Karoshi – vấn đề muôn thuở của Nhật Bản thông qua câu chuyện kinh điển về nữ nhân viên của Dentsu

Chín tháng sau khi bắt đầu làm việc tại công ty quảng cáo Nhật Bản Dentsu, Takahashi Matsuri đã nhảy lầu tự tử. Cái chết của cô đã châm ngòi cho một loạt cải cách sau đó – nhưng một số người cho rằng như vậy vẫn chưa đủ.

Hiện nay vấn đề cân bằng thời gian làm việc và thời gian riêng tư đang được bàn tán nghiêm túc trên toàn thế giới. Ở Trung Quốc, các cuộc biểu tình phát sinh xoay quanh cái gọi là “văn hóa 996”, trong đó người lao động phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần – lịch trình làm việc quá khắc nghiệt, không có thời gian cho các công việc riêng tư khác.

Những cuộc thảo luận này không phải chuyện mới mẻ với người lao động Nhật Bản. Đất nước này đã quá nổi tiếng vào những năm 90 với thuật ngữ karoshi (過労死) – nghĩa đen là “làm việc đến chết”.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cuộc trò chuyện dường như đã thay đổi. Người Nhật đang thảo luận nhiều hơn về “cải cách việc làm” (働き改革; hataraki kaikaku). Một loạt các chính sách do Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo đưa ra nhằm giảm gánh nặng cho người lao động. Có thể thấy sự thay đổi này trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản: bộ phim truyền hình gần đây Watashi, Teiji De Kaerimasu (私、定時で帰ります), dịch nghĩa là “Tôi về nhà đúng giờ hành chính”, với sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng Yoshitaka Yuriko, đã xem xét nghiêm túc những vấn đề gây ra bởi tình trạng làm việc quá sức và cách một nhóm nhân viên đấu tranh để cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ.

Thật khó để nói liệu cải cách việc làm có thể thay đổi cách thức hoạt động của Nhật Bản đã tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên, nếu có thể cải thiện được chút ít, chúng ta cũng nên vinh danh người phụ nữ mà câu chuyện của cô đã đặt nền móng cho những cải cách về sau, chỉ tiếc rằng cô không còn để nhận những quyền lợi nữa.

Takahashi Matsuri (高橋まつり) bắt đầu làm việc tại Dentsu vào tháng 4 năm 2015. Chín tháng sau, cô tự kết liễu đời mình. Bi kịch cuộc đời cô đã làm dấy lên những tiếng kêu gọi đòi cải cách, đồng thời chỉ trích Chính phủ và các tập đoàn Nhật Bản không đưa ra những biện pháp phù hợp.

“Cám ơn vì tất cả”

Được người mẹ đơn thân Yukimi nuôi dưỡng, Takahashi Matsuri lớn lên độc lập và biết cách đương đầu với cuộc sống. Sự siêng năng và kiên trì không ngừng nghỉ của cô đã mang lại cho cô tấm bằng từ trường đại học danh tiếng nhất Nhật Bản, Đại học Tokyo. Những giáo viên và bạn bè cũ khi nói về Takahashi đều gọi cô ấy là một người có sức mạnh nội tâm lớn.

Vào năm 2015, sau một công việc bán thời gian tại tuần san Asahi, Takahashi bắt đầu công việc chính đầu tiên của mình tại Dentsu Communications. Được thành lập vào năm 1907, Dentsu là công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản, đạt doanh thu gấp bốn lần đối thủ cạnh tranh gần nhất. Chỉ với danh tiếng này, có thể nói đó là một hợp đồng đầy hứa hẹn cho Takahashi.

Thật không may, cô sớm phát hiện ra rằng Dentsu có mặt tối. Trong vòng vài tháng, cô gái 24 tuổi đã phải làm thêm giờ rất nhiều. Cô ấy ghi lại hành trình làm thêm của mình trên tài khoản Twitter, tài khoản vẫn được mẹ của cô bảo quản nguyên vẹn.

Dòng tweet đầu tiên của cô ấy rất lạc quan và vui vẻ: “Tôi yêu những ngày cuối tuần!” Tuy nhiên, đến tháng 10, mọi thứ trở nên khó khăn hơn và những dòng tweet đầy căng thẳng bắt đầu xuất hiện.

Tôi đã mất hết cảm xúc ngoại trừ cảm giác buồn ngủ.

Cuộc chia tay với bạn trai đã khiến cô ấy tìm thấy niềm an ủi trong công việc. Trong một dòng tweet được re- tweet nhiều nhất, cô ấy đã viết lời cảnh báo gửi cho những sinh viên mới tốt nghiệp:

Nếu có một điều tôi muốn nói với các sinh viên đang tìm việc, thì đó là công việc không phải là một trò chơi vui vẻ hay một công việc bán thời gian, mà là lao động cả đời, và nếu bạn không phù hợp với nó, có khả năng nó sẽ bào mòn bạn cả về tinh thần và thể chất.

Nguyên nhân chính khiến Takahashi căng thẳng là vì công việc lấy đi của cô ấy quá nhiều thời gian. Một tuần trước khi qua đời, những dòng tweet của Takahashi khi đó có lẽ đã thể hiện đầy đủ sự tuyệt vọng của cô gái.

Sau khi vượt qua những ngày căng thẳng tưởng chừng muốn chết này, tôi sẽ còn lại gì đây?

Thật nực cười sau khi làm việc 20 tiếng 1 ngày ở công ty, tôi nhận ra tôi không biết mình sống vì cái gì.

Takahashi cũng nói rõ rằng cô cảm thấy mệt mỏi vì những lời chế nhạo phân biệt giới tính liên tục mà cô ấy phải nghe từ sếp và đồng nghiệp, vẽ nên một bức tranh về một môi trường đầy rẫy định kiến và quấy rối quyền lực.

Bị sếp nam nói rằng không nữ tính, dù biết là trêu chọc, sức chịu đựng của tôi có hạn. Thật bất công khi không thể nói một ông chú hói là thiếu nam tính nhỉ. Chán nản thật đấy.

Năm ngày sau dòng tweet cuối cùng đó, Takahashi đã gửi một tin nhắn cho mẹ cô vào dịp Giáng sinh.

“Công việc và cuộc sống cyar con thật đau khổ. Cám ơn mẹ vì tất cả.”

Mẹ cô cầu xin cô đừng tự kết liễu đời mình, nhưng cô gái chỉ trả lời qua loa.

Sau cuộc trò chuyện đó, Takahashi nhảy lầu tự tử. Cô qua đời khi mới 24 tuổi.

Lịch sử lặp lại 

Điều kinh khủng nhất là đây không phải trường hợp tự tử đầu tiên tại Dentsu. Thực tế trước đó đã có trường hợp tương tự xảy ra.

Năm 1991, Oshima Ichiro (大嶋一郎), 24 tuổi đã treo cổ tự tử tại nhà riêng. Theo lời kể của gia đình, Oshima ban đầu được thông báo rằng anh có thể phải làm thêm từ 60 đến 80 giờ một tháng. Trên thực tế, gia đình anh ấy cho biết anh làm việc nhiều đến mức chỉ về nhà hai giờ, sau đó quay lại công ty làm việc tiếp. Theo các báo cáo, có thời điểm Oshima đã làm thêm 147 giờ trong một tháng – hay nói cách khác là 76 giờ làm việc trong tuần.

Gia đình Oshima đã kiện Dentsu và đã thắng kiện khi kháng cáo lên Tòa án Tối cao Nhật Bản. Công ty đã trả khoảng 1,6 triệu đô la Mỹ và được yêu cầu điều chỉnh lại môi trường làm việc.

Đáng tiếc là 14 năm sau, những thay đổi ấy là không đáng kể.

105 giờ làm thêm trong một tháng

Cái chết của Takahashi đã châm ngòi cho một cuộc điều tra của Bộ Lao động Nhật Bản về đời sống nhân viên tại Dentsu. Cô nhân viên trẻ liệu có thực sự phải làm việc quá sức như câu chuyện của cô trên Twitter không?

Tại Dentsu, theo thỏa thuận lao động, thời gian làm thêm trong một tháng tối đa là 70 giờ. Số giờ được người lao động ghi lại trong bảng tính dưới dạng tự báo cáo và sau đó gửi cho người quản lý phê duyệt. Các báo cáo của Takahashi cho thấy cô ấy đã làm việc 69,9 giờ vào tháng 10 và 69,5 giờ vào tháng 11, những con số vô cùng đáng ngờ.

Luật sư của gia đình Takahashi chỉ ra hệ thống cổng điện tử của Dentsu yêu cầu nhân viên quẹt thẻ . Dữ liệu từ đây cho thấy rằng thời gian làm việc tại văn phòng của Takahashi trong một tháng đã cộng thêm tới 130 giờ làm thêm, vượt xa mức tối đa  của Dentsu. Những cuộc điều tra sâu hơn cho thấy rằng các nhà quản lý của Dentsu đã gây áp lực buộc nhân viên phải làm sai số giờ của họ trên bảng tính mà họ đã gửi để giữ cho thời gian được báo cáo chính thức dưới 70 giờ.

Ủy ban Thanh tra Lao động của Nhật Bản sau đó đã chứng nhận rằng Takahashi đã làm việc ngoài giờ ít nhất 105 giờ – một con số không phù hợp với yêu cầu của gia đình, nhưng vẫn vượt quá giới hạn. Cái chết của Takahashi chính thức được xác định là tự tử do trầm cảm, nguyên nhân làm việc quá sức.

Sau vụ việc, Dentsu bị dán nhãn là “công ty đen” (ブラック企業) – biệt danh dành cho những công ty lạm dụng nhân viên của họ. Vào năm 2016, một nhóm công dân, luật sư và các chuyên gia khác đã trao giải thưởng “Công ty xấu xa nhất của năm” cho Dentsu. Đề cập đến một vụ tự sát khác của nhân viên vào năm 2013, nhóm cho biết: “Nhiều công nhân đã bị giết bởi tập đoàn này. Họ là đại diện cho những công ty vi phạm nhân quyền mà xã hội không thể chấp nhận được.”

Hệ quả

Điều đó có nghĩa là Dentsu phải chịu một hình phạt khủng khiếp phải không? Câu trả lời là không. Công ty chỉ bị phạt 500.000 Yên. Nhà tư vấn lao động Sakaki Yuki chỉ ra rằng khoản tiền phạt chẳng là gì khi so sánh với 1,3 tỷ đô la Mỹ lợi nhuận hàng năm của Dentsu.

Chính phủ đã cố gắng ngăn chặn sự phản đối kịch liệt đối với các hành động của Dentsu – và hình phạt nhẹ đến mức đáng xấu hổ dành cho họ – bằng cách thiết lập một kế hoạch “cải cách công việc”. Chính phủ cho biết sẽ hạn chế làm thêm giờ và cung cấp các cơ chế để nhân viên báo cáo hành vi quấy rối. Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà phê bình. Trong khi Chính phủ ban đầu tìm cách thiết lập một “giới hạn làm việc đến chết” với 80 giờ làm thêm một tháng, thì sự phản đối kịch liệt từ các tập đoàn lớn đã khiến họ đặt mức trần là 100 giờ làm thêm một tháng. Nói cách khác, các công ty vẫn sẽ hợp pháp khi yêu cầu người lao động làm việc tới 65 giờ một tuần – Thời gian biểu khiến họ có ít thời gian dành cho việc nuôi dạy con cái hoặc chăm sóc bản thân. Ngoài ra, một số chuyên gia được trả lương cao nhất định, bao gồm các nhà giao dịch tài chính và nhân viên R&D, giờ đây sẽ được miễn trừ khỏi luật làm thêm giờ của Nhật Bản, nghĩa là việc yêu cầu họ làm thêm giờ sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Một trong những người chỉ trích gay gắt nhất cải cách của Chính phủ Abe là mẹ của Takahashi, bà Yukimi. Năm ngoái, vào ngày giỗ thứ ba của con gái, bà đã viết một bức thư thể hiện nỗi đau của mình và kêu gọi cần cải cách hiệu quả hơn.

Nếu không phải vì phải trải qua hàng giờ dài làm thêm ở Dentsu, con bé có thể vẫn đang làm việc hăng say, đến những nơi mình thích, ăn những món ăn ngon và cười thật sảng khoái. Luật cải cách việc làm đã được thông qua vào năm tháng 6 và sẽ có hiệu lực vào tháng 4 năm sau. Tôi nghĩ, về mặt ngăn ngừa tử vong hay tử tử do làm việc quá sức, cuộc cải cách này còn lâu mới đạt được kết quả. Tôi muốn có một sự thay đổi trong luật để loại bỏ thời gian làm việc kéo dài và hành vi quấy rối khỏi tất cả các công ty, trong tất cả các ngành nghề.

Cuộc chiến để loại bỏ Karoshi vẫn đang và sẽ tiếp tục tại Nhật Bản trong thời gian dài. Chí ít chúng ta có thể thấy được ngày càng nhiều người nhận thức được và nghiêm túc bàn luận về nó.

Đừng để những thứ không đúng đắn trở thành điều gì đó hiển nhiên.

Sacchan
Xem thêm: