Vì sao cá ngừ Nhật Bản đắt gấp 10 lần cá Việt Nam?
Ngư trường quá xa, tập quán đánh bắt lạc hậu làm chất lượng cá ngừ thấp khiến hàng Việt Nam chỉ được dùng làm đồ hộp thay vì có mặt trong những nhà hàng sushi đắt đỏ.
Thị trường Nhật Bản là đích đến của 80% lượng cá ngừ đại dương trên toàn thế giới nhờ sức tiêu thụ lớn và mức giá cao. Cá ngừ của Việt Nam cũng tìm đường sang xứ sở hoa anh đào.
Thế nhưng, thay vì được bán cho những nhà hàng để làm món sushi hay sashimi có giá hàng chục USD/kg, cá ngừ Việt chỉ dừng chân ở siêu thị, trong ngăn đồ hộp, với giá vỏn vẹn 3 USD/kg.
Đó là bức tranh ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam, ngay cả những quán ăn Nhật dành cho khách trong nước, cá ngừ cũng ít được gọi so với cá trích hoặc cá hồi.
Anh Hữu Đại, chủ cơ sở phân phối 30% thị trường xuất khẩu cá ngừ trong cả nước ở Phú Yên cho biết, vị nhạt, nhiều mỡ, khó ăn và không đảm bảo về an toàn thực phẩm, khiến người Việt cũng không thích sản phẩm trong nước.
“Người Việt Nam vẫn tiêu thụ, nhưng ít thôi, vì còn lo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tùy ngư trường, thịt cá ngừ đại dương có vị khác nhau, nên người Nhật thường chê cá Việt không ngon bằng hàng trong nước”, một lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam chia sẻ.
Có những thời điểm, giá cá ngừ mua tại Phú Yên chỉ còn còn 60.000-70.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Anh.
Trao đổi với Zing.vn, ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, thừa nhận, ngay cả ở Khánh Hòa – ngư trường đánh bắt cá ngừ lớn nhất Việt Nam – loài cá này cũng không được bảo đảm về chất lượng khi vừa được đưa về đất liền. Khoảng cách địa lý, tập quán đánh bắt là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Thực tế, vành đai cá ngừ ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương chạy dọc qua khu vực quần đảo Phillipines. Điều này khiến khoảng cách của các quốc gia như Phillipines, Singapore đến ngư trường gần hơn nhiều so với Việt Nam, khi các tàu cá buộc phải ra tới vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa mới có cá để đánh bắt.
“So với Nhật Bản thì Việt Nam cũng chịu hạn chế tương tự như vậy. Nếu người Nhật chỉ mất 2-3 ngày cho một chuyến đi biển, thì chỉ riêng việc đến được ngư trường Trường Sa, thuyền câu của Việt Nam đã phải mất 3 ngày. Cộng thêm bằng đó thời gian để quay về đất liền, con cá phải bảo quản trong đá suốt 1 tuần. Thế nên dễ hiểu vì sao cá ngừ Nhật lên bờ còn tươi rói, trong khi cá của Việt Nam đã giảm chất lượng đi nhiều”, ông Lăng phân tích.
Một nguyên nhân khác khiến chất lượng cá ngừ đại dương ở Việt Nam thấp so với mặt bằng chung nằm ở tập quán đánh bắt cá. Khi câu được cá ngừ đại dương, ngư dân thường dùng chày gỗ đập nhiều lần vào đầu để giết cá. Cách làm này khiến cá quẫy mạnh, tăng quá trình trao đổi sinh hóa, dẫn tới chất lượng thịt cá ngừ giảm.
“Cá ngừ sống trong môi trường nước mặn, còn nước làm đá thậm chí là nước ngọt, hoặc nhiễm phèn. Cá lại được bảo quản bằng đá xay nên dễ bị sũng nước. Tất cả những yếu tố trên đẩy nhanh quá trình lão hóa và phân hủy cá”, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho hay.
Đến nay, dù có nhiều cố gắng để tăng chất lượng, bằng cách học hỏi phương pháp đánh bắt và bảo quản của Nhật, mở rộng thị trường tiêu thụ sang Mỹ, Trung Quốc… nhưng sức mua và giá trị của cá ngừ Việt không được cải thiện bao nhiêu.
“Đừng nói đến chuyện chiếm thị trường, khi chúng ta chưa làm được chất lượng tương xứng, không thể cạnh tranh với nước ngoài. Việc học tập cũng có cái phù hợp, cái không, cốt yếu là Việt Nam phải tự tìm ra cách thức thích hợp với con cá của mình”, ông Lăng bày tỏ.
(Nguồn Zing)