Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Những mầm non nơi đất khách
Bé Châu chạy vội vào nhà, quăng cặp cái “bịch” rồi khóc thét lên:
– Tại sao tôi lại có một bà mẹ người Việt chứ? Tại sao?
Bé vừa nói, vừa nấc nghẹn từng hồi, nước mắt ướt đẫm cả đôi gò má. Chị Lan thấy vậy chỉ biết ái ngại nhìn con, rồi ánh mắt chị bỗng đăm chiêu như đang tủi phận mình. Chồng chị – Một người Nhật – Cũng lắc đầu ngán ngẩm. Đã nhiều lần ông nói con không được làm vậy với mẹ, nhưng Châu còn non nớt nào có chịu nghe. Cứ hễ mỗi lần bị tụi bạn trêu chọc về dòng máu lai của mình, Châu chỉ còn biết ôm mặt khóc. Cứ thế ngày qua ngày, nỗi uất ức khi có người mẹ Việt ngày một nhiều lên cũng là chuyện hiển nhiên.
Đó là một trong vô số những chuyện mà tôi được nghe chị Hà kể lại. Chị Hà làm trong một trung tâm dạy tiếng Việt cho chính những trẻ em người Việt tại Tokyo, nên hoàn cảnh của các bậc phụ huynh nơi xứ người chị nắm rõ hơn ai hết. Tuy vậy nhưng tôi cũng không khỏi bàng hoàng:
– Liệu có thật là đến mức như vậy không hả chị?
– Thật đó em à. – Chị Hà vừa nâng cốc nước lên, vừa chép miệng – Những đứa trẻ này được sinh ra và lớn lên ở Nhật, bản thân chúng cũng cho mình là người Nhật. Số trẻ nói được tiếng Việt đã ít rồi, những trẻ biết tôn trọng và yêu quý Việt Nam thì lại càng hiếm hơn. Cũng không trách được, cuộc sống ở Nhật bận rộn mà, ba mẹ toàn đi làm từ sáng tới tối mịt, còn đâu thời gian mà lo lắng, dạy dỗ cho con.
– Ra là vậy. – Một người cũng tình cờ có mặt tại đó, bàn vào – Nhưng dù gì thì chúng nó cũng không chối bỏ được dòng máu Việt đang chảy trong người mình. Những đứa khác lại càng không thể phủ nhận cái tên Katakana sờ sờ ra mỗi khi đi học. Cũng vì cái tên ấy mà biết bao đứa đã bị xa lánh, chê cười. Nhưng khổ cái chúng còn quá nhỏ, chẳng thể nào phản kháng mà trái lại đâm ra ghét cái tên ấy, dẫn đến ghét luôn cả quê nhà.
– Cũng phải thôi – Một chị nói thêm – Rõ ràng là với cuộc sống ở Nhật thì chúng nó thiệt thòi hơn hẳn. Giả sử đi, nếu chúng nó có một người mẹ Nhật, chắc hẳn bà ta sẽ giáo dục cho chúng thật tỉ mỉ, đàng hoàng, từ cách buộc dây giày đến cách lên tàu điện. Nhưng nếu là một người mẹ Việt, liệu mọi thứ có được như vậy không? Rồi mai đây, khi đi học và thấy những đứa bạn cùng trang lứa đều khéo léo hơn mình, làm sao không tránh khỏi việc cảm thấy mình thua thiệt? Việc tủi thân cũng là chuyện đương nhiên.
Nghe tới đây, tôi buông đũa, thở dài. Không khí tự nhiên nặng nề hơn hẳn. Việt Nam và Nhật, nói thẳng ra thì đất nước nào cũng có những cái hay, những điều cần khắc phục, liệu có cần phải đưa lên bàn cân so sánh vậy không? Tại vì đâu mà những đứa trẻ thơ được gieo vào đầu những suy nghĩ ấy? Hay chính môi trường chúng sống đã góp nên một phần không nhỏ? Tôi từng được nghe chị kể lại rằng nơi chị sống, cứ hễ có con gái Việt lấy chồng Nhật là những người xung quanh lại khúc khắc cười, chẳng biết cười chúc mừng hay là cười chế giễu. Rồi một đứa bé con một người quen, suốt tám năm sinh sống nơi xứ người, tiếng Nhật thuộc làu làu mà tiếng Việt chỉ được dạy đúng một câu: “Tôi là người Nhật, không biết tiếng Việt”. Phải chăng những tư tưởng này cũng vô hình chung đã khiến những đứa trẻ nhìn về quê hương theo một chiều thật khác? Lại thêm thời buổi náo loạn thông tin chẳng biết đâu là đúng, đâu là sai như hiện giờ, bản thân tôi nhiều khi còn lung lạc, nói gì đến những đứa trẻ thơ? Nhưng như chị Hà cũng nói rồi, cuộc sống ở đây quá bận, cha mẹ nuôi dạy con được tới đâu hay tới đó, còn nhận thức của trẻ thì cũng còn tuỳ. Và một kẻ tình cờ nghe chuyện như tôi lại càng không thể làm gì được.
Từ hôm đó trở đi, tôi cứ băn khoăn về chuyện này hoài không dứt. Việc phân biệt giữa Việt Nam và Nhật vốn ở đâu đó cũng có rồi, nhưng đến cả những đứa trẻ thơ cũng như vậy thì thật tội. Tôi cố lục lọi lại trong tâm trí mình xem liệu có còn tia hi vọng nào cho những mầm non nơi đất khách hay không. Chợt, tôi nhớ lại những ngày tháng 8, tôi cùng bạn bè đi dự Tết Trung Thu của cộng đồng người Việt. Từng người từng người tất tả chuẩn bị làm những chiếc lồng đèn thật đẹp làm quà cho em nhỏ, còn phụ huynh cũng nhanh chóng đưa con em mình đến chơi. Không khí ấm áp chẳng khác gì ở Việt Nam, và không cần nói cũng biết lũ trẻ vui thú đến nhường nào. Cả nơi chị Hà làm việc cũng tổ chức rất nhiều hoạt động cho trẻ biết thêm về đất nước, quê hương. Đây đó những nơi dạy tiếng Việt tình nguyện mọc lên không ngớt. Và có lần đến thăm nhà bạn, tôi đã rất vui khi thấy một đứa trẻ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, cái này trong tiếng Việt gọi là gì?”. Không những thế, nhiều bậc phụ huynh cũng cho con cháu mình biết cách đi chùa, lễ bái, thờ cúng tổ tiên. Những người Việt trên đất khách đang từng ngày từng giờ mang đến cho con em mình một hình ảnh Việt Nam thật đẹp. Vậy liệu chăng nguyên nhân chính lại là những tư tưởng tiêu cực của một phần người lớn hay chăng?
Hôm sau, tôi đến gặp chị Hà để nói về điều này. Chị cũng gật gù:
– Đúng là chị cũng nghĩ như vậy, chúng ta không truyền được cho con em nét đẹp của Việt Nam vì chính chúng ta cũng đang thiếu nó. Chứ em biết không, hôm qua chị cũng mới gặp vợ chồng chị Cúc, hai anh chị đều tốt nghiệp Todai. Chị Cúc cũng chia sẻ với chị rằng, bé Mai con chị ấy cũng từng nói rằng không thích Việt Nam, không thích cái tên katakana phiền phức. Em biết chị Cúc làm gì không?
Chị ấy cúi xuống xoa đầu con và nói:
– Này con, con có thương mẹ không?
Bé Mai nhanh nhảu trả lời:
– Dạ có, dạ có chứ. Con thương mẹ nhiều lắm.
– Nhưng mai mốt mẹ già, mẹ xấu, con gặp được những người phụ nữ trẻ đẹp yêu quý con hơn, thì con nghĩ sao?
– Con vẫn thương mẹ nhất, vì mẹ là mẹ của con, là người sinh ra con mà.
– Cũng vậy đó con à. Việt Nam mình có thể có những điều không đẹp, nhưng là nơi ba mẹ sinh ra, và cũng nhờ đó mà có con bây giờ. Nếu con chỉ vì những hào nhoáng của Nhật mà quên đi quê cha đất Tổ, thì có khác gì con quên đi ơn nghĩa sinh thành mẹ chê mẹ già, mẹ xấu đâu con?
Bé Mai nghe vậy thì ôm chầm lấy mẹ, khóc oà. Cũng từ đó, bé hứa sẽ không coi thường Việt Nam nữa. Kì hè vừa rồi, bé còn đòi ba mẹ đưa về quê đó em à. Nếu ông bố người Nhật cũng dùng cách tương tự với bé Châu, chắc bé cũng đỡ hơn rồi, vì nghe nói bé Châu thương ba mình lắm.
– Đúng thật chị nhỉ, quan trọng là mình thật sự muốn thì mình sẽ làm được thôi. Đứa trẻ nào thì cũng là con người, cũng biết nghe lẽ phải, nếu nói thấu tình đạt lý thì chẳng ai lại đi chối bỏ quê hương của mình. – Tôi nhận xét.
– Chính là như thế. Sắp tới bên chị tổ chức cắm trại, nhất định sẽ đem câu chuyện của chị Cúc ra kể, để các phụ huynh khác xem đó mà làm theo, để những mầm non trên đất khách biết tự hào ngẩng cao đầu trước những lời chế giễu và vươn lên trong cuộc sống em à.
Tôi mỉm cười, tỏ vẻ nhất trí với chị. Tự nhiên trong lòng bỗng dâng lên một niềm vui sướng lạ kỳ. Một mầm non nếu biết được vun tưới bằng những nguyên liệu tốt, rồi cũng sẽ trở thành cây xanh tô điểm cho đời. Cũng vậy, một đứa trẻ nếu được giáo dục đúng cách, thì dù ở đâu đi chăng nữa cũng không bao giờ quên bỏ quê hương, dù với bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Và điều đó phụ thuộc vào chính chung ta, những phụ huynh Việt trên xứ sở anh đào.
(Nguồn Isenpai)
Bức ảnh khoảnh khắc thanh niên tự tử – ám ảnh về một nước Nhật buồn
Câu chuyện “ngôi mộ đom đóm” ngoài đời thực qua bức ảnh hai đứa trẻ Nhật Bản