Vì sao trẻ em Nhật bình tĩnh trước thiên tai?

Khi đi tìm câu trả lời cho sự bình tĩnh và ứng phó trong trật tự của người Nhật trước thiên tai, nhiều người Việt cho rằng một phần kết quả đó có được là nhờ giáo dục.

Nhưng hầu như chưa có ai chỉ ra một cách cụ thể người Nhật đã được học như thế nào về phòng chống thiên tai trong trường học.

Những nội dung liên quan đến phòng chống thiên tai xuất hiện trong nhiều môn học, hoạt động giáo dục nhưng chủ yếu tập trung ở môn Xã hội và sau này từ thập niên 90, có thêm môn Đời sống.

20161130152614-nhat-banCác em nhỏ đang thực hành phòng chống thiên tai

Ở cấp tiểu học, nó được trình bày trong “Hướng dẫn học tập” chỉ đạo nội dung và phương pháp học tập dành cho các trường phổ thông trên toàn quốc của Bộ Giáo dục Nhật Bản, được ban hành lần đầu năm 1947, bao gồm bản tổng quát và các bản dành riêng cho từng môn. Sau đó định kỳ khoảng 10 năm được xem xét lại. Bản hiện hành được ban hành năm 2008.

Nội dung học tập về phòng chống thiên tai trong bản Hướng dẫn học tập môn Xã hội tập I (1947)

Từ năm 1947, hệ phổ thông của Nhật chia làm ba cấp: tiểu học (6 năm), trung học cơ sở (3 năm) và trung học phổ thông (3 năm). Nội dung học tập ở từng lớp được cấu tạo theo từng chủ đề (vấn đề).

Về các nội dung có liên quan đến phòng chống thiên tai, ở lớp 1, học sinh sẽ được học chủ đề có tên “Để trở thành đứa trẻ tốt ở nhà và ở trường, chúng ta phải làm gì?”.

Trong chủ đề này, Hướng dẫn học tập gợi ý các ví dụ về phòng chống hiểm họa ở gia đình, trường học như: Thảo luận, viết về những điều ở trường hay ở nhà cần phải chú ý đề phòng (đèn, thiết bị điện, mảnh thủy tinh, đinh, động, thực vật có hại, tro than, lửa…); Thảo luận về các quy định cần thiết nhằm phòng chống hiểm họa khi đi cầu thang, đi ngoài hành lang, hoạt động ở sân vận động, sử dụng dụng cụ.., phát hiện ra các lí do cần đến các quy định đó; Luyện tập chống hỏa hoạn và ghi nhớ cửa thoát hiểm; Thảo luận về việc đã từng bị thương…

Ở lớp 2, học sinh được học chủ đề “Chúng ta phải làm gì để sống an toàn và khỏe mạnh?”. Trong chủ đề này, Hướng dẫn học tập đưa ra hoạt động tập huấn cứu hỏa (làm thế nào để chạy thoát an toàn, nếu quần áo bắt lửa thì phải làm gì?).

Ở lớp 4, học sinh được học chủ đề “Tổ tiên chúng ta đã làm gì để phòng chống các hiểm họa?”. Trong đó, các hoạt động học tập được phân làm hai nhóm.

Nhóm một là các hoạt động học tập giúp học sinh “Biết về phương pháp phòng chống hiểm họa của tổ tiên” như:Báo cáo về các loại thiên tai và thiệt hại do chúng gây ra; Quan sát rừng chắn bão; Nghe và cùng nói về thiệt hại do nước gây ra; Quan sát các công trình chống lũ lụt như đê, đập, cống và vẽ tranh về chúng; Cùng thảo luận xem khi bị lũ lụt con người giúp đỡ lẫn nhau như thế nào và nghe các câu chuyện về nó; Nghe và đọc các câu chuyện về những người dấn thân trị thủy ở địa phương; Cùng nói và viết về sự đáng sợ của hỏa hoạn; Đọc và nghe về sự phát triển của nghề cứu hỏa; Nghe các câu chuyện về dụng cụ cứu hỏa thời xưa, thu thập chúng; Làm áp phích phòng chống hỏa hoạn.

Nhóm hai là các hoạt động học tập giúp học sinh “Biết về các phương pháp cảnh báo hiểm họa” như: Nghe chuông và còi báo động, ghi nhớ tín hiệu; Nghe thông báo cảnh báo nguy hiểm từ đài, điện thoại; Bắt chước phát thanh dự báo thời tiết; Báo cáo về những việc cần phải chuẩn bị của người leo núi nhằm tránh nguy hiểm.

Ở lớp 6, học sinh sẽ học chủ đề “Làm thế nào để chúng ta có cuộc sống an toàn?”. Trong chủ đề này, học sinh học các phương pháp phòng chống tai nạn như:Lập kế hoạch làm cho quê hương an toàn và cùng mọi người thực hiện; Mời nhân viên cứu hỏa hoặc cảnh sát trực đêm tới và nghe họ nói về công việc của mình; Quan sát cửa thoát hiểm, dụng cụ cứu hỏa và máy cảnh báo hỏa hoạn ở rạp chiếu phim, rạp kịch, cửa hàng bách hóa, tòa nhà công cộng và cùng thảo luận về hành động khi có hỏa hoạn xảy ra; Diễn tập phòng chống hỏa hoạn; Cùng nói về ý nghĩa của các tín hiệu như chuông, còi báo động, kẻng, xây dựng các quy tắc cho bản thân phải làm gì trong trường hợp đó; Thực hành ứng cứu khẩn cấp.

20161130152945-nhat-ban-1Trẻ em tham dự một buổi lễ trồng cây gần bờ biển ở TP Soma được tổ chức vào tháng 6/2015, thuộc dự án phòng chống thiên tai

Nội dung học tập về phòng chống thiên tai trong bản Hướng dẫn học tập hiện hành

Bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước, môn Đời sống được thiết lập ở trường tiểu học dành cho học sinh lớp 1 và 2, tập trung vào mối quan hệ giữa học sinh với tự nhiên, đời sống xã hội và nhà trường. Đây là môn học cơ sở để học sinh học tiếp môn Xã hội ở các lớp tiếp theo.

Phòng chống thiên tai được đưa vào các nội dung học tập cho dù bản Hướng dẫn học tập không đề cập trực tiếp.

Từ lớp 3 tới lớp 6, học sinh sẽ được học môn Xã hội với mục tiêu là: “Làm cho học sinh có hiểu biết về đời sống xã hội, giáo dục hiểu biết và tình yêu đối với lãnh thổ và lịch sử nước ta, giáo dục nền tảng phẩm chất công dân cần thiết với tư cách là người xây dựng quốc gia – xã hội hòa bình, dân chủ và sinh sống trong cộng đồng quốc tế”.

Các hoạt động học tập liên quan đến phòng chống thiên tai được thiết kế dựa trên mục tiêu đó.

Chẳng hạn ở lớp 3 và 4 học sinh sẽ được học nội dung “Tiến hành tham quan học tập, điều tra, tra cứu các tư liệu liên quan đến việc phòng chống tai nạn và thiên tai ở xã hội địa phương từ đó suy ngẫm về tác dụng của các cơ quan bảo vệ an toàn của người dân cũng như sự sáng tạo, nỗ lực của những người làm việc ở các cơ quan đó cũng như của người dân địa phương”.

Cụ thể hơn, học sinh sẽ tập trung học tập hai nội dung: Sự hợp tác của các cơ quan có liên quan với người dân địa phương trong việc phòng chống tai nạn và thiên tai; Thể chế ứng phó với tình trạng khẩn cấp do các cơ quan có liên quan liên kết với nhau tạo ra.

Để làm rõ về phòng chống thiên tai, giáo viên sẽ lựa chọn và đưa ra các ví dụ về thiên tai như hỏa hoạn, bão lụt, động đất để học sinh tìm hiểu, học tập.

Tương tự, ở lớp 5, mục tiêu học tập của học sinh trong môn Xã hội là: “làm cho học sinh có hiểu biết về đất đai, tài nguyên của nước ta và mối quan hệ giữa môi trường nước ta với đời sống quốc dân, có mối quan tâm sâu sắc tới tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, phònng chống thiên tai, giáo dục tình yêu đối với tài nguyên, đất đai”.

Từ năm 1947, dù được biên soạn dựa trên bản Hướng dẫn học tập nhưng từng bộ sách của các nhà xuất bản lại có cách tiếp cận và trình bày nội dung riêng rất phong phú. Cơ chế này cũng giúp giáo viên tiến hành các giáo dục thực tiễn có tính độc lập tương đối với chương trình (bản Hướng dẫn học tập) và sách giáo khoa. Trong đó, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tiến hành điều tra, thu thập thông tin ở ngay địa phương mình và dùng nó làm nguyên liệu thiết kế nên bài học.

Vì vậy, hoạt động học tập về phòng chống thiên tai không chỉ là việc học các tri thức giáo khoa mà còn là các hoạt động thực tiễn và hữu ích cho đời sống.

(Nguồn Vietnamnet)

1

Trẻ em Nhật không thể đi đại tiện ở trường học

Thật bất ngờ trước hành động của trẻ em Nhật khi sang đường

28 điều người Nhật dạy con không bao giờ thừa

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: