coi là sự thừa nhận tội lỗi; trái lại ở Nhật Bản, nó được coi là biểu hiện của sự quan tâm đối với người khác. Như Mark Magnier đã viết trong một bài báo của tờ Los Angles Times “Trong văn hoá Nhật Bản, Waddle, với tư cách là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ tai nạn, lẽ ra phải là người đưa ra lời xin lỗi đầu tiên, trước cả Tổng thống Bush.”

Hệ quả

Chính quyền tỉnh Ehime đã thành lập một đội y tá và bác sĩ chuyên về sức khỏe tâm thần để chăm sóc cho những người sống sót và gia đình của tang quyến. 9 học sinh sống sót đều bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Do lo ngại về nguy cơ tự tử, mỗi học sinh được chỉ định hai y tá y tế công cộng, đồng thời giáo viên của họ cũng được hướng dẫn cách phát hiện và xử lý các triệu chứng PTSD.

Xác tàu Ehime Maru được tìm thấy vào ngày 16 tháng 2 năm 2001, ở độ sâu 600 mét. Không lâu sau đó, gia đình tang quyến đã yêu cầu Hải quân và Chính phủ Hoa Kỳ trục vớt con tàu đắm và tìm kiếm hài cốt của những người đã chết. Tuy có những phàn nàn về chi phí trục vớt xác tàu, Hải quân cuối cùng cũng bắt đầu lên kế hoạch thực hiện vào tháng Sáu. Nhật Bản đã gửi tàu ngầm cứu hộ Chihaya do Lực lượng Phòng vệ Hàng hải (MSDF) điều khiển để hỗ trợ tìm kiếm thi thể nạn nhân và các vật dụng có thể trục vớt khác. Vào tháng 10, họ di chuyển xác tàu đến vùng nước nông ngoài khơi Oahu. Tám thi thể đã được các thợ lặn tìm thấy nhưng xác của người thứ 9, là một sinh viên, mãi mãi không bao giờ có thể được phát hiện nữa.

18 năm sau…

Nhật Bản và Hawaii tiếp tục thực hiện phần việc của mình để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra với Ehime Maru sẽ không bao giờ bị lãng quên. Năm 2003, Hiệp hội Nghề cá và Trường Trung học Quốc gia Nhật Bản đã chỉ định ngày 10 tháng 2 là “Ngày An toàn Biển” (海の安全祈念日; Umi no Anzen Kinen Bi ). Đài tưởng niệm Ehime Maru có ở cả Uwajima và Honolulu, với các nghi lễ tưởng nhớ người đã khuất được tổ chức hàng năm. Tàu Ehime Maru mới được thiết kế lại với tiêu chí an toàn hơn.

Sacchan
Xem thêm: